Các chỉ số trong kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ có ý nghĩa gì?
Tại sao bạn cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ
Tinh dịch đồ là xét nghiệm cơ bản giúp cung cấp những thông tin chi tiết về tinh trùng trong tinh dịch của nam giới, từ đó cho thấy khả năng sinh sản của họ. Tinh dịch đồ cũng cho giúp làm rõ một số nguyên nhân gây vô sinh nam, từ đó có thể đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra xét nghiệm này cũng giúp bác sỹ chẩn đoán các bệnh lý nam khoa, hay hiệu quả của việc triệt sản nam giới.
Chuẩn bị như thế nào trước khi đi xét nghiệm:
-Kiêng xuất tinh từ 2-7 ngày. Tốt nhất nên lấy tinh trùng để xét nghiệm vào thời gian kiêng quan hệ từ 3-5 ngày. Bởi việc xuất tinh thường xuyên có thể khiến số lượng và mật độ tinh trùng thấp, hoặc quá lâu không xuất tinh có thể khiến tinh dịch đồ có nhiều tinh trùng già, yếu, và chết, và độ nhớt tinh dịch tăng khiến cho khả năng di động của tinh trùng bị giảm.
-Bệnh nhân không dùng thuốc lá, rượu, bia và các chất kích thích khác trước đó, không trong thời kỳ điều trị bệnh hoặc đang dùng thuốc…
Lấy mẫu tinh dịch và làm xét nghiệm tinh dịch đồ
- Làm xét nghiệm ở đâu:
Nam giới đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên về nam khoa như các phòng khám nam khoa và bệnh viện có chuyên khoa nam học để được thăm khám và chỉ định làm xét nghiệm.
Tại Hà Nội có một số địa chỉ uy tín về xét nghiệm tinh dịch đồ cho nam giới như bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, bênh viện Nam khoa- hiếm muộn Hà Nội, bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, bệnh viện 103, 108, …
Tại Thanh Phố Hồ Chí Minh có một số địa chỉ khám nam khoa uy tín như Bệnh viện Bình Dân, bệnh viện Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Nhân Dân 115, bệnh viện Nhân Dân Gia Định, ….
- Lấy mẫu tinh dịch như thế nào?
Nam giới cần rửa tay và cơ quan sinh dục bằng nước sạch trước khi lấy mẫu, không rửa bằng xà phòng. Tự lấy tinh dịch bằng cách thủ dâm và xuất tinh vào một lọ tiệt trùng miệng rộng bằng nhựa không có chất gây độc với tinh tùng. Trên lọ dán nhãn có ghi tên, tuổi bệnh nhân và ngày giờ lấy mẫu. Hãy nhớ trước đó bạn phải kiêng xuất tinh từ 2-7 ngày.
Nếu lấy mẫu tinh dịch tại nhà bạn cần bảo quản mẫu, sau khi lấy nên để tủ ấm nhiệt độ 20 đến 37 độ C, tốt nhất là 37 độ C để tạo một trường thích hợp nhất không làm ảnh hưởng đến độ di động của tinh trùng. Nếu ở nhiệt độ quá cao có thể làm chết tinh trùng, nên chuyển tinh trùng đến phòng xét nghiệm trong thời gian không quá 1 giờ để tránh tinh trùng bị bất hoạt. Còn nếu lấy mẫu tại cơ sở y tế thì bạn không phải quan tâm điều này. Sau khi lấy mẫu bạn lập tức đưa cho nhân viên y tế, họ sẽ giúp bạn bảo quản bằng thiết bị chuyên dụng và đưa đi xét nghiệm.
Trong trường hợp bệnh nhân không thủ dâm được, có thể dùng một loại bao cao su chuyên dụng để lấy mẫu. Lưu ý rằng bao cao su loại thường có các chất bôi trơn và bảo quản nên có thể ảnh hưởng khiến kết quả tinh dịch đồ không được chính xác. Phương pháp quan hệ và xuất tinh ra ngoài cũng không nên dùng, do có thể lẫn các tế bào bạch cầu trong âm đạo, lây nhiễm vi khuẩn từ âm đạo, PH âm đạo ảnh hưởng đến sự tồn tại và hoạt động của tinh trùng.
Ý nghĩa các chỉ số trong kết quả xét nghiệm:
Sau khi lấy mẫu và xét nghiệm bạn sẽ được trả lại kết quả có các chỉ số về chính mẫu tinh dịch đồ của bạn. Tuy nhiên các chỉ số đó đúng với tiêu chuẩn hay không và nói lên ý nghĩa gì thì chúng ta cần tìm hiểu những điều sau, dưới đây là tiêu chuẩn của WHO (Tổ chức y tế thế giới) quy định về cách đọc xét nghiệm tinh dịch đồ.
-Ly giải: Bình thường tinh dịch sau khi phóng tinh sẽ tự hóa lỏng ở nhiệt độ 37 độ C gọi là sự ly giải (còn gọi là sự hóa lỏng), chủ yếu do các men Fibrinolysin và Aminopeptidase của tiền liệt tuyến gây ra. Bình thường tinh dịch sẽ tự ly giải sau 15-60 phút. Nếu thời gian ly giải>60 phút nên ghi nhận điều này vào bảng kết quả phân tích. Thời gian ly giải lâu hay không ly giải thường do bệnh lý của tiền liệt tuyến.
-Màu sắc: Tinh dịch đồ thường có màu trắng sữa. Nếu lâu không xuất tinh có thể ngả vàng, hoặc do viêm nhiễm nam khoa. Tinh dịch màu đỏ có thể do lẫn máu do tổn thương trong đường sinh dục- tiết niệu.
-PH: Đo bằng giấy chỉ thị màu, PH bình thường trong khoảng 7.2-8. PH bất thường dưới 7 thường gặp trong trường hợp tinh trùng quá ít hay không có tinh trùng có thể do tắc hoặc không có ống dẫn tinh hai bên.
-Thể tích: Được tính bằng ml,bình thường thể tích tinh dịch ≥ 1,5ml. Thể tích tinh dịch thấp có thể do tắc ống phóng tinh, bất sản túi tinh, xuất tinh ngược dòng. Thể tích tinh dịch quá nhiều từ 5ml trở lên có thể do viêm tuyến tiền liệt hoặc viêm túi tinh.
-Thể tích: Được tính bằng ml,bình thường thể tích tinh dịch ≥ 1,5ml. Thể tích tinh dịch thấp có thể do tắc ống phóng tinh, bất sản túi tinh, xuất tinh ngược dòng. Thể tích tinh dịch quá nhiều từ 5ml trở lên có thể do viêm tuyến tiền liệt hoặc viêm túi tinh.
-Tổng số tinh trùng: Tổng số tinh trùng trong một lần xuất tinh có liên quan đến khả năng có thai. Nếu tổng số tinh trùng quá ít thì khả năng tinh trùng sống sót để di chuyển tới vòi trứng sẽ không cao,khiến khả năng thụ thai kém.Tổng số tinh trùng chuẩn phải ≥ 39 triệu.
-Sự di động: Bình thường tinh trùng khi xuất vào trong âm đạo cần có sự di chuyển để vượt qua cổ tử cung, tử cung, rồi mới đến vòi trứng và gặp trứng ở đó để thụ thai. Nếu tinh trùng không di chuyển được, chúng sẽ mãi đứng yên ở âm đạo, chứ không thể tiến sâu vào trong để gặp trứng và thụ thai. Đó cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nam giới.
Hiện nay có 2 tiêu hệ thống tiêu chuẩn đánh giá về khả năng di động của tinh trùng(đều có thể sử dụng) là tiêu chuẩn WHO 1999 và WHO 2010.
Tiêu chuẩn WHO 1999 chia làm 4 loại
-Loại A: Di động tiến tới nhanh
-Loại B: Di động tiến tới chậm
-Loại C: Không tiến tới
-Loại D: Không di động
Tinh trùng di động Bình thường theo tiêu chuẩn này nghĩa là: Di động A ≥ 25% hoặc A+B ≥ 50% (di động A: tinh trùng di động tiến tới, nhanh; di động B: tinh trùng di động tiến tới, chậm).
Tiêu chuẩn WHO 2010 chia làm 3 loại:
- Di động tiến tới (PR)
- Di động không tiến tới (NP)
- Không di động (IM).
Tinh trùng di động Bình thường theo tiêu chuẩn này nghĩa là: Di động tiến tới (PR) + Di động không tiến tới (NP) ≥40%; hoặc: Di động tiến tới (PR) ≥32%.
-Tỷ lệ sống: Nếu một mẫu tinh dịch đồ có tỷ lệ tinh trùng sống quá thấp sẽ cho thấy tinh trùng khó thụ thai được, thường do các bệnh lý ở tinh hoàn, mào tinh hay túi tinh.
Tỉ lệ tinh trùng sống bình thường ≥ 58%.
-Hình dạng bình thường: Hình dạng tinh trùng cung cấp một số thông số rất quan trọng giúp dự đoán khả năng thụ tinh tự nhiên của tinh trùng. Với những trường hợp cần thụ tinh trong ống nghiệm thì việc xác định hình dạng bình thường của tinh trùng cũng cần đánh giá nghiêm ngặt. Hình dạng bình thường theo tiêu chuẩn cũ là≥15% nhưng theo tiêu chuẩn mới chỉ còn ≥04%. Tinh trùng dị tật cũng sẽ được quan sát rõ ràng để xác định tỷ lệ dị tât ở đầu, cổ hay đuôi cụ thể là bao nhiêu phần trăm.
-Tế bào lạ: Bình thường trong một mẫu tinh dịch có thể có bạch cầu với số lượng cho phép dưới 1 triệu/ml. Nếu chỉ số bạch cầu cao có thể có nhiễm khuẩn xảy ra. Vi khuẩn và vi sinh vật bình thường không có trong tinh dịch, nhưng nếu có với số lượng lớn biểu hiện tình trạng nhiễm trùng đường sinh dục.
Kết luận:
Qua những thông tin trên thì nam giới có thể đọc và hiểu được phần nào ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm tinh dịch đồ, từ đó biết rằng khả năng sinh sản của mình có tốt hay không. Tuy nhiên các bạn cũng phải biết rằng chỉ số tinh dịch đồ chỉ là một kết quả có ý nghĩa trong thời điểm nhất định chứ không phải là không có sự thay đổi. Nếu chỉ số tinh dịch đồ kém, nhưng sau đó tìm ra nguyên nhân bệnh lý và điều trị, hay tăng cường chế độ ăn uống, thể dục thể thao nâng cao thể trạng tinh trùng có thể cải thiện rõ ràng về mặt chất lượng. Ngược lại, nếu chất lượng tinh trùng trong thời điểm kiểm tra là tốt, nhưng không biết cách giữ gìn sức khỏe, ăn uống không đầy đủ, thức khuya, căng thẳng,...chất lượng tinh trùng cũng có thể làm giảm sút một cách nhanh chóng và khiến việc thụ thai trở nên khó khăn bạn nhé.