Hóa trị ung thư gây vô sinh: Nguyên nhân và cách đề phòng
Hóa trị tác động đến cơ thể như thế nào
Hóa trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả, bên cạnh các biện pháp phổ biến khác như xạ trị, nhiệt trị và phẫu thuật. Hóa trị có khả năng loại bỏ và ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển trong cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể sau khi được điều trị.
Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kháng ung thư đưa vào người bệnh nhân bằng đường uống, tiêm truyền. Liệu pháp này có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác để đạt được hiệu quả cao nhất.
Các loại thuốc kháng ung thư được sử dụng có khả năng tiêu diệt các tế bào ác tính đang tăng trưởng và phân chia nhanh, mất kiểm soát trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên thuốc tác động đồng thời lên cả tế bào ung thư và tế bào bình thường của toàn bộ cơ thể, vì vậy nó có thể đem lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh như thiếu máu, suy giảm hệ miễn dịch, các bệnh lý tim mạch, hệ thần kinh bị ảnh hưởng gây suy giảm trí nhớ, thường xuyên bị buồn nôn, tiêu chảy, ăn không ngon, người mệt mỏi, tóc rụng, da khô, loãng xương, sụt ký...Đặc biệt thuốc sử dụng trong hóa trị ung thư thường gây tác động xấu đến khả năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới.
Hóa trị ảnh hưởng tới khả năng sinh sản
Các hóa chất được sử dụng để điều trị ung thư có thể khiến nội tiết tố sinh dục của cả nam giới và nữ giới bị thay đổi.
Với nữ giới
Đối với nữ giới, hóa trị ung thư có thể gây ra các tình trạng như khô âm đạo, kinh nguyệt không đều, đau đớn khi quan hệ tình dục và dễ bị nhiễm trùng âm đạo do nội tiết suy giảm.
Hầu hết các loại thuốc hóa trị có thể làm tổn hại trứng của người phụ nữ, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân, tuy nhiên cũng có nhiều loại gây tác động mạnh đến buồng trứng và có loại ít gây ảnh hưởng. Truyền hóa chất có sinh con được không phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, loại thuốc bệnh nhân dùng và liều lượng thuốc. Tuổi càng cao, khả năng có con sau hóa trị càng thấp, đồng thời điều trị thời gian dài, dùng các thuốc loại mạnh càng dễ dẫn đến khó có con.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân mang thai khi đang hóa trị sẽ rất nguy hiểm. Vì nhiều loại thuốc hóa trị có thể làm tổn thương thai nhi, gây dị tật bẩm sinh hoặc thai chết lưu. Nếu mang thai quá sớm sau khi hóa trị cũng có thể ảnh hưởng tới thai nhi, vì trứng bị hỏng do hóa trị có thể được thụ tinh dẫn tới nhiều hậu quả như sinh non, sảy thai, dị tật bẩm sinh. Do vậy, bệnh nhân cần sử dụng các biện pháp tránh thai trong giai đoạn hóa trị và không nên mang thai trong vòng 6 tháng đầu sau khi hóa trị.
Với nam giới
Ở nam giới, việc sử dụng hóa trị điều trị ung thư khiến tinh hoàn bị tổn thương, có thể dẫn đến giảm số lượng tinh trùng và giảm chất lượng của tinh trùng, thậm chí không có tinh trùng được sản xuất (hay còn gọi là vô tinh), từ đó gây vô sinh nam giới.
Việc sử dụng hóa trị cũng làm biến đổi mặt di truyền học của tinh trùng, dễ dẫn đến những tinh trùng bị lỗi ADN, từ đó khiến cho việc thụ tinh dễ xảy ra vấn đề bất thường, phôi thai bị hỏng hoặc dị tật bẩm sinh.
Ngoài ra, việc sử dụng hóa trị cũng khiến chức năng sinh lý của nam giới bị ảnh hưởng như giảm ham muốn tình dục, khó đạt cực khoái...
Dự phòng vô sinh sau hóa trị ung thư
Đối với nam giới hay nữ giới, việc vô sinh đều có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh. Đa phần sau quá trình điều trị một thời gian (thường là 5 năm) khả năng sinh sản có thể hồi phục. Tuy nhiên có một số trường hợp vô sinh vĩnh viễn có thể xảy ra. Khi bắt đầu điều trị và thậm chí trong quá trình điều trị, người bệnh và bác sỹ hoàn toàn không thể chắc chắn việc điều trị có suôn sẻ hay không, hay khả năng sinh sản sau điều trị như thế nào. Vì thế trước khi tiến hành điều trị bác sỹ có thể tư vấn cho người bệnh mong muốn sinh con sau khi hóa trị thành công bằng cách
- Dự trữ trứng: Đối với nữ giới trước khi tiến hành hóa trị ung thư có thể cân nhắc áp dụng biện pháp dự trữ trứng. Nếu thành công ngay lần đầu, nữ giới sẽ chỉ mất thời gian rất ngắn, thường là khoảng 15 ngày cho việc kích trứng phát triển và chọc hút trứng. Sau đó, trứng thu được sẽ được bảo quản lạnh ở nhiệt độ -196 độ C
- Dự trữ tinh trùng: Đối với nam giới mong muốn có con sau hóa trị thành công có thể áp dụng phương pháp dự trữ tinh trùng. Tương tự dự trữ trứng, tuy nhiên sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Sau khi thu thập mẫu tinh trùng, chúng sẽ được làm ấm hóa lỏng và trộn chung với dung môi đông lạnh để có thể tồn tại được trong môi trường đông lạnh.Sau khi kiểm tra và xử lý xong, các mẫu tinh trùng này sẽ được bảo quản trong bình nitơ lỏng lạnh ở nhiệt độ tương đương nhiệt độ dự trữ trứng.
- Dự trữ phôi: Có nhiều trường hợp sau khi điều trị ung thư xong thì cả bản thân người điều trị và vợ/chồng của họ đều đã ngoài tuổi sinh sản. Vì thế cách tốt nhất để bảo tồn khả năng sinh sản của cả hai người, hạn chế nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh do sinh con tuổi cao, các cặp vợ chồng có thể chọn phương pháp tạo phôi trong thụ tinh ống nghiệm và trữ đông để bảo quản. Sau khi điều trị, nếu người vợ có khả năng sinh sản thì sẽ chuyển phôi vào tử cung của người vợ, còn nếu không đủ sức khỏe để đảm nhận việc mang thai thì có thể nhờ người mang thai hộ, việc này hiện đã được pháp luật cho phép.
Bài tham khảo
Lưu trữ trứng bằng phương pháp đông lạnh
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm IVF