Tử cung lạnh là gì và những ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới
Tử cung lạnh là tình trạng gì
Tử cung cũng như ngôi nhà để sinh trưởng, ở đây là bào thai, chỉ khi nó đầy đủ điều kiện thì mới có thể giúp thụ thụ thai, nuôi bào thai phát triển đầy đủ, khỏe mạnh. Tử cung lạnh là một trong những tình trạng bệnh lý theo quan niệm của Đông Y để chỉ một điều kiện bất lợi cho việc làm tổ và phát triển của thai nhi.
Hiểu rõ hơn, tử cung lạnh là tình trạng năng lượng dương không thể làm ấm cơ thể, mạch máu tử cung co thắt lại khiến tử cung thiếu máu nuôi, gây khó rụng trứng và thụ thai thành công. Mà bình thường, khí huyết đóng vai trò quan trọng trong điều hòa kinh nguyệt và thụ thai. Khi người phụ nữ đã có thai, thai nhi cần rất nhiều huyết để đem chất dinh dưỡng đến thai. Tử cung có nhiều khí huyết thì thai nhi được nuôi dưỡng và phát triển tốt.
Trong tử cung lạnh, lớp lót tử cung không đáp ứng thích hợp với hormone dương hay progesterone. Trong bệnh tử cung lạnh, mạch máu cung cấp cho tử cung co thắt lại và khiến tử cung thiếu máu nuôi, điều này làm cho nếu chị em đã thụ thai thành công thì cũng có nguy cơ cao gặp các vấn đề như thai sinh hóa sớm, sảy thai...
Tử cung lạnh có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân dẫn đến phụ nữ bị tử cung lạnh
Tử cung lạnh có thể xuất phát từ bẩm sinh hoặc do người phụ nữ quá lao lực, căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên ăn uống kém, cơ thể suy nhược trong thời gian dài, làm khí huyết nuôi dưỡng bào cung kém cũng gây tử cung lạnh. Các nguyên nhân dẫn đến tử cung lạnh là:
- Do sinh hoạt tình dục quá mức, gây hao tổn khí trong người nên không thể bổ sung đủ khí huyết cho tử cung.
- Do thiếu dinh dưỡng hoặc rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khí huyết tới tử cung hoặc khí huyết đủ nhưng lưu thông không đều.
- Bẩm sinh: cha mẹ có bệnh hoặc có lối sống không lành mạnh ảnh hưởng đến việc thụ thai, mang thai làm cho đứa con khi sinh ra cũng có thể bị bệnh lạnh tử cung.
- Căng thẳng, suy nghĩ quá nhiều: lối sống ít vận động, ăn uống tạm bợ, suy nghĩ nhiều, áp lực làm cho tinh thần căng thẳng có thể khiến khí huyết trong cơ thể người phụ nữ không được lưu thông đều đặn và đầy đủ tới tử cung.
Dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị tình trạng tử cung lạnh
Bạn có thể nhận thấy bản thân đang thiếu năng lượng dương nếu gặp phải những dấu hiệu tử cung lạnh như:
- Cơ thể thường lạnh (luôn mặc áo khoác, khó làm ấm cơ thể)
- Tay và chân lạnh
- Nhiệt độ cơ bản của cơ thể thấp
- Suy giáp
- Thường tiểu nhiều, nhất là vào ban đêm
- Tiêu hóa kém
- Ra máu trước kỳ kinh hoặc máu đóng cục trong kỳ kinh
- Pha sau của chu kỳ kinh ngắn
- Đau lưng dưới (thường vào lúc rụng trứng hay trong kỳ kinh nguyệt)
- Đau bụng kinh nhưng dễ chịu hơn khi được làm ấm, màu kinh nhợt, lượng kinh ít.
- Thường xuyên sảy thai
- Hiếm muộn
- Rụng trứng trễ
- Không rụng trứng.
- Thường đi kèm hội chứng thận hư: Đau lưng mỏi gối, ù tai, tiểu tiện nhiều, lãnh cảm, không thích thú với tình dục.
Tử cung lạnh điều trị được không
Tử cung lạnh có thể điều trị được nếu được chẩn đoán đúng và có phương thuốc phù hợp. Ảnh minh họa.
Khi được bác sỹ đông y chẩn đoán là tử cung lạnh, bác sỹ thường sẽ đồng thời cắt thuốc cho chị em các loại thảo dược theo thang để về sắc uống. Chị em nên lưu ý tuân thủ chỉ định này như những chỉ định thuốc tây y. Việc có thể dùng đồng thời với thuốc Tây Y hay không sẽ còn tùy vào từng trường hợp, vì thế cần trao đổi kỹ với bác sỹ nếu bạn muốn theo phương pháp Đông Tây Y kết hợp. Khi uống thuốc Đông Y, bạn cũng cần lưu ý một số yêu cầu về chế độ ăn, điều này thường sẽ được bác sỹ nhắc nhở khi kê đơn.
Ngoài ra, chị em có thể điều trị tử cung lạnh chỉ bằng những thói quen hàng ngày như:
+ Ăn thức ăn nóng ấm và có tính nhiệt ; Thêm một vài miếng gừng và đường nâu vào trà, đun sôi trong vài phút và uống mỗi ngày.
+ Ngâm chân trong nước ấm mỗi ngày trong 10 – 20 phút. Giữ ấm chân sau khi để khô chân; Chườm nhiệt. Đặt một túi chườm nhiệt lên bụng hay vùng lưng để làm ấm mỗi ngày hay cách ngày.
+ Tập thể thao như Thái Cực quyền và khí công có thể giúp ích cho bạn; hoặc tự massage tại vị trí Tam âm giao (khoảng 4 lóng ngón tay tính từ đỉnh xương mắt cá trong đi lên).
Việc phòng ngừa và điều trị tử cung lạnh cần căn cứ vào nguyên nhân cụ thể của từng người. Tuy nhiên, nguyên tắc phòng bệnh chung mà chị em nào cũng cần biết là phải có chế độ làm việc chân tay và trí óc phù hợp sức khỏe, có chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên rèn luyện sức khỏe.
Bài tham khảo