U tuyến yên: Nguyên nhân gây vô sinh cho cả nam và nữ không thể chủ quan
U tuyến yên là gì
Tuyến yên là một tuyến nhỏ, có hình hạt đậu nằm ở đáy não, hơi sau mũi và giữa hai tai. Mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng tuyến yên ảnh hưởng đến hầu như mọi bộ phận của cơ thể. Các hormone mà nó tạo ra giúp điều chỉnh các chức năng quan trọng, chẳng hạn như tăng trưởng, huyết áp và sinh sản.
Ảnh minh họa
U tuyến yên là sự tăng trưởng bất thường của khối u tại tuyến yên. Một bộ phận của não có nhiệm vụ điều hòa sự cân bằng các nội tiết tố (hormone) của cơ thể. Nhưng chính sự xuất hiện của khối u tuyến yên có thể sẽ dẫn đến việc sản xuất ra quá nhiều hormone kiểm soát các hoạt động chức năng của cơ thể. Hoặc ngược lại, một số khối u tuyến yên xuất hiện khiến cho việc sản xuất hormone ít đi, dẫn đến cơ thể không đủ lượng hormone cần thiết.
Đa số các khối u tuyến yên đều là khối u lành tính (không ung thư, hay còn gọi là u tuyến). Bệnh lý này khá hay gặp. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người bị u tuyến yên.
Các triệu chứng của u tuyến yên
Người bệnh có nhiều rối loạn phát triển như to đầu chi, mặt to, trán rộng, trán dô, cằm rộng, môi dày, da thô, bàn chân và ngón chân to, bàn tay và ngón tay to ...
Trường hợp tăng ACTH người bệnh có biểu hiện tăng cân, vết rạn da ở bụng, đùi, tay... cơ nhẽo, bụng to, tay chân nhỏ.
Những trường hợp khối u không tăng tiết nhưng phát triển to chèn vào các tế bào lành của tuyến yên gây ra tình trạng suy tuyến yên, với những biểu hiện như rụng lông, mất ngon miệng, mệt mỏi, da khô, chậm phát triển hay chậm dậy thì ở trẻ em...
Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị tăng áp lực nội sọ với các biểu hiện: Đau đầu, buồn nôn, tăng huyết áp, giảm ý thức, thở nông, hôn mê...
Nếu khối u chèn vào dây thần kinh thị giác sẽ có biểu hiện rối loạn thị giác như nhìn mờ, bán manh (chỉ nhìn được một phía trong hay phía ngoài)
U tuyến yên gây vô sinh do tăng prolactin máu
Khối u tuyến yên gây vô sinh do tiết hormone prolactin dẫn đến tình trạng giảm lượng hormone sinh dục (estrogen ở nữ và testosterone ở nam). Quá nhiều prolactin trong máu sẽ ảnh hưởng đến nam giới và nữ giới theo nhiều cách khác nhau.
Với nữ giới, khối u tuyến yên tiết prolactin có thể phá vỡ cân bằng nội tiết trong cơ thể, ức chế sự rụng trứng gây vô sinh nữ.
Prolactin cao có thể ngăn rụng trứng ở phụ nữ. Khi điều này xảy ra, chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ sẽ bị ngừng hẳn lại (tắt kinh) và họ sẽ mất khả năng có con. Ở một mức độ nhẹ hơn, người bị chỉ số prolactin cao vẫn có kinh nguyệt bình thường, vẫn rụng trứng nhưng không sản xuất đủ hormone progesterone sau khi rụng trứng, khiến trứng thụ tinh không thể làm tổ, dẫn đến vô sinh ở nữ giới.
Người bệnh nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, giảm hoặc mất cương, bất lực. Tình trạng vô sinh nam cũng thường xảy ra kèm theo do ảnh hưởng của nội tiết tố đến sự phát triển của tinh trùng.
Làm sao để bệnh nhân u tuyến yên không bị vô sinh
Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng có liên quan đến khối u tuyến yên, hãy đến gặp bác sỹ ngay. Khối u tuyến yên thường có thể điều trị được và sẽ giúp đưa lượng hormone trong cơ thể trở về mức bình thường, làm giảm các triệu chứng bệnh, tránh các nguy hiểm về sau. Đặc biệt điều trị tăng prolactin ngay để ngăn chặn hậu quả u tuyến yên gây vô sinh. Phương pháp điều trị thường có điều trị nội khoa và ngoại khoa tùy từng trường hợp khác nhau. Điều này bạn sẽ được tư vấn kỹ càng hơn khi bác sỹ tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh thông qua thăm khám cũng như các xét nghiệm cận lâm sàng.
Phương pháp tốt nhất để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị u tuyến yên hiệu quả nhất đó là tìm ra các biện pháp để hỗ trợ cho sức khỏe tốt, lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý:
- Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá
- Khám sức khỏe định kỳ để có thể kịp thời phát hiện và điều trị bệnh
- Ngủ đủ giấc
- Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh stress
- Có chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn
Bài tham khảo
Bệnh về tuyến tiền liệt và nguy cơ vô sinh.
Xét nghiệm hormon sinh dục-tuyến yên trong chẩn đoán vô sinh.