Các phương pháp xét nghiệm trong bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường và các biến chứng nguy hiểm
Tiểu đường có thể ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận khác nhau của cơ thể, từ những biểu hiện ngoài da đến những biểu hiện có thể ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, thận,... và có thể dẫn tới tử vong. Các biến chứng thường gặp trong bệnh tiểu đường là:
- Nhiễm toan ceton: Xảy ra khi máu bị toan hóa, do tăng nồng độ acid có thể dẫn đến hôn mê, tử vong
- Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, đây là biến chứng nặng nhất và rất dễ tử vong đòi hỏi người bệnh cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
- Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.
- Bệnh tiểu đường gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người mắc tiểu đường hơn những người không mắc. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.
- Biến chứng thần kinh bao gồm:
Tê bì, mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ, đau, thiểu dưỡng và loét do thiếu dinh dưỡng là nguy cơ của nhiễm trùng dẫn đến đoạn chi (cắt bỏ một phần của chi),...
Tổn thương dây thần kinh sọ có thể gây sụp mi, lác trong, liệt mặt.
Tổn thương thần kinh thực vật còn có thể gây nhồi máu cơ tim, liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn tiêu hóa,...
- Biến chứng về thị giác: Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp tăng và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý võng mạc. Tình trạng này có thể được kiểm soát qua kiểm tra mắt thường xuyên, giữ ổn định mức glucose máu và huyết áp gần hoặc bình thường.
- Nguy cơ nhiễm trùng: Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể vì vậy rất dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền,... Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị,...
Đối tượng nên xét nghiệm bệnh tiểu đường
Xét nghiệm đường máu tại nhà
Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng cao và không chừa bất kỳ một độ tuổi nào, kể cả người trẻ tuổi. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây cần lưu ý để tiến hành thực hành xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường:
– Người béo phì, thừa cân: Do nhóm đối tượng này thường mắc rối loạn chuyển hóa, lượng mỡ trong máu cao bởi chế độ ăn uống không khoa học. Hơn nữa, béo phì thường liên quan trực tiếp tới huyết áp và đường huyết – nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường.
– Người mắc bệnh gout: Các biến chứng của gout sẽ làm lượng tiểu đường tăng cao.
– Người có huyết áp cao, rối loạn mỡ máu: Các chỉ số trong máu và huyết áp bất thường khiến lượng đường huyết rối loạn dẫn đến tiểu đường.
– Phụ nữ u nang buồng trứng
– Phụ nữ đang mang thai: Đa phần phụ nữ mang thai thường là đối tượng của tiểu đường bởi quá trình đào thải hoóc – môn Lactogen, Estrogen, Progesteron, Prolactin,…làm kháng insulin gây tăng đường máu, dẫn đến tiểu đường.
– Người trung tuổi và cao tuổi
– Người có các triệu chứng của bệnh như ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhanh...
Các phương pháp xét nghiệm bệnh tiểu đường
Xét nghiệm đường huyết tại cơ sở y tế
Xét nghiệm Glucose trong máu lúc đói
Ở những người khỏe mạnh, hàm lượng Glucose trong máu lúc đói là (3,9 – 6,4mmol/L), khoảng 70-100 mg/dl. Khi hàm lượng Glucose trong máu vượt ngoài mức bình thường, cụ thể là cao hơn hoặc bằng 7mmol/L, đồng nghĩa với việc bạn đang bị mắc bệnh tiểu đường.
Để có thể thực hiện được xét nghiệm này, bạn phải tiến hành nhịn ăn ít nhất là 6 giờ đồng hồ để đánh giá đúng sự điều chỉnh glucose máu trong cơ thể.
Nếu lúc đói, kết quả xét nghiệm đưa ra lượng đường của bạn vẫn cao, điều này cho thấy chức năng điều hòa Glucose trong máu kém hiệu quả, bạn đang có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Như đã nói ở trên, phạm vi đường huyết ở người bình thường lúc đói từ 3,9 – 6,4mmol/L. Nếu lượng đường huyết của bạn vượt quá 7mmol/L có nghĩa là bạn đã bị mắc bệnh tiểu đường. Còn nếu kết quả xét nghiệm cho thấy lượng đường trong máu của bạn thấp hơn 3,9 mmol/L hoặc nằm trong khoảng 6,4mmol/L – 6,9 mmol/L, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện lại xét nghiệm này vào ngày hôm sau hoặc là có thể làm thêm xét nghiệm dung nạp Glucose.
Nghiệm pháp dung nạp đường huyết
Tương tự như xét nghiệm hàm lượng Glucose lúc đói, xét nghiệm này được tiến hành sau khi bạn đã nhịn ăn ít nhất là 6 giờ đồng hồ, sau đó bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống một ly nước có chứa 75g glucose và tiến hành xét nghiệm sau 2 giờ đồng hồ kể từ khi uống ly nước.
Tại thời điểm xét nghiệm, phạm vị đường huyết ở những người bình thường là dưới 7,8 mmol/L. Nếu chỉ số xét nghiệm đường huyết của bạn từ 7,8 – 11 mmol/L có nghĩa là bạn đang có nguy cơ bị bệnh tiểu đường, còn nếu kết quả là trên 11,1 mmol/L thì bác sĩ sẽ kết luận là bạn đã bị bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm glucose ngẫu nhiên
Nếu kết quả xét nghiệm Glucose ngẫu nhiên cao hơn 11,1 mmol/L thì có thể là bạn đã bị mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, xét nghiệm này thường được tiến hành 2 lần hoặc bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của tiểu đường, nếu kết quả vẫn là 11,1 mmol/L thì bác sĩ sẽ kết luận bạn bị bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm HbA1c
Xét nghiệm HbA1c được sử dụng để đánh giá tổng thể lượng đường trong máu trong thời gian dài: 2 tháng đồng thời đánh giá tính hiệu quả của phương pháp kiểm soát đường máu ở bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.
Chỉ số HbA1c ở những người bình thường, khỏe mạnh có giá trị ở dưới 5,7%. Nếu giá trị này nằm trong phạm vi từ 5,7 – 6,4 % thì có thể bạn đang có nguy cơ bị mắc bệnh tiểu đường, còn nếu chỉ số HbA1c có giá trị trên 6,4 %, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị mắc bệnh tiểu đường.
Bài tham khảo:
Điều trị biến chứng tình dục ở người bị tiểu đường
Tiểu đường - Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rối loạn cương dương.