Các xét nghiệm dùng trong tầm soát ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân của ung thư cổ tử cung
Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV. HPV là một loại virus xâm nhập vào tế bào và có thể khiến các tế bào biến đổi. Một số loại HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung cũng như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và cổ họng. Các chủng HPV có khả năng gây ung thư được gọi là “chủng có nguy cơ cao.”
Bên cạnh Human Papillomavirus (HPV), một số yếu tố nguy cơ khác có thể tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Hút thuốc lá: phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng gấp đôi so với những phụ nữ không hút thuốc. Các chất độc hại có trong thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư cổ tử cung.
- Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.
- Sinh đẻ nhiều lần (có trên 5 đứa con).
- Sinh con khi còn quá trẻ (< 17 tuổi).
- Vệ sinh sinh dục không đúng cách.
- Viêm cổ tử cung mãn tính.
- Suy giảm miễn dịch: trên cơ thể suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm HPV nguy cơ cao tăng lên, dẫn tới tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung.
Triệu chứng ung thư cổ tử cung
Khi bắt đầu biểu hiện triệu chứng ung thư ngoài tử cung thì bệnh đã tiến triển, lúc này điều trị cho kết quả hạn chế, thời gian sống còn lại của bệnh nhân bị rút ngắn, chi phí điều trị cao, chất lượng cuộc sống suy giảm, tạo ra gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Khi gặp một trong các dấu hiệu ung thư cổ tử cung sau, nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt:
- Chảy máu bất thường sau giao hợp, giữa các kì kinh hoặc sau mãn kinh.
- Âm đạo tăng tiết dịch bất thường, hoặc có mùi khó chịu.
- Đau vùng chậu không liên quan tới kinh nguyệt.
- Đau khi giao hợp.
- Tăng số lần đi tiểu.
- Đau khi đi tiểu.
Tầm soát ung thư cổ tử cung là cách hiệu quả nhất để phát hiện bệnh và có phác đồ điều trị kịp thời.
Những phương pháp xét nghiệm, tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm Pap smear
Pap smear (còn gọi là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung) là một xét nghiệm tế bào học nhằm xác định những thay đổi tế bào ở cổ tử cung chủ yếu do virus HPV gây ra, để phát hiện UTCTC kịp thời ở phụ nữ trước khi nó bắt đầu lây lan và trở thành mối quan tâm lớn hơn.
Pap smear được thực hiện bằng cách thu thập và phân tích tế bào ở cổ tử cung giúp phát hiện ung thư sớm. Hơn thế, Pap smear còn giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tế bào tử cung để cảnh báo nguy cơ mắc UTCTC trong tương lai.
Xét nghiệm Cobas test (cobas® HPV test)
Cobas test là một dạng xét nghiệm HPV DNA tiên tiến, cho phép dùng một xét nghiệm duy nhất từ một mẫu bệnh phẩm là có thể phát hiện và xác định 2 type HPV 16 và 18, chiếm tới 70% nguyên nhân gây UTCTC; đồng thời xác định có nhiễm ít nhất 1 trong 12 type HPV (31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66 và 68) nguy cơ cao còn lại hay không.
Soi cổ tử cung để phát hiện ung thư cổ tử cung
Nếu bạn có một số triệu chứng gợi ý ung thư hoặc nếu kết quả xét nghiệm Pap của bạn cho thấy các tế bào bất thường, bạn sẽ cần phải thực hiện một thủ tục gọi là soi cổ tử cung. Bạn sẽ nằm trên bàn khám và bác sĩ sẽ đặt một mỏ vịt vào âm đạo để giúp giữ cho nó mở trong khi kiểm tra cổ tử cung bằng máy soi cổ tử cung. Máy soi cổ tử cung là một dụng cụ ở bên ngoài cơ thể và có ống kính phóng đại. Nó cho phép bác sĩ nhìn rõ bề mặt cổ tử cung lên gần.
Sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Sinh thiết cổ tử cung là một quá trình kỹ thuật tách lấy mẫu mô cổ tử cung để kiểm tra các tình trạng bất thường, tình trạng tiền ung thư hoặc ung thư hóa.
Sinh thiết cổ tử cung có thể thực hiện bằng nhiều kĩ thuật khác nhau. Bên cạnh việc lấy mẫu mô để kiểm tra, trong quá trình sinh thiết cũng có thể tiến hành loại bỏ hoàn toàn khối mô bất thường, hoặc các tế bào có nguy cơ bị ung thư hóa.
Cần lưu ý những gì trước khi làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung?
– Nên làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung khi nào? Bạn nên đi làm xét nghiệm vào tuần sau tuần kinh nguyệt nó sẽ giúp bác sĩ lấy được mẫu thử sạch hơn.
– Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn về các loại thuốc đang dùng. Bạn không nên làm xét nghiệm khi đang sử dụng một trong các loại thuốc có nguy cơ gây chảy máu cao khi làm các thủ thuật như: aspirin, Ibuprofen, naproxen, warfarin.
– Nên ngừng việc dùng băng vệ sinh nhét trong âm đạo, thụt rửa âm đạo hay bôi kem âm đạo trước 24h trước khi làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung.
– Kiêng quan hệ tình dục trước và sau khi làm xét nghiệm.
– Sau khi làm các thủ thuật khám (đặc biệt là sinh thiết) bạn có thể bị chảy máu nên hãy mang theo băng vệ sinh để dùng.
Bài tham khảo