Chỉ số bình thường các loại nội tiết tố sinh dục nam
Nội tiết tố nam và vai trò trong cơ thể
Trong hệ nội tiết sinh dục của nam giới gồm nhiều chất, tuy nhiên các loại hormone như Testosteron, FSH, LH, Estradiol, và Prolactin được coi là những nội tiết tố quan trọng nhất, những loại nội tiết này có vai trò điều hòa nồng độ lẫn nhau, đảm bảo hoạt động của hệ hạ đồi - tuyến yên - tinh hoàn, giúp quá trình sinh tinh diễn ra bình thường. Sự tăng, giảm bất thường các nội tiết tố này có thể dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển cơ thể, điển hình là việc dậy thì của nam giới, khi trưởng thành rồi mà có sự bất thường ở các hormon sinh dục, dễ dẫn đến yếu sinh lý, rối loạn cương dương, rối loạn sinh tinh, thụ thai kém. Vì thế, xét nghiệm nội tiết nam dựa trên các chỉ số nội tiết tố chính là cơ sở để đánh giá chính xác sức khỏe nam giới.
Ảnh minh họa
Các chỉ số nội tiết tố nam bình thường
Testosterone
Testosterone là một hormone đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe nói chung như duy trì sự phát triển của cơ bắp, hệ xương, và sự nam tính, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe sinh sản và tình dục ở nam giới như kích thích ham muốn và khả năng tình dục, đặc biệt quan trọng trong quá trình sinh tinh, ảnh hưởng đến khả năng có con của nam giới.
Định lượng Testosterone khá đơn giản, thực hiện thông qua xét nghiệm, nên làm vào buổi sáng khi lượng hormone cao nhất. Trước khi xét nghiệm, nam giới cần ngưng uống bất cứ loại thuốc điều trị nào có thể ảnh hưởng đến lượng Testosterone hoặc cần trao đổi với bác sỹ để đánh giá một cách chính xác nhất. Tùy theo triệu chứng, biểu hiện lâm sàng mà bác sỹ sẽ đưa ra biện pháp thăm khám phù hợp. Xét nghiệm có thể thực hiện nhiều lần, cách nhau một thời gian nhất định để đánh giá tình trạng hormone trong cơ thể chính xác hơn.
Kết quả xét nghiệm Testosterone: Nồng độ Testosterone bình thường khoảng từ 300 - 1000 ng/dl.
Nồng độ Testosterone thấp hơn mức bình thường: gây giảm hứng thú tình dục, mệt mỏi, vô sinh, rối loạn cương cứng dương vật, số lượng tinh trùng thấp, nhũ hóa tuyến vú, rụng tóc, tăng lượng mỡ, mất số lượng lớn cơ bắp, mất sức bền của cơ thể, loãng xương, thay đổi tâm trạng, giảm năng lượng và co rút tinh hoàn.
Testosteron quá cao có thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, đột quỵ, huyết khối, phì đại tuyến tiền liệt, dậy thì sớm…
Ảnh minh họa
FSH
Xét nghiệm chỉ số này dùng để phân biệt giữa suy sinh dục có hoặc không kèm suy hạ đồi với cường hạ đồi. Nguyên nhân là do vai trò của FSH như sau. Vùng dưới đồi tiết hormone GnRH kích thích tuyến yên tiết FSH và LH. Sau đó, FSH sẽ kích thích sự hoạt động của ống sinh tinh bên trong tinh hoàn, thúc đẩy quá trình sản sinh tinh trùng. FSH cũng có vai trò kết hợp với LH, một hormone khác của tuyến yên - kích thích tế bào kẽ của tinh hoàn tăng sản xuất testosterone để kích thích sản sinh tinh trùng.
Kết quả xét nghiệm FSH: Chỉ số FSH bình thường: 2 - 12 mIU/ml.
Chỉ số FSH cao trong các trường hợp tinh hoàn không đáp ứng tốt với kích thích do nội tiết hướng sinh dục tạo ra, kết quả dẫn đến vô sinh ở nam giới. Quá trình sinh tinh bị tổn thương nên tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng.
Chỉ số FSH thấp là nguyên nhân gây suy hạ đồi, tuyến yên. Cùng với xét nghiệm LH, định lượng FSH giúp đánh giá chức năng tuyến sinh dục - trục dưới đồi ở nam giới, cụ thể thường dùng trong các chẩn đoán bệnh bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể, tình trạng vô sinh do giảm chất lượng tinh trùng, giảm chức năng sinh dục, rối loạn tuyến sinh dục, vùng dưới đồi, tuyến yên.
LH
LH (Luteinizing hormone) là hormone sinh dục được sản xuất bởi tuyến yên của cơ thể, đây là hormone có cả ở nam giới và nữ giới. Nồng độ LH có sự liên quan chặt chẽ với khả năng sinh sản, đóng vai trò quan trọng trong sự hoạt động của buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới. Tuyến yên sản xuất LH theo từng thời điểm, thời gian bán hủy ngắn, chính vì vậy mà nồng độ LH cũng sẽ thay đổi và không ổn định. Sự bài tiết LH chịu sự điều hòa của hormon vùng dưới đồi và các hormone sinh dục như testosterone, estrogen, progesterone.
Ở nam giới LH kích thích tế bào Leydig trong tinh hoàn sản sinh ra testosterone. Hormone này sẽ kích thích sự sản sinh tinh trùng và làm rõ nét các đặc điểm dậy thì ở nam giới như tóc và lông phát triển, vỡ giọng,...
Chỉ số LH bình thường ở nam giới: 1,7 - 8,6 mIU/mL.
Sự tăng hoặc giảm LH quá mức có thể coi là dấu hiệu cảnh báo vô sinh. LH cao có thể do tinh hoàn giảm sản xuất testosterone trong bệnh lý suy tinh hoàn sớm. Bên cạnh đó, LH cao cũng là dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh lý gen di truyền như hội chứng Klinefelter ở nam giới. Ngược lại nếu nồng độ LH quá thấp sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tinh hoàn từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì và khó thụ tinh.
Estradiol
Estradiol là một loại hormone sinh dục nữ, nam giới cũng có estradiol nhưng nồng độ thấp hơn so với phụ nữrất nhiều. Ở nam giới, tuyến thượng thận và tinh hoàn là cơ quan sản xuất ra estradiol. Chất này có vai trò hỗ trợ cho khả năng sinh sản, ham muốn tình dục ở nam giới và tránh nguy cơ béo phì cho nam giới. Xét nghiệm Estradiol thường dùng để đánh giá khi bé gái hoặc trai có vấn đề về dậy thì.
Kết quả xét nghiệm Estradiol: Chỉ số bình thường ở nam giới: 28 - 156 pmol/l.
Estradiol tăng hơn mức bình thường: dậy thì sớm ở trẻ, hoặc do tình trạng nữ hóa tuyến vú ở nam giới, rối loạn cương dương.
Estradiol giảm có thể do suy tuyến sinh dục hoặc dậy thì muộn.
Prolactin
Prolactin (viết tắt là PRL)là hormone có cả nam và nữ, được tiết ra từ thùy trước của tuyến yên. Định lượng Prolactin cũng là xét nghiệm nội tiết quan trọng, nhằm định hướng chẩn đoán vấn đề bất thường tại hệ sinh dục. Kết hợp với các xét nghiệm khác, xét nghiệm Prolactin dùng để chẩn đoán nguyên nhân vô sinh, tình trạng vô tình, chứng vú to hay rối loạn cương dương ở nam giới.
Kết quả xét nghiệm Prolactin ở nam giới bình thường là 2 - 18 ng/ml.
Nồng độ Prolactin cao có thể dẫn đến rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, chứng vú to, hoặc các bệnh lí ngoài sinh dục như u tuyến yên, suy giáp, căng thẳng kéo dài,... Ngược lại, Prolactin thấp khi nam giới bị ít tinh trùng, tinh trùng suy nhược, giảm chức năng tình dục.
Phòng ngừa rối loạn nội tiết tố sinh dục nam
Như phân tích ở trên chúng ta thấy rất rõ các vai trò của hormone sinh dục nam và ảnh hưởng của chúng đến cơ thể, nhất là ở các vấn đề dậy thì nam, sức khỏe sinh sản, sinh lý tình dục. Để duy trì cân bằng nội tiết tố cần tạo ra lối sống lành mạnh từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao tăng cường sức khỏe. Cụ thể là:
-Chế độ ăn uống:
Uống đủ nước mỗi ngày, lượng nước cần thiết cho một người khỏe mạnh là 1,5 - 2 lít nước, có thể bao gồm nước lọc, hoặc các loại nước ép rau quả tươi, trời nóng nên uống tăng cường nước, có thể uống theo nhu cầu từ 2,5-3 lit nước/ngày.
Ăn đúng và đủ bữa, bổ sung một lượng chất béo vừa phải, cân đối giữa thịt và rau củ, bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể như Omega - 3, Omega - 6 bằng cách tìm kiếm các thực phẩm từ cá thu, cá hồi, dầu bắp, đậu nành,… để quá trình sản xuất nội tiết tố hoạt động tốt hơn.
Sử dụng các loại thực phẩm sạch và có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chứa hóa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật... tốt nhất là nên dùng thực phẩm hữu cơ và rau tự trồng.
- Chế độ tập luyện thể dục thể thao
Tập thể dục hàng ngày bằng những bài tập phù hợp với sức khỏe và sự yêu thích của bản thân như đi bộ, càu lông, bơi lội, tập yoga,…Tập thể dục mỗi ngày là cách giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng, hỗ trợ giấc ngủ và điều hòa chuyển hóa trong cơ thể từ đó giúp ổn định lượng nội tiết tố.
- Chế độ nghỉ ngơi
Ngủ đủ giấc, nên ngủ được từ 8-10h/ngày, hạn chế và tốt nhất nên tránh thức khuya, tránh làm việc quá sức, stress…
- Các lưu ý khác
Hạn chế, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Cần xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng rối loạn nội tiết tố
Các bạn có thể tham khảo thêm kiến thức tại những bài viết sau:
Điều hòa nội tiết sinh sản của nam giới
Testosterone với sinh lý sinh sản của nam giới