Chụp nhũ ảnh là gì? Chụp nhũ ảnh dùng trong chẩn đoán những bệnh gì?
Chụp nhũ ảnh là gì
Nhũ ảnh là một kỹ thuật chụp X-quang đặc biệt dành cho tuyến vú, được dùng để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú ở phụ nữ, đặc biệt là ung thư vú. Nhũ ảnh là phương pháp giúp tầm soát ung thư vú ở giai đoạn sớm, trước khi bạn hay thầy thuốc của bạn cảm nhận những thay đổi ở vú.
Cũng như các kỹ thuật chụp X-quang khác, nhũ ảnh kỹ thuật số cũng dùng tia X chụp xuyên qua vú để ghi hình ảnh của tuyến vú lên màng hình, hình ảnh sau đó sẽ được xử lý, chỉnh sửa để in ra phim. Một trong những ưu điểm lớn nhất của chụp nhũ ảnh kỹ thuật số là ảnh thu được dưới dạng số hóa, rất thuận tiện cho xử lý, lưu trữ và truyền đi xa.
Ảnh minh họa
Khi nào người bệnh nên đi chụp nhũ ảnh
Hiện nay, nhũ ảnh là một trong những phương tiện quan trọng để tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư vú. Do đó, ở nhiều nước trên thế giới, phụ nữ lớn tuổi được khuyến cáo nên chụp nhũ ảnh định kỳ, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào.
Đặc biệt với những phụ nữ trên 40 tuổi, gia đình có người thân bị ung thư vú, mãn kinh muộn (trên 55 tuổi), không sinh con, không cho con bú,... thì nên đi chụp nhũ ảnh định kỳ mỗi năm một lần vì đây là những đối tượng có nguy cơ ung thư vú cao hơn bình thường.
Trong những trường hợp chị em thấy có các biểu hiện như đau vú, tiết dịch núm vú, da vú dày lên, đảo ngược núm vú, có kéo núm vú hoặc sờ thấy khối bất thường ở vú thì việc đi thăm khám và chụp nhũ ảnh là điều cần thiết để chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư vú để can thiệp kịp thời.
Quy trình thực hiện chụp nhũ ảnh
Quy trình thực hiện chụp nhũ ảnh bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Đưa bệnh nhân đến trước máy chụp, có thể ngồi hoặc đứng.
- Bước 2: Đặt vú cần chụp lên trên một mặt phẳng. Dùng tấm plastic đè ép lên trên vú và giữ cố định. Mục đích của ép vú là dàn mỏng tuyến vú để có thể quan sát mô tuyến vú dễ dàng hơn, hạn chế nhiễu ảnh và tia X tác động tới vú.
- Bước 3: Để chụp được toàn bộ tuyến vú, có thể chụp từ trên xuống dưới (chụp đầu đuôi), chụp từ trong ra ngoài (chụp ngang) và chụp chếch từ góc trong phía trên xuống (chụp chếch bên). Các tư thế chụp này sẽ bổ sung để có thể thu được hình ảnh toàn bộ của tuyến vú.
Ảnh minh họa
Kết quả chụp nhũ ảnh có phải lúc nào cũng chính xác?
Giống như các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý khác, chụp mammography sàng lọc ung thư vú đôi khi cũng cho kết quả sai lệch. Chụp nhũ ảnh có thể không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào, ngay cả khi bạn đang mắc bệnh (gọi là âm tính giả). Kết quả âm tính giả sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong tiến trình điều trị.
Ngược lại, chụp nhũ ảnh đôi khi lại cho thấy một bất thường nào đó được cho là ung thư, nhưng khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sâu hơn thì kết quả cho thấy bạn không bị ung thư (dương tính giả). Những hiện tượng này là hoàn toàn bình thường, nhưng rất hiếm khi xảy ra. Và bạn cũng chớ nên quá lo lắng, ngoài thực hiện chụp nhũ ảnh ra, các bác sỹ vẫn sẽ kết hợp với nhiều phương pháp chẩn đoàn lâm sàng và cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác nhất tình trạng của bạn. Do đó, vấn đề quan trọng nhất chính là bạn nên chọn những cơ sở y tế chuyên môn và uy tín trong lĩnh vực sản phụ khoa để thăm khám mà thôi.
Các lưu ý trước khi tiến hành chụp nhũ ảnh
Bác sĩ sẽ yêu cầu một số lưu ý trong ngày hẹn chụp nhũ ảnh và bạn cần phải tuân theo để không gây trở ngại trong quá trình thực hiện chụp X-quang tuyến vú. Đó là:
- Không dùng phấn phủ, chất khử mùi hay nước hoa; không bôi thuốc mỡ hoặc kem lên ngực hoặc vùng nách để tránh gây biến dạng hình ảnh, khiến bác sĩ đọc hình ảnh lầm tưởng là có vôi hóa hoặc cặn canxi.
- Nếu đang mang thai hoặc cho con bú bạn nên nói với bác sĩ về vấn đề này. Có thể bác sĩ sẽ không yêu cầu bạn thực hiện kỹ thuật chụp X quang tuyến vú nhưng nếu cần, bác sĩ có thể yêu cầu các phương pháp kiểm tra khác, chẳng hạn như siêu âm. Trường hợp thực hiện chụp nhũ ảnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong chẩn đoán, bác sỹ sẽ vẫn yêu cầu chụp, tuy nhiên thai phụ sẽ được chụp với một lớp chì trước bụng để hạn chế tia X ảnh hưởng đến thai nhi.
- Nếu bạn đã từng thực hiện kỹ thuật cấy ghép mô mỡ tự thân ở ngực, hay đăt túi ngực hãy nói với bác sĩ trong buổi đặt lịch. Lúc này, bạn sẽ cần một kỹ thuật viên X-quang được đào tạo và giàu kinh nghiệm. Lý do, việc cấy ghép mô mỡ có thể che giấu một vài mô vú, cản trở việc phát hiện ung thư vú khi xem hình ảnh chụp X quang tuyến vú.
- Bạn nên thực hiện kỹ thuật này vào thời điểm sau khi hết kinh một tuần vì khi ấy nồng độ estrogen trong máu giảm xuống, tuyến vú bớt giữ nước và giảm căng, giúp giảm cảm giác đau và dễ quan sát hơn.
- Thời gian chụp X quang vú diễn ra trong khoảng 30 phút
Bài tham khảo: