Để chẩn đoán chính xác bệnh giang mai nên chọn xét nghiệm nào?
Khái quát chung về bệnh Giang mai
Bệnh giang mai là một bệnh nguy hại do xoắn khuẩn Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mai) gây ra. Bệnh sẽ có những biến chứng nghiêm trọng về thần kinh, mắt, da, niêm mạc nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục.
Các xét nghiệm Giang mai hiện đang phổ biến được chia làm 2 nhóm:
- Xét nghiệm tìm kháng thể giang mai không đặc hiệu (Non – Treponema test) bao gồm: VDRL (Venereal Diseases Research Laboratory) và RPR (Rapid Plasma Reagin).
- Xét nghiệm tìm kháng thể giang mai đặc hiệu (Treponema test) bao gồm:
+ TPHA (Treponema pallidum haemagglutination assay)/TPPA (Treponema pallidum passive particle agglutination)
+ FTA-abs (xét nghiệm hấp thụ kháng thể Treponema huỳnh quang)
+ EIA (xét nghiệm miễn dịch enzym)
+ CLIA (xét nghiệm miễn dịch theo phương pháp hóa phát quang )
+ ECLIA (xét nghiệm miễn dịch theo phương pháp điện hóa phát quang).
Trong hai nhóm phân loại xét nghiệm trên thì với mỗi nhóm lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Để biết bạn phù hợp với loại xét nghiệm nào, cần nắm sơ qua về ưu nhược điểm của từng nhóm và quan trọng hơn cả là cần tùy chỉ định của bác sỹ thông qua việc thăm khám lâm sàng.
Nhóm xét nghiệm tìm kháng thể giang mai không đặc hiệu (non-treponema test)
- Các xét nghiệm bao gồm: VDRL, RPR
- Nguyên lý: Các xét nghiệm này phát hiện các kháng thể Reagin (một nhóm kháng thể chống lipid) và các kháng thể IgG/IgM kháng lại kháng nguyên Cardiolipin-lecithin-cholesterol. Xét nghiệm này không đặc hiệu cho Treponema pallidum và thay đổi theo từng giai đoạn bệnh.
- Thời gian xuất hiện các kháng thể này trong máu sau 3-4 tuần kể từ thời điểm nhiễm trùng ban đầu. Hiệu giá xét nghiệm tăng nhanh chóng và nếu không được điều trị thì hiệu giá vẫn tăng trong năm đầu tiên rồi giảm dần sau đó.
- Khi được điều trị đúng phác đồ, hầu hết các bệnh nhân mắc giang mai nguyên phát đều có RPR/VDRL âm tính trong vòng 1 năm. Thời gian điều trị càng sớm thì nồng độ kháng thể trong huyết thanh về âm tính càng sớm.
Ưu điểm
Xét nghiệm nhanh, giá thành rẻ.
Dễ làm, có thể dùng để sàng lọc thường quy.
Dùng để theo dõi điều trị.
Đánh giá được tình trạng tái nhiễm.
Nhược điểm
Khoảng 20% bệnh nhân mắc giang mai giai đoạn muộn thì nồng độ huyết thanh sẽ không giảm dần trong vòng 1 năm (hoặc giảm dần xuống dưới 1/8).
Độ đặc hiệu của xét nghiệm thấp.
Vì xét nghiệm tìm kháng thể giang mai không đặc hiệu nên khả năng xuất hiện âm tính giả và dương tính giả rất cao.
Dương tính giả: trong các trường hợp nhiễm các vi khuẩn họ Treponema không phải Treponema pallidum như bệnh phong, tình trạng tổn thương mô hoặc da do vius hoặc vi khuẩn, bệnh lao, viêm gan, HIV, bệnh thấp khớp, bệnh tự miễn. Đặc biệt dương tính giả có thể xảy ra ở các bệnh nhân khỏe mạnh sau khi tiêm chủng vắc xin thủy đậu, phụ nữ có thai hoặc ở người già.
Âm tính giả: hiện tượn âm tính giả (prozone) xảy ra khi nồng độ kháng thể trong mẫu huyết thanh lên quá cao.
Nhóm xét nghiệm tìm kháng thể giang mai đặc hiệu (Treponema test)
- Các xét nghiệm bao gồm: TPPA,TPHA, FTA-abs, Syphilis test nhanh, Syphilis TP (CMIA).
- Nguyên lý: Phát hiện kháng thể IgM/IgG kháng lại Treponema pallidum bằng kháng nguyên đặc hiệu.
- Thời gian phát hiện kháng thể các xét nghiệm trong nhóm cho kết quả có phản ứng dương tính sau 2-3 tuần nhiễm trùng ban đầu.
Ưu điểm
Các xét nghiệm trong nhóm có thể dùng để chấn đoán ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh giang mai.
Là xét nghiệm tìm kháng thể giang mai đặc hiệu và tỷ lệ dương tính giả rất thấp dùng để khẳng định các trường hợp nghi nhiễm giang mai
Độ nhạy, độ đặc hiệu cao.
Có thể định lượng được.
Nhược điểm
Giá thành cao
Không dùng để theo dõi điều trị
Không đánh giá được tình trạng tái nhiễm vì nếu bệnh nhân mắc giang mai thì có thể các xét nghiệm dương tính suốt đời.
3. Trình tự các bước xét nghiệm theo phác đồ chuẩn
- Phác đồ xét nghiệm chẩn đoán cổ điển
Khi tiếp nhận bệnh nhân mới và kiểm tra thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử, bác sỹ sẽ chỉ định cho người bệnh kiểm tra bằng các xét nghiệm không trực tiếp xoắn khuẩn như VDRL, RPR. Nếu âm tính với các xét nghiệm này, người bệnh sẽ được kết luận là không mắc. Tuy nhiên nếu xét nghiệm này dương tính bác sỹ sẽ cho người bệnh làm thêm xét nghiệm trực tiếp xoắn khuẩn như TPHA. Khi đó dựa vào kết quả TPHA bác sỹ mới đưa ra kết luận là người bệnh có mắc Giang mai hay không
- Phác đồ xét nghiệm chẩn đoán giang mai theo khuyến cáo của IUSTI 2014 của Châu Âu.
Khởi đầu bằng các xét nghiệm CLIA. EIA hoặc TPHA. Nếu âm tính có thể khẳng định người bệnh không bị nhiễm vi khuẩn. Ngược lại nếu xét nghiệm dương tính thì lặp lại xét nghiệm trực tiếp Giang mai thứ 2 (khác với xét nghiệm dùng ở lần 1) . Nếu lần 2 kết quả âm tính thì có thể là một trong các khả năng như Sẹo huyết thanh, vùng Prozone. Nếu kết quả lần xn thứ 2 là dương tính thì kiểm tra bằng xét nghiệm không trực tiếp (VDRL hoặc RPR). Nếu xét nghiệm này dương tính thì mới có thể khẳng định là bị Giang mai.
Bài tham khảo.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh Giang mai.
Các giai đoạn phát triển của bệnh giang mai.