Dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ: Phương pháp chẩn đoán và chăm sóc
Tổng quan về dị tật sứt môi hở hàm ếch
Sứt môi hở hàm ếch là gì
Sứt môi hở hàm ếch là một dị tật bẩm sinh vùng mặt làm biến dạng khuôn mặt của trẻ. Với trẻ bình thường, các mô tạo nên môi và vòm miệng sẽ nối với nhau trong tháng thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Nhưng ở trẻ sơ sinh bị sứt môi và hở hàm ếch, sự hợp nhất không bao giờ diễn ra hoặc chỉ xảy ra một phần, để lại một khe hở. Sứt môi hở hàm ếch có nhiều mức độ từ nặng đến nhẹ, có thể chỉ sứt môi, chỉ hở hàm ếch hoặc cả sứt môi,hở hàm ếch, thậm chí là chẻ đôi lưỡi gà diễn ra trên cùng một người.
Nguyên nhân trẻ bị sứt môi hở hàm ếch
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra bằng chứng chắc chắn về nguyên nhân dẫn đến sứt môi hở hàm ếch là gì. Tuy nhiên theo ghi nhận, một số yếu tố nguy cơ sau làm tăng nguy cơ dị tật sứt môi hở hàm ếch của thai nhi:
- Gia đình có người thân mắc tình trạng sứt môi hở hàm ếch như bố mẹ, ông bà, anh chị em...
- Mẹ dùng thuốc không đúng chỉ định trong thời gian đầu của thai kỳ, hoặc nhiễm chất độc hóa học, tia X hoặc nhiễm siêu vi, bị cảm cúm, cha mẹ mắc bệnh giang mai, lậu không được điều trị triệt để...
- Người mẹ mang thai bị stress, khủng hoảng về tâm lý hoặc người mẹ suy dinh dưỡng lúc mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến dị tật sứt môi - hở hàm ếch ở trẻ.
- Cha mẹ sinh con lúc lớn tuổi, sức khỏe của thai phụ không tốt sẽ có nguy cơ sinh con dị tật cao
Phương pháp sàng lọc dị tật sứt môi hở hàm ếch trong thai kỳ
Siêu âm thai là biện pháp khám thai phổ biến nhất trong thai kỳ và được nhiều cha mẹ thực hiện. Cho đến nay, không thể phủ nhận ưu điểm vượt trội của siêu âm trong phát hiện các dị tật bất thường về mặt hình thái cơ thể của thai nhi và tính an toàn của siêu âm trong thai kỳ. Siêu âm có thể thực hiện từ những tuần đầu khi mang thai đến khi sản phụ vượt cạn với tần suất cao mà không gây ảnh hưởng cho trẻ, có thể siêu âm định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sỹ
Sứt môi có thể được phát hiện khi siêu âm bắt đầu vào khoảng tuần thứ 13 -14 của thai kỳ. Khi thai nhi tiếp tục phát triển, việc chẩn đoán chính xác khe hở môi có thể dễ dàng hơn. Hở vòm miệng xảy ra một mình khó nhìn hơn khi sử dụng siêu âm. Nếu siêu âm trước sinh cho thấy có khe hở, bác sĩ có thể đưa ra quy trình lấy mẫu nước ối từ tử cung của bạn (chọc ối). Xét nghiệm nước ối có thể chỉ ra rằng thai nhi đã có một hội chứng di truyền có thể gây ra các dị tật bẩm sinh khác.
Nếu trong trường hợp gia đình không đồng ý phương pháp chọc ối, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm thường xuyên hơn trong thai kỳ. Việc siêu âm tại những mốc thời gian khi thai lớn hơn có thể có thể giúp phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch đi kèm các dị tật khác như não úng thủy, giãn não thất, nứt đốt sống, thoát vị hoành, teo thực quản, hẹp tá tràng, thoát vị rốn, hở thành bụng, ngắn chi, chân tay khoèo, bất sản thận, dị dạng bàng quang...Với trường hợp đa dị tật nên đình chỉ thai nghén. Còn nếu trường hợp chỉ có dị tật sứt môi hở hàm ếch thông thường thì có thể sinh trẻ ra và can thiệp bằng phẫu thuật.
Độ tuổi phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ
Trẻ nằm trong độ tuổi từ 6 tháng trở lên, không bị mắc các bệnh nhiễm trùng. Cụ thể, đối với các em nhỏ mắc khe hở môi, độ tuổi phẫu thuật sẽ từ 6 tháng tuổi trở lên cùng chỉ tiêu cân nặng 6kg; Đối với các bé mắc khe hở vòm miệng độ tuổi phẫu thuật từ 18 tháng trở lên cùng cân nặng tiêu chuẩn là 10kg.
Ảnh minh họa
Những vấn đề về sức khỏe do sứt môi hở hàm ếch gây ra cho trẻ
Dị tật này không chỉ gây ra những vấn đề về thẩm mỹ cho trẻ mà còn ảnh hưởng đến việc ăn, uống, nuốt của trẻ, trẻ dễ mắc các bệnh về tai, mũi như nhiễm trùng tai, dễ bị cảm cúm hay những vấn đề về răng miệng.
Trẻ sứt môi hở hàm ếch thường bị sặc sữa khi bú, gây ra tình trạng thấp còi, thể trạng kém, suy dinh dưỡng. Việc sặc sữa kéo dài dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng tai mũi họng, vì tai mũi họng là những cơ quan thông nhau.
Trào ngược và ứ đọng sữa tạo thành môi trường thuận lợi cho viêm nhiễm phát triển. Tình trạng viêm đường hô hấp như viêm họng, thanh quản, khí quản và viêm phổi thường xuyên xảy ra với trẻ bị sứt môi hở hàm ếch hơn những trẻ bình thường, và sự phục hồi thường cũng lâu hơn.
Nếu phẫu thuật muộn có thể gây ra tình trạng ảnh hưởng đến phát âm của trẻ, khiến trẻ nói ngọng, nói giọng mũi, và khi giọng nói đã hình thành ổn định sẽ rất khó sửa về sau
Những lưu ý đặc biệt khi chăm sóc trẻ sứt môi hở hàm ếch.
Do trẻ bị sứt môi hở hàm ếch gặp nhiều vấn đề về ăn uống nên trước khi trẻ có đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau để giúp trẻ bú tốt hơn và tăng cường sức khỏe
Tư thế trẻ bú mẹ trực tiếp
Cho trẻ bú mẹ trực tiếp là cách nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ em cũng như giúp duy trì nguồn sữa mẹ. Trẻ cần được giữ ở tư thế ngồi khi bú hoặc hơi thẳng đứng, tư thế này sẽ giúp hạn chế sữa mẹ chảy vào trong mũi và làm trẻ bị sặc. Có hai tư thế mà bà mẹ có thể chọn khi cho con bú:
- Tư thế cho bú thứ nhất: Trẻ được đặt ngồi trên giường hoặc trên gối, lưng của trẻ được đặt tựa trên cẳng tay của mẹ và đầu của trẻ được đỡ bởi lòng bàn tay kia của mẹ.
- Tư thế bú thứ hai: Trẻ được đặt ngồi trong lòng mẹ, mặt quay về phía mẹ, hai chân của trẻ giạng ra trên bụng mẹ.
Biện pháp thay thế
Đôi khi bà mẹ phải vắt sữa vào ly và cho trẻ uống sữa bằng thìa. Để tránh sặc khi cho trẻ ăn bằng thìa vẫn nên cho trẻ ăn ở tư thế ngồi, mẹ có thể đặt dọc một chiếc gối lên thành gường, dựa người bé trên đó, hoặc nếu có hai người thì một người giữ bé và một người cho ăn.
Nếu bé bị sứt môi hở hàm ếch mức độ nặng hơn nên cho bé bú bằng bình chuyên dụng dành cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch. Hoặc nếu dùng loại bình thông thường thì để giúp trẻ bú bình dễ hơn mẹ nên xẻ đầu núm vú theo hình chữ thập (+), xẻ lệch một bên để khi đưa núm vú vào miệng, sẽ đặt phía xẻ áp lên phần lưỡi của trẻ, vị trí này sẽ giúp sữa không chảy quá nhanh khi trẻ bú.
Xử lý sặc sữa
Tuy nhiên, ngay cả khi cho trẻ bú đúng tư thế, hoặc bú bằng bình chuyên dụng, hiện tượng sặc sữa qua mũi vẫn có thể xảy ra. Khi xảy ra sặc sữa, cho trẻ ngừng bú, để cho trẻ một vài giây để ho hoặc hắt hơi. Thời gian ngắn nghỉ bú này sẽ giúp trẻ làm sạch mũi và cho phép trẻ tiếp tục bú trở lại.
Sau khi trẻ bú no nên bế trẻ trong tư thế thẳng đứng, vỗ nhẹ vào lưng trẻ để trẻ ợ khí dư ra, tránh tình trạng trớ sữa, trào ngược.
Vệ sinh miệng cho trẻ
Khi vệ sinh cho trẻ, nên lau mặt và miệng cho trẻ bằng khăn vải mềm và ướt, dùng bông tẩm nước sạch để lau vùng khe hở môi cho trẻ. Không nên dùng gạc vải, hay ống tiêm xịt nước để chùi rửa khe hở môi (hàm) vì có thể gây tổn thương cho trẻ trên các vùng này.
Lưu ý khác
Nên cho trẻ bú trước khi trẻ quá đói: Khi quá đói trẻ sẽ khóc to và có vẻ kích động làm việc cho bú trở nên khó khăn.
Trẻ dễ bị nhiễm trùng hô hấp trên như viêm phế quản, viêm họng, nhất là vào mùa lạnh. Cha mẹ nên thường xuyên giữ ấm cho trẻ.
Nên chú ý chế độ dinh dưỡng cân đối, phù hợp để trẻ tăng sức đề kháng cho trẻ
Bài tham khảo