Nạo sinh thiết nội mạc tử cung là gì? Có đau không?
Nạo sinh thiết buồng tử cung là gì?
Sinh thiết nội mạc tử cung thường có kèm theo nội soi buồng tử cung, là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán các vấn đề về tử cung của nữ giới. Từ xét nghiệm tế bào nội mạc tử cung sinh thiết được, sẽ giúp bác sĩ phát hiện những căn bệnh nằm trong nội mạc tử cung đồng thời nó cho phép bác sĩ kiểm tra nồng độ hormone của cơ thể ảnh hưởng đến nội mạc tử cung có cân bằng hay không.
Hiện nay có nhiều phương pháp để sinh thiết nội mạc tử cung, như sử dụng thiết bị giống như ống hút mềm (pipet), thiết bị điện tử (hút vabra) hoặc tưới phun tia (tưới phản lực) để lấy đi một mẫu nhỏ của lớp màng lót bên trong tử cung của người bệnh (hay còn gọi là lớp nội mạc tử cung) dùng để xét nghiệm và chẩn đoán bệnh. Sau khi bác sĩ lấy ra một vài mảnh nội mạc tử cung, các kỹ thuật viên sẽ xử lý chuyên môn rồi quan sát dưới kính hiển vi.
Nạo sinh thiết buồng tử cung giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh lý. Ảnh minh họa
Sinh thiết buồng tử cung có đau không?
Vì can thiệp làm tổn thương nội mạc tử cung, nên khi nạo sinh thiết buồng tử cung người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, dù ít dù nhiều, và nếu làm không tốt thậm chí có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng buồng tử cung.
Tuy nhiên chị em không nên lo lắng quá, bởi vì bình thường nạo sinh thiết buồng tử cung sẽ được giảm đau tại chỗ bằng thuốc tê hoặc giảm đau toàn thân bằng thuốc mê. Thủ thuật nạo sinh thiết sẽ được bác sĩ thực hiện chỉ trong khoảng thời gian từ 5 – 15 phút.
Nạo sinh thiết buồng tử cung trong những trường hợp nào
Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm này nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Kinh nguyệt bất thường, chảy máu nặng và kéo dài, hoặc không có chu kỳ kinh nguyệt
- Bị chảy máu âm đạo sau khi đã mãn kinh
- Khi siêu âm phát hiện niêm mạc tử cung dày
- Gặp khó khăn trong mang thai mà nguyên nhân nghi ngờ đến từ các bất thường ở niêm mac tử cung
- Cơ địa mắc chứng cường estrogen (thường do béo phì hoặc được chẩn đoán bệnh đa nang buồng trứng)
Những trường hợp không được sinh thiết buồng tử cung và những lưu ý đi kèm
Những trường hợp không được sinh thiết buông tử cung
- Bệnh nhân nghi ngờ mang thai hoặc đang có thai
- Bệnh nhân đang bị viêm nhiễm cấp tính ở âm đạo hoặc cổ tử cung.
- Bệnh nhân đang bị viêm nội mạc tử cung.
- Bệnh nhân đang bị viêm phần phụ.
Những trường hợp cần thận trọng khi sinh thiết buồng tử cung
- Thận trọng với trường hợp tử cung dị dạng.
- Thận trọng với nhân xơ tử cung có kích thước lớn.
- Lưu ý vết mổ cũ trên tử cung.
- Thận trọng với các bệnh lý nội khoa nặng hiện đang mắc.
Nạo sinh thiết buồng tử cung nên được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa uy tín. Ảnh minh họa
Những lưu ý sau khi thực hiện nạo hút buồng tử cung
- Bệnh nhân sau khi nạo sinh thiết cần ở lại bệnh viện để theo dõi mạch, huyết áp, tình trạng ra máu...
- Thông thường, cảm giác đau sau khi hết thuốc tê/mê sẽ không quá nặng nề và kéo dài, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi một lát là hết. Nếu tất cả mọi thứ đều ổn định, bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà. Thời gian theo dõi sau thủ thuật trung bình khoảng 2 giờ.
- Hầu hết bệnh nhân không bị ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường, hiếm khi gặp phải tình trạng bội nhiễm kèm theo, vì vậy không nên quá lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên bạn vẫn cần sử dụng đúng chỉ định thuốc mà bác sỹ đưa ra.
- Tái khám sau đó 1 tuần để kiểm tra tình trạng chảy máu đồng thời nhận kết quả sinh thiết. Bác sĩ sẽ giải thích dựa trên kết quả giải phẫu bệnh, đưa ra chẩn đoán cuối cùng và hướng điều trị tiếp theo.
- Sau khi nạo sinh thiết buồng tử cung, bệnh nhân có thể sẽ ra một ít máu, hiện tượng này sẽ tự hết trong 1 - 2 ngày. Cần tái khám sớm (khi chưa đến lịch hẹn) nếu bệnh nhân bị ra máu nhiều, đau bụng dữ dội, sốt.
- Không được sinh hoạt vợ chồng trong ít nhất một tuần để tránh nhiễm trùng.
Bài tham khảo: