Siêu âm độ mờ da gáy là gì? Nên đi siêu âm độ mờ da gáy thai nhi khi nào?
Siêu âm độ mờ da gáy thai nhi là gì
Siêu âm độ mờ da gáy là một xét nghiệm quan trọng nhất trong tam cá nguyệt đầu tiên giúp bác sĩ chẩn đoán sớm xem thai nhi có bị dị tật hay không, cụ thể là hội chứng Down hoặc bất thường nhiễm sắc thể.
Độ mờ da gáy (tiếng anh là Nuchal translucency) là hình dạng siêu âm của một tập hợp chất lỏng dưới da phía sau cổ thai nhi trong ba tháng đầu của thai kỳ và xuất hiện dưới dạng hình ảnh màu đen hoặc mờ trên màn hình siêu âm. Ở những thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể, khiếm khuyết tim và nhiều hội chứng di truyền, độ mờ da gáy sẽ cao hơn.
Nếu phát hiện trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Down qua siêu âm độ mờ da gáy, thai phụ sẽ được chỉ định thêm các xét nghiệm như double test, tripple test, NIPT, lấy mẫu nhung màng đệm, chọc ối…
Siêu âm độ mờ da gáy nên thực hiện khi nào
Kết quả siêu âm độ mờ da gáy chính xác nhất khi được siêu âm được thực hiện từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 của thai kỳ, bởi lẽ:
Thai nhi trước 11 tuần tuổi còn quá bé, da gáy còn mờ khiến kết quả siêu âm không chính xác
Thai nhi sau 13 tuần tuổi thì độ mờ da gáy đã trở về mức bình thường, lúc này việc thực hiện siêu âm không còn ý nghĩa (lưu ý độ mờ da gáy bình thường ở thời điểm sau tuần thứ 13 chưa chắc thai nhi đã bình thường)
Độ mờ da gáy bao nhiêu là bình thường?
Giá trị bình thường của kết quả siêu âm độ mờ da gáy như sau:
- Ở 11 tuần tuổi độ mờ da gáy khoảng 2 mm
- Thai nhi 13 tuần có độ mờ da gáy 2,8 mm
- Chỉ số độ mờ da gáy càng thấp thì càng ít có nguy cơ mắc bệnh
- Chỉ số ở trẻ bình thường <2,5mm, từ 3mm trở lên được coi là bất thường.
Mức độ chính xác của siêu âm đo độ mờ da gáy có cao không
Kết quả đo độ mờ da gáy xác định được nguy cơ trẻ mắc bệnh Down chính xác ở tỷ lệ 75%. Có một số ít trường hợp siêu âm và sàng lọc khác không phát hiện được trẻ mắc bệnh Down, nhưng rất hiếm.
Hiện nay, siêu âm đo độ mờ da gáy kết hợp với xét nghiệm máu Double Test (chỉ số Beta hCG và PAPP-A) ở tuần thai 11 - 13 tuần 6 ngày là phương pháp sàng lọc hội chứng Down chuẩn. Tỷ lệ phát hiện lên tới 90%, kết quả dương tính giả là 5%.
Ngoài siêu âm, phương pháp xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn NIPT là cách phát hiện tương đối chính xác thai nhi mắc hội chứng Down. Đây là xét nghiệm không xâm lấn, cho kết quả chính xác đến 99,9%, an toàn cho cả mẹ và bé.
Kỹ thuật đo độ mờ da gáy thai nhi được thực hiện như thế nào
Siêu âm đo độ mờ da gáy được thực hiện bằng cách thức siêu âm thai trên phần bụng. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, với những mẹ có tử cung nghiêng về phía sau hoặc nếu mẹ quá béo có thể sẽ phải tiến hành siêu âm đầu dò để cho kết quả chính xác nhất. Tất cả những kỹ thuật này không hề gây bất cứ nguy hiểm nào cho mẹ và bé.
Để biết chính xác tuổi thai, bác sĩ sẽ đo chiều dài từ đỉnh đầu đến cuối xương sống của bé. Sau đó tiếp tục đo độ mờ da gáy, khoảng mờ này là một đường trắng xuất hiện sau gáy trong khi khu vực xung quanh đó có màu tối hơn. Qua màn hình siêu âm, bạn có thể nhìn thấy các bộ phận của con như đầu, xương sống, chân, tay. Lần siêu âm này còn giúp phát hiện những bất thường ở bụng hay hộp sọ của thai nhi.
Cũng trong lần siêu âm thai này, mẹ sẽ có thể nhìn thấy rõ ràng các bộ phận trên cơ thể con như đầu, cột sống, chân tay, bàn chân, bàn tay trên màn hình. Siêu âm ở những tuần thai này cũng có thể giúp bác sĩ phát hiện ra những bất thường ở bụng hay hộp sọ của bé. Tuy nhiên để chắc chắn, mẹ không nên bỏ qua những lần siêu âm tiếp theo ở tuần 16 và 20 thai kỳ.
Bài tham khảo