Tầm quan trọng của xét nghiệm beta hCG trong thụ tinh ống nghiệm
Sơ lược về thụ tinh ống nghiệm
Thụ tinh ống nghiệm (IVF – In Vitro Fertilization) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, với tỷ lệ thành công khá cao, dao động trên dưới 40%.Hiện nay, đây là phương pháp y khoa mang lại hiệu quả cao nhất của công nghệ hỗ trợ sinh sản. Ở Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được áp dụng để điều trị nhằm tăng khả năng sinh sản cho các cặp đôi vô sinh, hiếm muộn.
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có thể được thực hiện bằng cách sử dụng trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng, hoặc trứng hay tinh trùng, hoặc thậm chí là phôi thai của người hiến để tạo thành phôi thai và cấy vào tử cung của người vợ hoặc người mang thai hộ. Kể từ đó, quá trình mang thai sẽ diễn ra.
Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm tùy từng trường hợp mà sẽ có độ phức tạp khác nhau. Ví dụ như trong trường hợp vợ sức khỏe sinh sản tốt, chồng tinh trùng yếu, thì chỉ cần kiểm tra sức khỏe sinh sản tổng quát của hai vợ chồng, sau đó tiến hành kích trứng cho người vợ, chọc hút trứng, lấy tinh trùng và tạo thành phôi, cuối cùng là chuyển phôi.Tất cả các bước này thường có thể chỉ mất thời gian trong 1 hoặc 2 chu kỳ.
Tuy nhiên nếu như vợ có các bệnh lý như viêm ống dẫn trứng, ứ dịch ống dẫn trứng, sau khi kiểm tra sức khỏe sinh sản bác sỹ thường chỉ định người vợ thực hiện thêm phẫu thuật kẹp vòi trứng trước khi tiến hành chuyển phôi. Hoặc người vợ có các bệnh lý về hệ miễn dịch như số lượng tế bào bạch cầu NK cao, gây thực bào thai nhi khi chuyển phôi hoặc các bệnh lý về rối loạn gen di truyền, không đáp ứng thuốc kích trứng hoặc nhiều bệnh lý khác sẽ cần điều trị bệnh trước khi chuyển phôi vào cơ thể, kích trứng nhiều lần hoặc xét nghiệm phôi trước khi chuyển,...sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
Sau khi chuyển phôi vào trong cơ thể, sẽ có nhiều khả năng có thể xảy ra như đậu thai, thai sinh hóa, sảy thai, thai đậu nhưng được một thời gian thì ngừng phát triển, một số trường hợp còn có thể gặp thai ngoài tử cung... Vì thế, việc thăm khám, xét nghiệm sau khi chuyển phôi ở những trường hợp thụ tinh ống nghiệm quan trọng và cần thiết hơn rất nhiều so với những trường hợp thụ thai tự nhiên thông thường.
Tầm quan trọng của xét nghiệm beta hCG sau chuyển phôi
Hormon hCG (Human Chorionic Gadonatropin) là hormon hướng sinh dục rau thai, được tiết ra rất sớm trong giai đoạn đầu của thai kỳ, do đó xét nghiệm này có giá trị rất cao trong chẩn đoán có thai và tiên lượng tinh trạng phát triển của thai. Nồng độ hCG thường thấp hơn thai nghén bình thường trong các trường hợp sảy thai, thai ngừng phát triển, thai ngoài tử cung. Nồng độ hCG cao trong các trường hợp phụ nữ mang đa thai, chửa trứng, thai ngoài tử cung,...
Dựa vào beta hCG để xác đinh có thai hay không
Bình thường sau 14 ngày chuyển phôi, người vợ sẽ đến bệnh viện để kiểm tra nồng độ beta hCG. Nồng độ hCG ở người bình thường < 5 mUI/ml, ở phụ nữ có thai > 25 mUI/ml, nếu nồng độ trong khoảng 6-24 mUI/ml thì tình trạng có thai hay không chưa rõ, cần làm thêm các xét nghiệm và theo dõi để xác định.
Giá trị chỉ số beta hCG sau chuyển phôi 14 ngày
Thông thường nồng độ hCG sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 48-72 giờ, nên nếu sau hai ngày xét lại nồng độ beta hCG tăng khoảng 1,5 lần trở lên so với lần đầu thì chứng tỏ thai đang phát triển.
Nếu nồng độ beta hCG tăng thấp kèm theo các dấu hiệu bất thường như đau bụng âm ỉ kéo dài, ra máu âm đạo,... thì có thể phôi thai đang thoái triển, khả năng giữ thai thấp. Tuy nhiên, nếu được các bác sĩ xử trí tích cực và sau 48 giờ xét nghiệm lại, nồng độ hCG tăng ít nhất gấp đôi thì vẫn còn hy vọng giữ được thai.
Nếu kết quả xét nghiệm beta hCG sau 14 ngày chuyển phôi cao so với mức bình thường, thì có khả năng sẽ mang đa thai, tuy nhiên trong thời gian dưỡng thai chờ siêu âm, nếu có các dấu hiệu như ra máu âm đạo kèm đau bụng thì cần đến bệnh viện thăm khám kịp thời để loại trừ khả năng mang thai ngoài tử cung.
Nếu kết quả xét nghiệm nồng độ hCG sau 2 ngày không tăng hoặc giảm thì cần tiếp tục theo dõi. Nếu nồng độ hCG giảm < 5mUI/ml thì đã bị sảy thai. Trong trường hợp này, các phôi trữ đông sẽ được tiếp tục chuyển vào tử cung ở các chu kỳ tiếp theo.
Dựa vào beta hCG theo dõi sự phát triển của thai trong thai kỳ
Sau khi các phôi được cấy vào tử cung đã phát triển thành công, thai phụ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất, vận động nhẹ nhàng phù hợp và đặc biệt là phải siêu âm và khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo quá trình mang thai được an toàn. Trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ, khi thăm khám ngoài siêu âm thai và xét nghiệm tổng quát sức khỏe của mẹ như xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học, xét nghiệm nước tiểu hay thăm khám phụ khoa... thì đôi khi bác sỹ vẫn cho tiến hành kiểm tra thêm nồng độ beta hCG để khẳng định chắc chắn hơn tình hình phát triển của thai nhi.
Hormone beta hCG sẽ tiếp tục tăng trong những tuần đầu thai kỳ. Nồng độ hCG đạt đỉnh cao trong máu mẹ vào khoảng tuần thứ 8 đến tuần thứ 10. Từ tuần thứ 10 trở đi cho đến giai đoạn muộn của thai kỳ, rau thai bài tiết hCG thay cho hợp bào nuôi để duy trì sự sống và phát triển của thai, đơn bào nuôi của lông rau giảm đi, lớp hợp bào nuôi cũng giảm và trở nên mỏng do đó sự chế tiết hCG giảm đi và hCG không còn trong máu mẹ 4 – 6 tuần sau đẻ.
Bài tham khảo
Xét nghiệm Beta-hCG (β- hCG) trong thai kỳ
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm IVF