Xét nghiệm trong thai kỳ: Những "thời điểm vàng" mẹ bầu cần nhớ
Tầm quan trọng của thăm khăm, xét nghiệm trong thai kỳ
Điều các sản phụ lo lắng nhất khi chuẩn bị mang thai và bắt đầu mang thai đều chính là con yêu có phát triển bình thường khỏe mạnh không, có mối nguy hiểm nào đang đe dọa con hay không, bản thân sản phụ có đang mắc các bệnh lý khi mang thai hay không... Không giống như sau khi con đã chào đời, lúc mẹ đã có thể nhìn thấy và cảm nhận tình hình sức khỏe của con, thì những điều trên, mẹ chỉ có thể biết được qua những kết quả xét nghiệm, siêu âm. Vậy nên, thay vì cứ phải ôm lo lắng, ngoài việc uống sữa dành cho bà bầu mỗi ngày, mẹ hãy nhớ kỹ các mốc thời gian quan trọng của thai kỳ và đi xét nghiệm, siêu âm tầm soát bệnh đầy đủ để an tâm và đảm bảo mình sẽ kịp thời làm những điều tốt nhất cho bé.
Khi thăm khám qua siêu âm và xét nghiệm, các bác sỹ có thể sớm phát hiện ra những nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ như mẹ có bị thai ngoài tử cung hay không, có bị tiểu đường thai kỳ hay có nguy cơ tiền sản giật không... Với em bé, việc siêu âm xét nghiệm có thể theo dõi và phát hiện tới 80% các loại dị tật bẩm sinh, và tùy vào mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này, bác sỹ sẽ đưa ra cho mẹ những lời khuyên tốt nhất. Vậy nên, để có thể đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, siêu âm xét nghiệm trong thai kỳ là rất cần thiết.
Những thời điểm thăm khám quan trọng nhất trong thai kỳ
Lần 1: Sau chậm kinh khoảng 1-4 tuần
Khi thấy chậm kinh một tuần, hoặc khi thử que thử thai bằng nước tiểu thấy hai vạch hãy đến bệnh viện ngay. Bạn rất cần phải khám thai sớm ngay từ thời điểm này để xác định thai đã vào trong buồng tử cung hay ở ngoài tử cung để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, siêu âm còn giúp chẩn đoán tim thai, thai là thai thường hay thai trứng. Những bệnh lý như u xơ, u nang, động thai... cũng được khảo sát khi siêu âm. Siêu âm còn giúp tính toán tuổi thai và xác định ngày sinh dự đoán.
Thai nhi sẽ có sự phát triển dần dần, từng chút một, nên thường trong giai đoạn này bác sỹ sẽ có chỉ định siêu âm lại trong 1-2 tuần sau lần đầu tiên nếu bạn đến khám sớm (sau khi trễ kinh trong vòng 1 tuần).
Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm trong thời kỳ mang thai được thực hiện rất phổ biến vì thông qua đó, có thể phát hiện được người mẹ có nhiễm virus, nhiễm HIV, virus viêm gan hay không. Xét nghiệm máu còn định nhóm máu nhằm kịp thời có được máu truyền khi trong tình trạng nguy kịch. Tình trạng thiếu máu của thai phụ cũng được biểu hiện qua kết quả xét nghiệm máu.
Lần 2: Thai được khoảng 11-14 tuần
Thai đến tuần 12-13, bạn phải đến khám và Siêu âm 4 chiều để đo khoảng sáng sau gáy (độ mờ da gáy ) nhằm dự đoán dị tật thai nhi do một số bất thường nhiễm sắc thể gây ra . Nếu qua 14 tuần, chỉ số này sẽ không còn giá trị(chính xác) nữa.
Thông thường khi đi siêu âm lần này, bác sỹ sẽ hẹn lịch bạn khám lại ở thời điểm 16-17 tuần để kiểm tra xét nghiệm máu Double test và triple test. Nếu có bất thường nữa, bác sỹ có thể hẹn bạn tái khám sau tuần 18 để làm các xét nghiệm chọc dò dịch ối.
Lần 3: Khi thai được 22-24 tuần
Tại mốc thời gian này, mẹ nên siêu âm 3D, 4D để xem hình hài thai nhi, sàng lọc dị tật thai nhi. Những bất thường được tìm thấy khi siêu âm trong giai đoạn này bao gồm sứt môi, chẻ vòm hầu, dị tật về tim, chân khoèo, não úng thủy...
Thông thường thời điểm này mẹ cũng sẽ được bác sỹ chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp glucose để chẩn đoán có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ hay không, từ đó có chế độ ăn phù hợp để ổn định đường huyết
Về tiêm phòng uốn ván: Nếu thai phụ hoàn toàn chưa được tiêm phòng uốn ván thì phải tiêm 2 mũi uốn ván. Với cách thức: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng và trước sinh ít nhất 15 ngày. Thời gian thích hợp để tiêm mũi đầu tuần thứ 24 và mũi thứ hai sau đó 4 tuần. Những người đẻ lần thứ 2 cách lần trước 5 năm thì phải tiêm phòng 1 mũi vào tuần thứ 24.
Lần 4: Tuổi thai từ 30 đến 32 tuần
Thời điểm này siêu âm màu cần được tiến hành để đo lường những chỉ số về tăng trưởng của thai nhi. Đồng thời cũng tiếp tục sàng lọc dị tật thai nhi chưa được tìm ra để lần siêu âm trước như khảo sát não, tim, thận của bào thai.
Lần 5: Khi thai ở khoảng 35 – 36 tuần
Bạn cần được khám, siêu âm đánh giá trọng lượng thai, tình trạng bánh rau, nước ối, dây rau…Nếu phát hiện có những bất thường sẽ chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để thăm dò và chuẩn đoán sâu hơn.
Từ giai đoạn này trở đi, bạn cần đến kiểm tra mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào đau bụng, ra máu để theo dõi tim thai, cử động thai nhi và xem tình trạng chuyển dạ hay chưa. Bạn phải giữ cho tinh thần thoải mái vui vẻ và nghỉ ngơi thật tốt, để chuẩn bị đón bé chào đời…
Bài tham khảo