Xét nghiệm tủy đồ là gì
Xét nghiệm tủy đồ là gì
Tủy xương là một loại mô mềm, xốp, có trong hầu hết các xương trong cơ thể người. Tủy xương là cơ quan tạo ra các tế bào gốc máu, từ đó các tế bào biệt hóa thành các tế bào máu phát triển thành hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Tủy đồ là xét nghiệm phân tích số lượng và chất lượng các tế bào tủy xương. Tủy đồ và sinh thiết tủy xương thường được thực hiện cùng lúc. Khi tiến hành tủy đồ, người ta hút ra một lượng nhỏ dịch và tế bào tủy xương, sinh thiết lấy ra một mẩu xương nhỏ kèm theo dịch và tế bào. Các thành phần trên sẽ được quan sát dưới kính hiển vi.
Ảnh minh họa
Xét nghiệm tủy đồ có giá trị chẩn đoán cao, thường xuyên được sử dụng nhằm mục đích thăm dò chức năng tạo máu cũng như gợi ý những nguyên nhân gây rối loạn chức năng tạo máu tại tủy xương và theo dõi kết quả điều trị đối với các bệnh lý về máu. Chỉ định tủy đồ cũng rất rộng rãi và phổ biến ở mọi độ tuổi
Các trường hợp cần làm xét nghiệm tủy đồ
- Tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng số lượng tế bào máu bất thường như tình trạng thiếu tế bào hồng cầu (thiếu máu), thiếu tế bào bạch cầu (giảm bạch cầu) hoặc thiếu tiểu cầu (giảm tiểu cầu), tăng bạch cầu, tăng tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu và đa hồng cầu trong máu.
- Chẩn đoán các rối loạn trong tạo máu hoặc các bệnh lý gây ảnh hưởng đến tủy xương; chứng nhiễm sắc tố sắt, sốt không rõ nguyên nhân
- Tìm các ổ nhiễm trùng nguyên phát hoặc thứ phát tại tủy xương
- Chẩn đoán ung thư máu (bạch cầu cấp) hoặc ung thư tủy xương (đa u tủy)
- Chẩn đoán ung thư di căn tủy xương
- Kiểm tra việc đáp ứng điều trị các bệnh lý của tủy xương
- Thu thập mẫu xương cho các thủ thuật y khoa như ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị các bệnh như bệnh bạch cầu, ung thư...
Xét nghiệm tủy đồ cho trẻ em
Như đã nói ở trên, việc xét nghiệm tủy đồ có thể thực hiện ở mọi độ tuổi, miễn là có ý nghĩa trong việc chẩn đoán nguyên nhân và phương pháp điều trị của bệnh. Xét nghiệm tủy đồ được thực hiện bằng cách chọc tủy xét nghiệm máu trong khoảng thời gian từ 20 đến 30 phút và vị trí tiến hành xét nghiệm tủy đồ ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi.
Ở những bệnh nhân lớn tuổi, vị trí làm tủy đồ sẽ nằm ở đỉnh xương hông hay còn gọi là gai xương chậu, hoặc cũng có thể ở xương ức. Nếu đối tượng là trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì vị trí làm tủy đồ sẽ là ở mặt trước xương cẳng chân dưới đầu gối hay còn gọi là xương chày.
Ảnh minh họa
Những lưu ý khi chọc tủy làm xét nghiệm máu đối với trẻ em
- Vì trẻ em là đối tượng thường bất hợp tác với bác sỹ do tâm lý lo sợ hoặc không hiểu hết ý nghĩa của việc làm xét nghiệm nên thường chống đối, vì thế quan trọng nhất cần chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý cho trẻ trước khi tiến hành làm xét nghiệm tủy đồ để giảm lo lắng và tăng sự hợp tác trong lúc thực hiện cũng như giải thích cho trẻ về những điều sẽ diễn ra trong quá trình thực hiện thủ thuật để trẻ không lo sợ.
- Gây mê toàn thân trước khi xét nghiệm tủy đồ bằng đường tĩnh mạch. Với trẻ có độ tuổi lớn hơn thì có thể chỉ cần cho trẻ dùng thuốc an thần và gây tê tại chỗ.
Những biến chứng có thể xảy ra khi làm xét nghiệm
- Do cần sử dụng thuốc tê, thuốc mê với người bệnh nên sẽ có nguy cơ người bệnh phản ứng với thuốc, thậm chí gây ra tình trạng sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.
- Một vài bệnh nhân gặp tác dụng phụ khi xét nghiệm tủy đồ như: Đau nơi kim châm, chảy máu hoặc bầm tím, đỏ da hoặc sưng phồng,...;
- Nếu kết quả xét nghiệm có vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ quyết định xem bệnh nhân có cần thực hiện thêm các xét nghiệm, thủ thuật khác hay không. Nếu kết quả xét nghiệm tủy đồ bình thường, bệnh nhân không cần lo lắng;
Bài tham khảo