Cứ 4 trẻ Việt dưới 5 tuổi lại có 1 bé suy dinh dưỡng thấp còi
Hiện vẫn còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành phố và nông thôn, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng khó khăn về tỉ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ.
Trong đó, miền núi phía Bắc là 28,4%, Tây Nguyên là 32,7% và miền Trung là 25,4% trẻ em suy dinh dưỡng. Đây là những con số đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Nhiều nghiên cứu đã xác định rõ mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng khi còn nhỏ đến sự phát triển thể chất, tinh thần, khả năng lao động. Trong đó, trẻ em suy dinh dưỡng rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột.
Đáng chú ý, tất cả các cơ quan của trẻ đều giảm phát triển, như hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ.
Theo GS.TS.BS Trần Hữu Dàng, mặc dù đạt được các thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn phải đương đầu với tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn ở mức cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở cộng đồng, trường học hay bệnh viện còn thiếu về số lượng và chất lượng.
Tại gia đình, nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức, thực hành dinh dưỡng, chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để giảm thiểu và khắc phục tình trạng thấp còi ở trẻ, vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của dinh dưỡng cần được nâng cao. Trẻ sau 6 tháng nên được bắt đầu ăn dặm theo đúng khoa học. Sau độ tuổi ăn dặm, nếu gặp tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ cần chăm sóc với chế độ ăn đặc biệt và giàu dinh dưỡng hơn. Hàng ngày, trẻ cần được cung cấp chế độ ăn đầy đủ các chất sau:
Cung cấp năng lượng: Trẻ cần được ăn đủ 3 bữa/ngày, đủ no và đủ dinh dưỡng.
Cung cấp protein: Rất quan trọng giúp phát triển chiều cao, là thành phần tạo nên tế bào, hormon và hệ thống miễn dịch, ngoài ra là thành phần giúp cung cấp năng lượng. Nhu cầu hàng ngày là 50-70g/nam và 50-60g/nữ.
Nguồn cung cấp: Động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua...), Thực vật (đậu đỗ, vừng, lạc...)
Chất béo: Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu: vitamin A, E, D, K. Nhu cầu về lipid từ 60-78g/ngày/nam và 55-66g/ngày/nữ. Chất béo có trong mỡ động vật và các loại dầu thực vật.
Sắt: Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà...
Canxi: Rất cần cho tăng trưởng chiều cao. Nguồn cung cấp canxi bao gồm sữa, phomat, các sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậu tương, hải sản, cá, tôm...
Vitamin D: Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Các thực phẩm có vitamin D gồm một số dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, gan và chất béo của động vật có vú ở biển. Ngoài ra để cung cấp vitamin tự nhiên cần tăng cường vận động ngoài trời, ánh nắng giúp tổng hợp vitamin D trên da.
Vitamin A: Cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Vitamin A có nhiều trong thức ăn động vật như gan, trứng, sữa...; thức ăn thực vật cung cấp nguồn caroten như rau xanh, gấc, quả màu vàng.
Vitamin C: Vitamin C giúp hấp thu và sử dụng sắt, canxi và axit folic. Ngoài ra, nó còn có chức năng chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật, bảo vệ thành mạch. Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh, quả chín
Kẽm: Kẽm cần thiết cho sự tăng trưởng cả cân nặng và chiều cao của cơ thể. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác.Thực phẩm nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...).
Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của trẻ, nên mỗi giai đoạn cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nhu cầu. Dinh dưỡng đầy đủ cân bằng là cách tốt nhất để phòng và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ