
Để bé không sợ hãi trong lần đầu đến trường
Mẹ ơi con không đi học đâu!
Dù con đã hơn 4 tuổi rồi nhưng vẫn chẳng chịu đến trường, mấy lần chị đưa cháu đến trường mẫu giáo những đều bất thành vì cứ hễ vào lớp là cháu lại khóc thét, sợ hãi, không hoà nhập được với các bạn trong lớp. Cả gia đình và cô giáo đã làm đủ cách nhưng cháu vẫn chẳng chịu, “không biết rồi khi vào lớp 1 có theo kịp bạn bè và hoà nhập được không đây”, chị Hoa lo lắng.
Cũng giống như chị Hoa, Liên có cậu con trai 3 tuổi, vốn rất hiền lành và khá nhút nhát, mấy tháng gần 1 năm trước chị có ý định cho con trai đi học mẫu giáo để cháu phát triển tốt hơn, rồi ngày đầu cậu con trai cưng đi học cũng qua đi không có vấn đề gì, đến ngày thứ hai cậu khăng khăng không chịu đi học, hễ mẹ đưa đi là khóc lóc và chạy vào phòng không chịu đi, hỏi ra mới biết hôm qua cậu bị một bạn trong lớp đánh thế là cậu sợ và không dám đến trường nữa. Do bị ám ảnh bởi lần đầu không mấy tốt đẹp đó, mỗi lần chị có ý định đưa cậu đi học là cậu bé khóc lóc “mẹ ơi con không đi học đâu, không đi đâu”.
Vì công việc bận rộn, bà nội lại già yếu chẳng trông nổi cháu, nên chị Linh quyết định cho con đi học mẫu giáo khi mới hơn 2 tuổi. Chẳng có thời gian để theo dõi con nên chị đành “gửi gắm” cho các cô giáo. Ngày đầu con đi học lòng chị như lửa đốt vì lo lắng, không biết con có hoà nhập được với môi trường mới không? Không biết con có chịu ăn không, vì ngày thường cháu đã rất lười ăn. Buổi làm việc hôm đó chị phải xin về sớm để đón con sau khi nhận được điện thoại từ cô giáo. Vừa nhìn thấy mẹ Tú Anh, con gái chị đã rúm người oà khóc rồi ho sặc sụa. Cô giáo cho hay, bé không chịu chơi với bạn nào, cô giáo hỏi bạn cũng không nói năng gì, đến giờ ăn bé chỉ ngồi nhìn, khi cô giáo đút cho thì bé chỉ ăn được vài thìa rồi nôn trớ và khóc thét lên. Các cô dỗ dành thế nào cũng không được, đành phải gọi mẹ cháu đến..
Chuẩn bị cho trẻ đến trường
Đi mẫu giáo là giai đoạn bố mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý kỹ cho con bởi khi đến môi trường mới con dễ bị “sốc” với những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày.
Chuẩn bị tâm lý
Trước khi đi mẫu giáo, bố mẹ cần phải chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho con. Bố mẹ có thể tập cho con làm quen dần với đám đông đồng thời quan sát cách con chơi cùng các bạn, từ đó đưa ra những giải pháp giúp con dễ hòa nhập với môi trường mới.
- Cô giáo sẽ là người “mẹ hiền” của con khi đi học. Vì vậy, có một cô giáo tâm lý, thiện cảm và biết cách quan tâm sẽ giúp bé nhanh chóng thích nghi, ổn định tâm lý. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần biết lịch sinh hoạt ở ngôi trường mới để thay đổi dần hướng sinh hoạt hằng ngày cho bé. Điều này sẽ giúp bé không bỡ ngỡ với môi trường mới.
- Bố mẹ hãy cùng con đến “thăm quan” ngồi trường trước khi đưa bé đi học, để bé có những cảm nhận ban đầu. Bé sẽ an tâm hơn khi có bố mẹ đi cùng.
Ngày đến trường
Nhiều bố mẹ chưa có kinh nghiệm đã chọn ngay biện pháp tiêu cực là cho con nghỉ học, có người lại hù dọa ép con đến trường. Những biện pháp này không hề tốt cho bé.
Những ngày đầu, bố mẹ nên để con học nửa buổi rồi trưa đón về nhà. Sang ngày thứ ba, bố mẹ có thể đón con về vào buổi trưa rồi chiều lại đưa đến lớp. Hãy để bé hoà nhập dần mới môi trường mới một cách từ từ.
Nếu có điều kiện xin phép nhà trường có thể cho bố mẹ ở cùng con trong ngày đầu tiên để con không bị cảm giác "bỏ rơi" ở một môi trường hoàn toàn xa lạ.
Giúp bé mạnh dạn hơn
Giúp con mạnh dạn hơn là điều mà bố mẹ cần làm lúc này. Bố mẹ hãy dành thời gian nói chuyện trường lớp với con. Bé sẽ rất vui khi về nhà được kể chuyện bạn mới hay biểu diễn những bài hát mà cô giáo dạy ở trường. Thông qua các câu chuyện con kể, bố mẹ có thể nắm bắt được tâm lý của con; những niềm vui, rắc rối con gặp ở lớp. Điều bố mẹ cần làm là khuyến khích con mạnh dạn chơi đùa cùng các bạn. Chính điều này sẽ giúp bé tìm thấy niềm vui ở trường lớp và muốn đi học để được chơi với các bạn.
Chuẩn bị tâm lý cho bé đi mẫu giáo là việc vô cùng quan trọng khi cuộc sống của bé bước sang một trang mới. Bố mẹ cần quan tâm, chú ý đến tâm lý của con để giúp con nhanh chóng hòa nhập với bạn bè, trường lớp từ đó bé dần dần phát huy được những điểm mạnh vốn có.