Chẳng biết tự khi nào mà giữa em và mẹ lại có nhiều khoảng cách đến như vậy?
Xin chào các anh chị.
Năm nay em 16 tuổi và đang học cấp 3. Chẳng biết tự khi nào mà giữa em và mẹ lại có nhiều khoảng cách đến như vậy. Em và mẹ xảy ra rất nhiều mâu thuẫn, nhất là về việc mẹ đối xử với em. Nhà em có em, em gái lớp 7 và em trai gần 2 tuổi. Mẹ phân chia việc nhà cho 2 chị em em, nhưng đôi lúc mẹ lại bắt em làm luôn cả những chuyện của em gái em trong khi em còn có việc học của mình. Em nhiều lần nói với mẹ và cho rằng mẹ quá thiên vị và lúc đấy thì mẹ đánh em ứa máu hay thậm chí là đòi phang dao vào em. Nhưng lúc mẹ nhờ em gái em làm phụ em việc gì đấy, em gái em cũng than vãn này nọ nhưng lúc nào mẹ cũng nhẹ nhàng và ngọt ngào với nó hết. Em ghen tị lắm.
Lúc em nhắc đến những nỗi đau mà em chịu thì mẹ phớt lờ đi và mẹ nói rằng mấy chuyện đó xảy ra lâu rồi mẹ không nhớ. Em buồn lắm. Mẹ lúc nào cũng tỏ thái độ cộc cằn với em hết. Lúc nào em cũng nghe mẹ chửi em rất nặng nề. Có nhiều lúc mẹ trách em sai, em đính chính lại thì mẹ lại bảo em mất dạy, trả lời, cãi tay đôi này nọ và bảo em chửi cha chửi mẹ. Còn em gái em hỗn láo với bà ngoại và với mẹ thì mẹ chẳng nói gì hết.
Nhiều lúc mẹ còn đòi cho em nghỉ học, đập máy tính, xé sách vở của em nữa. Có những lúc mẹ nhờ em đi làm việc gì đó mà em lại đang học, em bảo em đang học em sẽ làm sau thì mẹ mắng em là chẳng có việc nào nhờ mà làm liền. Mẹ đánh đồng mọi thứ như thế. Còn em gái em, mẹ nhờ thật lâu sau mới làm thì mẹ chẳng nói gì cả. Em nói với mẹ em chỉ muốn mẹ đối xử công bằng và nhẹ nhàng với em thôi thì mẹ lại cho rằng em vô tâm, tị nạnh, bất hiếu và mẹ luôn cho rằng là phải đối xử với em như thế vì sau này ra xã hội người ta cũng sẽ như thế với em.
Những lúc em buồn điều em cần nhất là những lời an ủi chứ không phải những bài giảng triết lí của mẹ. Dần dà em chẳng còn tâm sự gì với mẹ cả, lúc nào cũng ôm khư khư một mình. Có những lúc uất ức quá em có nói hết ra với mẹ, tưởng rằng mẹ sẽ lắng nghe nhưng lúc nào mẹ cũng không chịu thừa nhận, hay cái tôi của người lớn quá lớn. Lúc nào mẹ cũng nói là hai mẹ con không hợp nhau rồi lại cho rằng là em học giỏi, học cao quá rồi lên mặt.
Em buồn lắm, em đã tự rạch cổ tay để bớt đau khổ, và em thấy nó hiệu quả thật. Em cố tình đưa cái cổ tay cho mẹ xem nhưng đổi lại chỉ là sự thờ ơ lạnh lùng. Có phải em càng lớn thì em càng xứng đáng với sự thờ ơ và tình cảm khó khăn thế hay không. Rõ ràng là em đã chăm chỉ học thật tốt nhưng tại sao lúc nào quanh quẩn bên em cũng chỉ là những lời mắng mỏ. Nhiều lúc mẹ bệnh em đã ngồi bật dậy lúc nửa đêm để tìm khăn, quần áo và thuốc cho mẹ. Em lúc nào cũng là người xoa bóp sứt dầu cho mẹ. Nhưng lúc nào mẹ cũng bảo em bất hiếu, lúc nào cũng cho rằng em gái của em ngoan trong khi em gái em chỉ nằm yên một chỗ nhìn mà chẳng làm gì cả.
Em chán lắm, em không hiểu tại sao em lại bị đối xử như thế này nữa. Em chỉ muốn nghe những lời nhẹ nhàng của mẹ mà thôi. Bây giờ mỗi lúc mẹ hét lên em đều theo phản xạ mà đóng chặt hai tai lại, nhắm thật chặt mắt lại và khóc. Em nghĩ tới tự tử, rạch tay hay bỏ nhà đi bụi. Mỗi lần đi học hay đi xa, em đều không có cảm giác nhớ nhà, và em cũng không muốn quay trở về nữa. Em cảm giác đầu óc mình sắp nổ tung, em khóc mãi, em ngủ ngày càng nhiều, em tổn thương bản thân nhiều hơn, em bỏ bữa, em chẳng thể nào tập trung được. Em phải làm sao đây ạ?
Cháu gái, cô hiểu cháu đang bị tổn thương ghê gớm về cơ thể lẫn tinh thần. Những dấu hiệu cháu chia sẻ như: tự làm đau, trống rỗng, mất tập trung…là những biểu hiện tâm lý không tốt đâu. Hãy sớm cải thiện nó cháu gái nhé. Về phía cô, cô cũng phải thừa nhận rằng dù có cách thể hiện khác nhau giữa những đứa con, nhưng tình cảm của cha mẹ dành cho các con là nguyên vẹn cháu à.
Cháu biết không, ai trải qua tuổi thơ, mà nhất lại là anh chị cả nữa, thì nhiều chuyện để kể lắm, nào là so bì, ganh tị làm, ganh tị ăn, mẹ quý em hơn con vân vân và vân vân. Ý cô là cô rất chia sẻ với câu chuyện của cháu đó, nên cô hiểu tâm trạng của cháu lúc này. Cô cũng thật khó giải thích với cháu, bởi vì cha mẹ với các con trong lòng đều thương quý như nhau, nhưng cũng có sự khác nhau trong cách dạy dỗ. Đứa con này thì mềm mỏng hơn, đứa con kia thì nghiêm khắc hơn và bố mẹ có cách giải thích riêng của họ. Đôi khi bố mẹ cũng không nhận ra sự khác biệt đó đâu, chỉ đơn giản là “con là chị, con phải nhường nhịn em”, “em nó gầy hơn con, bố mẹ phải để ý em hơn” …
Cháu gái, có lẽ mẹ cháu cũng không nghĩ là cháu có thể tự hành hạ, tự làm đau mình như thế. Cô hiểu thái độ của mẹ cháu lúc cháu chìa tay đau ra ấy, cháu thì tỏ ra “cho mẹ biết thế nào là đối xử” còn mẹ cháu thì cho rằng đó là sự “đối phó, thách thức”, vậy là 2 mẹ con cũng chẳng hiểu nhau…Dường như 2 mẹ con khó tìm được cảm xúc chung vậy. Cháu gái thân mến, mặc dầu cô không cảm thấy cách của mẹ là hợp lý nhưng cô vẫn mong đợi ở cháu sự kiên nhẫn và có cách để giải tỏa cảm xúc như: chia sẻ với người bạn thân (cô nghĩ cháu nhất thiết có người bạn thân cháu nhé), với bố, ông bà, cô chú và cả 2 người em bé nhỏ của mình nữa, chắc chắn cháu sẽ tìm được niềm vui ở đó. Ngoài ra, cháu có ươm và trồng những chậu cây nhỏ, mình vun tưới hàng ngày, nó lớn lên cũng là cách để mình chuyển hóa cảm xúc cháu à.
Nói về mẹ, mẹ vẫn luôn cần sự hỗ trợ của cháu. Nếu trong cách cư xử của mẹ có gì chưa ổn thì trước hết cháu cần duy trì thái độ tích cực nhé, mẹ nóng mà mình cũng nóng theo thì khó tìm được tiếng nói chung lắm. Rồi những lúc mẹ con gần nhau cháu tâm sự với mẹ nữa. Bớt nghĩ rằng mẹ không yêu mình cháu nhé, hãy hiểu mẹ thương yêu mình theo một cách khác thôi. Để có cảm xúc tích cực, vui vẻ mình cũng phải tạo ra và nuôi dưỡng nó cháu gái à. Cháu học tốt, triết lý khá rạch ròi, cụ thể trong mọi việc, điều này cô thấy ở cách kể chuyện và hành văn của cháu. Như thế rất tốt, nhưng cô mong cháu vẫn là cô bé tuổi thơ hồn nhiên và đáng yêu như lứa tuổi của cháu vậy. Như vậy, cháu cũng bớt áp lực về chính bản thân mình.
Hãy hiểu cho mẹ, đừng giận mẹ, đừng suy nghĩ tiêu cực và tự làm đau mình nữa…Tất cả những điều đó chỉ làm cháu thêm chán mà thôi. Ngoài một số cách cô gợi ý để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, cô nghĩ cháu sẽ có nhiều cách khác để chuyển hóa mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn nhé. Còn nếu với thời gian cháu vẫn không tìm được cách giải quyết phù hợp với mẹ bản thân vẫn gặp những suy nghĩ cảm xúc tiêu cực thì cháu hãy tâm sự với bố hoặc những người thân khác để tìm đến sự trợ giúp từ các bác sỹ tâm lý nhé. Cháu cũng có thể viết thư thêm cho Chương trình để tâm sự các chuyên gia luôn sẵn sàng lắng nghe cháu mọi lúc nhé
Cô mong 2 mẹ con sẽ tâm sự được với nhau nhiều hơn, chúc cháu học tốt và là chị cả gương mẫu, đáng yêu của 2 em.