Dâu mới chưa về mà đã khiến "nhà chồng" lao đao sóng gió
Chào chương trình, tôi không biết phải bắt đầu như thế nào nên tôi sẽ vào vấn đề. Chú tôi năm nay đã 32 tuổi, có việc làm ổn định, 5 tháng trước có quen một cô gái nhỏ hơn chú 1 tuổi, việc làm và lương ổn định. Lúc đầu mẹ chú không đồng ý cho chú quen, vì cô ta có tình trường khá nhiều, ăn nói không xem người lớn ra gì cả, giống như ta đây lớn nhất. Nhưng bà tôi cũng bỏ qua, cho chú tôi quen.
Quen được 3 tháng thì xin đám hỏi, nhưng cô ta quyết định ngày 20.11 âm lịch, bà tôi theo phong tục đi xem thì thấy ngày này tháng sau mới hợp, nên muốn dời. Cô ta thì nhất quyết không chịu dời, đòi huỷ đám. Rốt cuộc huỷ đám, tính là 2 người sẽ kết thúc. Ai ngờ họ làm đám hỏi, thuê người giả đàn trai, trong khi đó, cô ta và gia đình đều là người bày sẵn kế hoạch này. Chú thì không nói gì cả và chỉ biết làm theo mà không coi mẹ, coi họ hàng ra gì cả. Cô ta thay hình đại diện lên Facebook nên thấy được họ tổ chức đám hỏi nếu không cũng không biết. Cả 2 người khoá face, chú tôi thì thay đổi số điện thoại.
Tôi thấy chú tôi mù quáng, u mê cô ta, trong khi biết rõ cô ta ham tiền, ham danh lợi. Chú tôi thì hiền, giỏi, hiếu thảo mà quen cô ta giờ trở thành con người hoàn toàn khác. Không còn về nhà thường, cũng không điện thoại hỏi thăm mẹ, nhà chỉ có 2 mẹ con nên bà tôi thương chú lắm, bà tôi đầu tư, cho chú học cao, nên bà rất thất vọng, không bỏ con được.
Mùng 1 tết chú nói đi xem ngày làm đám cưới, bà tôi vẫn xem, nhưng cô ta đòi hỏi là đi đó nói chuyện trước và ra rước 1 chuyến nữa, bà tôi thì đi xe không được tốt, mà từ quê lên thành phố mất 4h, ra nhà cô thêm 3 giờ nữa, rồi tiếp tục đi sâu nữa. Tôi từng đi đến và rất mệt khi đến đó. Cô ta không chịu, bà tôi cũng không nói gì được. Và chú tôi tự ý đi xem ngày đám cưới, 19/ 04 âm lịch này, nhưng cách đây chưa được 2 tuần thì ba cô ta mất, cô ta cũng không ý định dời đám lại, nói "chịu tang 49 ngày là được rồi, không cần hết 100 ngày".
Cách đây 3 ngày, bà tôi có lên thăm chú, nhưng điện thoại chú nói "chưa làm xong, lên đây chi vậy". Bà tôi lủi thủi ngoài bến xe, mua vé về thì chú nói ở lại, chú dẫn về nhà, để bà ở ngoài đi vô nhà trước nói chuyên với cô ta, ra vô 2 lần, cô ta không muốn cho vô, rồi chú với bà đi thuê khách sạn ngủ. Đi vô rồi cô ta điện nói cổ khóc, bà tôi nói "cô ta khóc nhiều bằng già này không". Làm quá đáng như vậy mà bà tôi vẫn không bỏ, tôi không biết cách nào để nói.
Mong chương trình tư vấn giúp tôi, tôi nên nói chuyện với chú như thế nào, có nên gặp cô ta nói không, có nên lại đám cưới phá hôn không? Xin cảm ơn chương trình!
Chào bạn!
Chú của bạn vì nghe theo lời vợ chưa cưới mà coi nhẹ vai trò của gia đình, có những hành vi khiến mẹ tổn thương, đau lòng. Là một người cháu, bạn đã cảm thấy rất tức giận, thất vọng về chú và rất thương cảm cho bà.
Nhưng bạn biết đấy, bản thân bạn cũng là người cháu, xét về mặt đạo đức truyền thống, về tôn ti trật tự trong gia đình, bạn không có quyền "lên lớp, giảng dạy đạo đức" cho chú. Bạn càng không thể sống thay, chịu trách nhiệm thay cho chú. Vậy thì bạn định lấy tư cách, lý do gì để can thiệp vào đời tư của chú? Và điều quan trọng là vấn đề này là vấn đề cá nhân, của riêng của chú, bạn không phải là người trong cuộc, bạn không thể hiểu rõ bản chất vấn đề, bạn chỉ đang đánh giá vấn đề theo cảm nhận chủ quan từ phía bạn, rất có thể sự tham dự của bạn chỉ càng làm vấn đề thêm rối tung mà thôi.
Trong trường hợp này, với vai trò là một người cháu, có lẽ điều bạn có thể làm là hãy năng đi lại, thăm nom, và động viên, chăm sóc bà nhiều hơn để bà có người sẻ chia, tâm sự và cảm thấy nguôi ngoai phần nào, đồng thời cố gắng hơn nữa để bản thân ngày càng tốt hơn, trưởng thành hơn, vững vàng hơn để bà có chỗ dựa vững chắc...Nếu có thể hãy tìm đến những người có tiếng nói, khách quan trong cách nhìn nhận, có uy tín với gia đình và người chú để qua đó phân tích đúng sai để mọi người trong cuộc cùng nhìn nhận ràng vấn đề có những cách cư sử hợp tình hợp lý hơn trong tương lai để gia đình luôn đầy ắp tiếng cười
Thân chào bạn!