Sự áp đặt của cha mẹ tưởng vô hại mà hại không tưởng...
Em đang học lớp 12 và ba mẹ em cũng đã ngoài 40, 50 nên suy nghĩ giữa hai thế hệ có nhiều thứ rất khác. Em có rất nhiều ấm ức muốn bày tỏ. Đầu tiên, em là con gái nhưng có cá tính mạnh, không đến nỗi là tomboy đâu ạ, nhưng em không bao giờ thích mặc đầm trừ khi phải mặc ở trường, và đặc biệt là em rất thích học võ. Em đã xin mẹ từ hồi lớp 5 và năm nào cũng xin, nhưng mẹ vẫn nói không là không :"Con gái con đứa học võ làm gì. Có võ rồi con đánh em con rồi phá tan cái nhà này luôn hả...." Thiệt sự, bình thường em có mạnh bạo và hơi nóng tính, nhưng ai cũng nói (bạn của mẹ, phụ huynh có con học võ) là học võ sẽ giúp em điềm tĩnh hơn, 7 năm trôi qua, xin khan cả cổ mà câu trả lời của mẹ cũng là không. Em đành chịu
Ba mẹ ngăn cấm em rất nhiều thứ, sợ em bị lừa gạt, bắt cóc, sợ em sẽ sinh hư. Có lần em xin ba mẹ học AV miễn phí ở chùa, chỗ đó nổi tiếng lắm cũng tồn tại hơn 10 năm rồi, vậy mà ba em nói không ai là cho không, cũng chẳng miễn phí gì ở đây nó lừa hết cả, rồi không cho em học luôn, ba em cứ nghĩ như vậy, ai cũng lừa và lừa hết. Mẹ em là người rất đề cao thành tích. Đối với mẹ, chỉ có 10 và 10 thôi. Em còn nhớ hồi lớp 4, em thi tất cả đều 10 trừ một con 9 môn Viết và thế là bị mẹ chửi cả ngày lẫn đêm. Em uất ức và tuổi thân lắm vì mẹ thừa biết ngày nào em cũng học tới khuya (mới lớp 4 mà em đã thức tới 12h khuya để ôn bài), vậy mà mẹ chì chiết chửi bới em như một đứa chỉ biết chơi không chịu học hành.
Ngày nào cũng lôi ra mà chửi, thấy em nằm coi tv lại chửi chỉ dán mắt coi hèn gì 9đ là phải, đứng bét lớp rồi còn gì, mẹ không biết cất cái mặt đi đâu. Kể từ đó em nhận ra rằng, thà không học gì thì sướng hơn. Lên cấp 2, em có tình cảm với một bạn, em giấu kín. Trong suốt thời gian đó em vẫn cố gắng học, không hề lơ là thậm chí là tiến bộ. Rồi ba mẹ phát hiện, mẹ em chửi nhiều lắm:" Con nít con nôi hỉ mũi chưa sạch mà yêu đương gì.....Yêu sẽ khiến học hành sa sút, mẹ chưa thấy ai tiến bộ nổi.....blablabla". Kể từ đó em cố gắng học nhiều hơn, từ nhì lớp em đã vươn tới nhất khối, chỉ để ba mẹ thả lỏng em một chút. Nhưng em nhận ra đối với mẹ, MỘT LẦN NHẤT LÀ VẠN LẦN NHẤT, từ các năm học sau, tất cả 4 kì em đều phải nhất cả. Vậy là em lại bỏ sức, học trâu học bò, có khi đến 2-3h sáng thậm chí là 5h sáng để học. Có lần, em về than là dạo này em điểm không được cao (8,9đ), và bài ca con cá lại vang lên: "Đầu óc để trên trời, lo yêu đương quá chứ gì, từ nhất xuống bét khối rồi đó, đẹp mặt quá chưa.....Yêu nên vậy đó." Thiệt sự lúc đó chưa tổng kết, kết quả lúc nào em cũng nhất khối hết.
Mẹ có biết rằng để có nhất khối, không chỉ bỏ sức vào tối khuya tới sáng mà em còn làm mọi cách có thể thậm chí là phao bài, tranh nhau từng 0,25đ một. Em rất mệt mỏi chỉ để làm hài lòng mẹ, chỉ để khỏi nghe mẹ chửi, mẹ chì chiết. Mẹ em hay chửi dai và rất dai, một chuyện mẹ chửi một tuần chưa hết. Làm con người cũng có giới hạn, lúc em nói lại thì mẹ nói:"Mới nói nó một câu nó chửi mình mười câu...con cái mà cãi lại cha mẹ". Thấy 2 mẹ con cãi qua cãi lại, ba em phát cáu: Thôi, chửi hoài, hàng xóm nghe.....Và mẹ lại kiểu:"Là mẹ mà không được dạy con, vậy còn sống làm gì nữa." Và em và em trai em dù rất thương nhau nhưng cũng có khi đánh lộn. Nói thật chứ nó láo vô cùng, nó coi mình là ông trời muốn gì cũng được. Nó có tính nhát gan, rất sợ ma, đi đâu cũng có người theo.
Lớp 5,lúc đó em bực quá không đi với nó thì nó lại đá thúng đụng nia và cằn nhằn (y chang mẹ em): đi xíu với người ta không được nữa, và nó bắt đầu chửi em, nó chửi mày tao. Em điên quá đánh nó, nó xẩng cồ thách lại: "Mày ngon đánh tao nữa đi, nè đánh đi". Em và em trai nhào vô đánh nhau. Lúc đó ba mẹ vắng nhà, lúc về thì việc đầu tiên là mẹ chửi em trước: "Làm chị phải nhường em, dù em có sai cũng không được đánh em như vậy". Em bực và rất bực, những lúc mẹ em điên lên, sao mẹ lại được đánh nó (có khi còn chảy máu) còn em lại không, mẹ còn không kiềm chế được sao lại bắt em kiềm chế. Và thằng em ỷ có mẹ nên nó không biết sợ em, suốt ngày chọc em kiểu mày ngon thì mày đánh đi rồi mày cũng bị mẹ chửi. Sự việc kéo dài tận bây giờ.
Và dù lâu lâu em mới cãi lại mẹ, nhưng mẹ lúc nào cũng nói một cách mỉa mai cười nhếch mép: "Nó như vậy hèn gì thằng em nó bắt chước". Thật sự thằng em em nó cãi như cơm bữa, nó cãi trước em thì lấy đâu ra nó bắt chước em. Tại sao? Dù ba mẹ rất thương em, nhưng em hầu như ít tâm sự những điều trong lòng, dù bề ngoài em là đứa mạnh mẽ, lúc nào cũng là con ngoan trò giỏi. Và không biết từ bao giờ trong người em lại hình thành tính cách máu lạnh như một cách chống chế. Cách đây vài ngày, em và mẹ lại gây lộn. Em đọc trên báo thấy các chuyên gia gợi ý con cái nên bày tỏ nỗi niềm với mẹ để mẹ và con hợp nhau hơn, nên lúc đó em đã bày tỏ hết uất ức của mình trong nước mắt (từ điểm số tới mẹ đối xử bất công ra sao, em học như trâu như bò như thế nào) và mẹ em kết luận: "Con thù quá dai, chuyện từ hồi lớp 4 con cũng không thể quên được, mẹ không ngờ con lại thù dai như vậy. Cái tôi con quá lớn mà, phải rồi là mẹ sai, mẹ đã làm con người con máu lạnh vậy. Thôi để mẹ nhận lỗi để đã cái tôi của con. Haha, mẹ em có thay đổi suy nghĩ gì đâu, nói một cách khinh thường những lời em nói. Đúng rồi, em là một đứa hỗn láo, một đứa máu lạnh. Haha
Em thân quý, chị hiểu em ấm ức thế nào. Qua thư, em được nói hết, xả hết, chị rất mừng vì em đã chỗ để bày tỏ cảm xúc của mình. Hãy bình tĩnh, có rất nhiều cách để giải tỏa, các chuyên gia tâm lý của “Cửa số tình yêu” luôn lắng nghe em.
Những cô bé có câu chuyện như em thật sự không ít, nguyên nhân đều xuất phát từ sự kỳ vọng của cha mẹ, mà thành thực đôi lúc sự kỳ vọng ấy vô lý lắm và các cô bé cậu bé vẫn phải im lặng vì phận con cái phải nghe lời cha mẹ. Nhưng cũng không nhiều người con làm được như em đâu. Trong mắt chị em là cô bé rất nỗ lực trong mọi hoàn cảnh. Như em chia sẻ đó, có lẽ ba mẹ và em chênh lệch về tuổi quá lớn, ba mẹ em sống trong giai đoạn xã hội còn nhiều tư tưởng cũ, em lại lớn lên trong giai đoạn xã hội cởi mở hơn, nên có tiếng nói chung thật khó. Quan điểm về “giới” của ba mẹ em vẫn như xưa: con gái phải dịu dàng, thùy mị, con trai phải mạnh mẽ…em thân mến, đấy chính tàn dư của xã hội trước đó em, không dễ gì thay đổi ngày 1 ngày 2 đâu em. Tất cả chuyện từ: điểm số cao, con gái phải nhẹ nhàng, nhường nhịn…là dấu ấn của những gì mà ba mẹ em đã trải qua trước đó đấy em.
Bản thân các nhà tâm lý học, các thế hệ trước và nay đều thừa nhận có sự khác biệt lớn về tư tưởng em à. Thực chất đó là hệ quả của một lối sống qua mỗi thời kỳ xã hội. Chị chia sẻ vậy để em hiểu rằng sự khác biệt giữa ba mẹ và em là có lý do rất khách quan. Trong các gia đình cả ông bà, ba mẹ và các con đều nhận ra khác biệt lớn về: lối sống, ăn mặc, ứng xử…giữa các thế hệ nhưng không ai dễ dàng để thay đổi vì tư tưởng đó đã ngấm quá sâu rồi. Trong câu chuyện của em chúng ta đều nhận ra rằng một mặt thì xã hội, (cụ thể là lối sống) không ngừng biến chuyển theo nhiều xu hướng khác nhau, nhưng tư tưởng của chúng ta thì chậm thay đổi hơn. Vậy nên mới có những chuyện như em chia sẻ đó.
Em thân mến, việc ba mẹ em mất niềm tin trong cuộc sống nên luôn cảnh báo các con, điều này chị hiểu là có cái đúng, có cái chưa đúng. Nhưng em a, mẹ đã từng là con, là mẹ, còn chúng ta chưa làm mẹ nên chưa hiểu hết được trăn trở của mẹ cha. Hãy kiên nhẫn để rồi mẹ con hòa hợp nhé, chị nghĩ trong cuộc sống khả năng cao nhất của con người là thích nghi. Vậy trước mắt mình hãy thích nghi với gia đình mình em nhé. Người ta nói: “Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, trong nhà có người tính cách này người tính cách khác”, bằng sự nhạy cảm của mình em hãy cố gắng để hòa hợp nhé. Với em trai cũng vậy, giờ còn bé mình hơn thua nhau nhưng đến khi 2 chị em trưởng thành, không còn gần nhau thậm chí đến khi có gia đình riêng thì lúc ấy mới thấy thời gian bên nhau quý thế nào, những gì của em với em trai đến lúc đó lại trở thành những ký ức em à, em cũng cố gắng hài hòa với em trai nhé. Chị tin là em sẽ làm tốt vì em hiểu chuyện mà.
Em thân mến. Những lúc không nói ra được, em có thể giải tỏa bằng hát, vẽ, viết nhật ký hoặc chia sẻ với bạn thân, các chuyên gia tâm lý em nhé. Qua trải nghiệm của chị thấy rằng cuộc sống sau này còn nhiều lúc mệt mỏi uất ức lắm em, nhưng cuộc sống là thế, sau này em trưởng thành hơn sẽ hiểu cuộc sống có những lúc cần mình phải thật bản lĩnh. Câu chuyện của gia đình em là một thực tế hiện nay, nhiều khi là khủng hoảng lối sống giữa các thế hệ em à. Vậy nên, chị tin rằng các em sau này sẽ chính là những người làm thay đổi nhận thức về những gì mà em đã chia sẻ. Hãy kiên nhẫn và tích lũy kỹ năng mềm để thay đổi những điều còn khập khễnh em nhé. Em thân mến, tuy mẹ có những phản ứng như em vừa chứng kiến nhưng khi "tĩnh tâm" lại mẹ cũng sẽ hiểu ra 1 số điều mà mẹ cư xử chưa đúng với con cái. Em vẫn biết "mưa dầm thấm lâu" chính là kỹ năng thuyết phục tốt nhất, vì vậy em hãy biết cách chia sẻ đúng lúc đúng thời điểm và đặc biệt là vừa phải chứ đừng để "dồn" vào quá lâu rồi khi "xả" ra thì sẽ khiến người nghe cảm thấy bị "quá tải". Bên cạnh đó em cũng có thể nhờ 1 ai đó nói chuyện với mẹ về những gì mà em mong muốn nhé, có thể không nói trực tiếp về vấn đề của em mà nói ý tứ xa gần để mẹ dần hiểu ra. Có thể một người nói mẹ em không nghe, vẫn bảo thủ nhưng nếu 2,3 người nói thì chị tin mẹ sẽ dần nhận ra vấn đề.
Chị chúc em vui và học tập tốt nhé. Mong tin em ở các thư sau.