Anh không còn coi em là vợ nữa rồi...
Chào chuyên gia tư vấn. Hôm nay cháu viết lên những dòng này thật sự lòng cháu rối như tơ vò.
Cháu đã kết hôn được hơn 1 năm nay và có 1 cháu được 1 tuổi. Vấn đề lục đục từ khi cháu sinh bé, được khoảng hơn 4 tháng cháu với bố mẹ chồng có to tiếng cũng vì con cháu, cháu có cãi lại bố mẹ chồng cháu, bố mẹ chồng chửi cháu loại con dâu láo toét mất dạy, bố chồng thì đuồi cháu mày cút về nhà mày. Rồi gia đình chồng cháu gọi ngay bố mẹ cháu sang nói thậm tệ cháu cũng biết mình sai và xin lỗi.
Vấn đề tiếp là chồng cháu ( cháu và anh ấy quen nhau là do cô cháu giới thiệu lúc cháu thì trước học xa nhà hè tết mới về chơi) cháu cũng chẳng biết sao cháu lại đồng ý lấy anh ấy. Ngày đấy bố cháu với cô thì nói lấy anh ấy rồi sau không phải lo nghĩ gì rồi bà nội cũng nói cháu lấy chồng gần bố mẹ còn được nhờ. Nhà cháu thì có 3 chị em cháu là út.
Cháu lập gia đình thời gian tìm hiểu chỉ vẻn vẹn 1 tháng, anh nói bố mẹ anh cứ giục anh lấy vợ nhà anh cứ giục liên tục, rồi 2 vợ chồng lên Hải Phòng ở nhưng thời gian đầu cãi nhau liên tục giận dỗi cũng có, mà cứ hễ ngồi mâm cơm là đã to tiếng, mà tính cháu thì thẳng, tiền lương thì anh ấy không đưa cháu cầm, cháu rất chiều anh ấy trong mọi chuyện thể hiện tình cảm nhưng mỗi lần như vậy thì anh ấy cứ đẩy cháu ra tỏ vẻ ngại. Từ khi biết có bầu thì cháu về quê chồng ở phụ bố mẹ làm và bán hàng.
Chồng cháu làm ở trên đấy thường gần 1 tháng được nghỉ 1 ngày về chơi, vợ chồng lâu gặp nhau phải tình cảm nhưng chồng cháu thì cứ lăn ra ngủ thờ ơ. Có lần cháu gọi điện nói anh về nhà chơi thì chồng cháu nói ngại có lên đây thì lên vậy là cháu lại vác bụng lên thăm chồng tưởng vui vẻ nhưng chồng cháu thờ ơ dửng dưng cháu là người học ngành y cháu cũng nói nếu anh bị gì thì vợ chồng đi khám, thì anh nói không làm sao. Nếu có cũng chỉ làm cho xong.
Mà tiền lương anh cũng không cho cháu giữ anh gửi về cho mẹ anh. Đến cái nhẫn của cô em anh ấy tặng và nhẫn cưới anh cũng bán không nói không bàn cháu 1 tiếng. Cháu thì cố vun vén hạnh phúc đến ngày sanh bé thì tâm lí cháu càng dễ xúc động chồng thì không hỏi han làm xa 1 ngày không lấy nổi 1 cuộc gọi. Rồi tiền không đưa vợ tiền bỉm tiền sữa cho con. Càng ngày dần già cháu vô cảm hay cáu gắt nên mới to tiếng với bố mẹ chồng.
Khi chuyện xảy ra chúng cháu lên Hải Phòng ở cháu ở nhà chăm con nhưng ở 1 tháng anh cũng chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng phụ cháu giặt giũ cứ đi làm về là ôm điện thoại chơi điện tử không thì đi ngủ. Cháu không chịu đựng được nên nói chuyện thẳng thắn làm đơn anh không chịu kí nhưng do cháu làm quá anh kí nên cháu bế con về nhà mẹ.
Cháu ở tới bây giờ là được 8 tháng rồi nhưng ông bà nội cũng không thèm đoái hoài gì cháu. Chồng cháu thì lâu mới về nhà ghé bế con về bên đấy, mỗi tháng anh ấy phải gửi cho con 3 triệu ( đó là do anh ấy tự nguyện gửi) cháu ở nhà nhưng lời ra tiếng vào không ít mọi người xì xào.
Con cháu được 1 tuổi thì anh ấy về lại nói cháu là không chịu đi làm mà ngồi đấy bế nó cả đời ah rồi nói tôi phải giấu lén bố mẹ gửi tiền cho con. Cháu bực mình nói vậy nhà anh bế về mà nuôi để tôi đi làm. Nhưng con cháu chưa cai sữa mà cháu nói vậy chứ lòng sao đành. Vài ngày nữa là 2 bên nói chuyện rõ ràng quyết đình là cháu( còn chồng cháu thì cũng bảo cháu là về cháu thì chẳng còn chút tình cảm gì nữa) bây giờ cháu không biết phải như thế nào vì con mà quay về hay ở vậy nuôi con.
Cháu mong chuyên gia tư vấn giúp cháu. Cháu cảm ơn.
Chào em,
Qua những chia sẻ của em chương trình hiểu rằng hai em đến với nhau khá vội vàng, chịu tác động lớn từ phía gia đình thay vì sự tự nhận thức, tự quyết của bản thân. Điều đó khiến đôi bên chưa có nhiều hiểu biết về nhau cũng như sợi dây tình cảm có phần lỏng lẻo. Vì thế mà hôn nhân tồn tại nhiều vấn đề dẫn tới mâu thuẫn, rạn nứt đáng tiếc.
Thực sự, việc em muốn tự quản lý tiền bạc của hai vợ chồng cũng là một nhu cầu và quyền lợi hết sức chính đáng vì em đã là một người trưởng thành, hơn nữa còn là một người vợ – người “tay hòm chìa khóa” theo quan niệm truyền thống xưa nay. Vậy nên việc chồng đưa lương cho mẹ chồng khiến em cảm thấy mất tự do và không đựơc làm chủ nguồn tài chính gia đình nhỏ của mình, nhất là khi em ở nhà bầu bí, sinh con như hiện nay.
Khỏang thời gian bầu bí, sinh con là khỏang thời gian khó khăn với bất cứ người phụ nữ nào, nhất là khi thiếu vắng sự quan tâm, cảm thông chia sẻ từ phía chồng và người thân xung quanh. Có lẽ việc chồng em đi làm xa, tính cách có phần vô tâm của chồng và thêm nữa là việc anh ấy đưa hết tiền luơng cho mẹ chồng thay vì đưa cho em để chủ động trong chi tiêu mà khiến tâm lý của em nặng nề, tiêu cực hơn và đã có những hành vi không nên không phải làm rạn nứt tình cảm gia đình. Để giải quyết những vấn đề hôn nhân của mình em cần phải xác định mục đích, mong muốn của mình khi tiến đến hôn nhân. Và hiện tại đây em có còn mong muốn tiếp tục cuộc sống hôn nhân và có cách thức nào để xoay chuyển tình hình hay không?
Về chuyện chồng em đưa luơng cho mẹ, có thể từ trước khi lấy em, anh ấy đã có thói quen đóng góp kinh tế cùng với mẹ, vì trước khi em làm vợ thì mẹ chồng em là người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình. Hơn nữa, khi các em lấy nhau mà chưa sống riêng, thì bà vẫn sẽ lo kinh tế chung, vì thế việc anh ấy đưa tiền, coi như đóng góp về tiền ăn uống sinh hoạt trong gia đình cũng là điều nên làm. Hay việc đưa lương là ý muốn của mẹ chồng.
Tuy nhiên anh ấy đã có gia đình riêng của mình thì cũng cần cân nhắc việc thống nhất thu chi giữa vợ chồng với nhau. Lúc này em hãy thật khéo léo chia sẻ cảm xúc của mình, những lo lắng của mình truớc những cư xử của anh ấy, những khó khăn trong cuộc sống mà em đang gặp phải thay vì im lặng, dồn nén và có những hành động, thái độ cực đoan. Việc chia sẻ một cách cởi mở về những điều còn vướng mắc cũng sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn để xây dựng cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn.
Ngoài ra em cũng nên cải thiện mối quan hệ với bố mẹ chồng, cho họ thấy thái độ cầu thị, mong muốn hàn gắn vì lợi ích con cháu ra sao. Để làm tốt được điều này cầu tới sự tích cực, chủ động nơi em và vai trò cầu nối hết sức quan trọng từ phía chồng em. Bố mẹ có thể giận con cái nhưng họ sẽ “đánh ke chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Tấm lòng của cha mẹ luôn rộng lượng, chỉ là em có đủ kiên nhẫn, đủ chân thành hay không mà thôi.
Dù có quay lại hay không quay lại em cũng nên cân nhắc việc nhờ sự giúp đỡ ông bà 2 bên trông mon con để tìm việc làm, chủ động thu nhập. Lao động, va chạm bên ngòai sẽ giúp em hiểu chuyện, tâm lý khuây khỏa hơn và đâu đó sẽ là cách tích cực cho những giải pháp hôn nhân của mình.
Chúc em sớm giải quyết vấn đề hôn nhân của mình!