Bất lực "toàn tập" khi vợ mãi như “đứa trẻ lớp 6”…
Kính gửi chương trình!
Tôi là người chồng trong bài viết trên của vợ tôi (tôi đã khuyên cô ấy tìm đến cuasotinhyeu.vn để được tư vấn. Và đây là bức thư chương trình đã tư vấn cho vợ chồng tôi: "Muốn "buông tay", nhưng nghe con gọi bố mà lòng lại xót xa!" Hiện tại, chúng tôi đang đứng trước nguy cơ đường ai nấy đi.
Tôi và vợ biết nhau qua giới thiệu của người thân, tôi biết tôi và vợ lúc đó chưa thể hiểu nhau; nhưng tôi tin tưởng vào kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ chúng tôi hoàn toàn có thể phát triển thêm tình yêu sau khi kết hôn. Tôi tin tưởng rằng tôi đẹp trai, tôi lãng mạn, tôi sẽ chấp nhận mọi nhược điểm của cô ấy. Tôi có thể lo được cho gia đình của tôi. Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ như thế này. Điều tôi đang cảm nhận về vợ tôi lúc này là vợ tôi vô cùng không biết điều. Khi mới lấy nhau, đi khám sức khỏe cô ấy phát hiện mang virus viêm gan B, tôi sợ cô ấy buồn nên nói dối tôi cũng bị.
Cô ấy đòi 2 vợ chồng đi khám lại và "biết đâu anh chưa bị". Tôi không chắc vợ tôi có biết bị lây virus từ đâu không, nhưng chắc chắn cô ấy biết cô ấy bị viêm gan B trước khi gặp tôi. Tôi không thấy lo về bệnh đó, sau khi biết tôi đã giải thích với vợ rất nhiều để vợ tôi ổn định tâm lý (tôi không ngại bị lây từ vợ, thậm chí có lúc tôi muốn mình bị để vợ đỡ tủi thân.
Tôi không dùng điện pháp nào phòng tránh lây bệnh. Điều tôi muốn nói ở đây là tôi cảm thấy vợ tôi lừa dối tôi. Tất nhiên là ban đầu cô ấy có nhiều lí do, tôi thông cảm. Nhưng càng lúc tôi càng thấy không thoải mái về chuyện đó. Vợ tôi sang nước ngoài với bố mẹ từ lớp 6. Do khác biệt về ngôn ngữ và hay phải đổi trường học nên tôi thấy vợ thiếu hụt trầm trọng kiến thức về khoa học và xã hội. Điều tôi thấy khó chịu nhất là nhiều vấn đề tôi có phân tích như thế nào vợ tôi cũng không nghe, không tin vào tôi (trong khi cô ấy tin vào những nguồn linh tinh trên internet). Tôi có cảm giác nói chuyện với vợ như nói chuyện với một đứa trẻ lớp 6 mà bất lực, không nói cho nó hiểu được.
Tôi thấy tôi cũng ngu dốt như đứa trẻ đó vậy. Tôi không biết vợ tôi có phải phụ nữ thực sự không? Tôi là người kinh nghiệm, tôi đã làm nhiều cách để giúp vợ thoải mái hơn. Tôi chia sẻ việc nhà, tôi chăm sóc con, tôi nói chuyện với cô ấy. Nhưng cái tôi nhận lại chỉ là sự thờ ơ. Thời sinh viên tôi chơi game rất nhiều. Thời gian đó gia đình tôi có quá nhiều chuyện, nó ảnh hưởng rất lớn đến tôi, tôi chán nản và đã làm mất đi gần hết những năm tháng giá trị nhất của cuộc đời - nhưng tôi không nghiện game. Tôi chưa để vợ tôi một ngày nào phải thiếu thốn. Tiền lương tôi đi làm về đưa hết cho vợ. Tôi không quên trách nhiệm với gia đình, áp lực với công việc có lúc làm tôi stress mất ngủ. Vợ tôi chia sẻ áp lực với tôi bằng những câu hỏi nghi ngờ kiểu như "anh đã cố hết sức chưa?" Và nói chuyện cứ như kiểu tôi là thằng nghiện game.
Sau 2 năm lấy nhau tôi vẫn thấy vợ chưa thực sự biết quản lý chi tiêu. Lương tôi đưa vợ trung bình 10 triệu/tháng, vợ tôi không tiêu hoang nhưng tiêu cái gì? Tiêu bao nhiêu?... tuyệt nhiên không để ý. Tôi nói thì ghi chép lấy lệ, chẳng giải quyết được gì, trong nhà không hề có tích cóp. Nhiều lúc nghĩ có việc gì cần đến đôi chục triệu chắc chỉ có đi vay. Vợ tôi không hề biết phấn đấu, không biết cách tự chăm chút bản thân, không biết làm đẹp, bất kể chuyện gì tôi nói với cô ấy từ tình cảm nhẹ nhàng đến cục cằn văng tục cô ấy vẫn chẳng có nhiều biến chuyển. Mọi thứ cô ấy làm đều thực sự miễn cưỡng. Tôi giờ đây thực sự chán nản và bế tắc. Tôi hiện tại rất khó một mình nuôi con, lại càng không tìm được lối thoát khác.
Tôi rất mong nhận được tư vấn của các chuyên gia, chương trình có thể gửi những thông tin phù hợp trong tâm sự của tôi đến vợ tôi. Tôi vô cùng biết ơn những giúp đỡ của cuasotinhyeu.vn!
Thân chào bạn!
Từ những dòng tâm sự của vợ bạn gửi tới chương trình, chúng tôi đã có những trao đổi cụ thể với vợ bạn về những vấn đề mà cô ấy cần thay đổi rồi, nên chúng tôi sẽ không trao đổi lại ở đây nữa. Bạn ạ! Trong cuộc sống, vợ chồng không hợp nhau, có những khác biệt trong quan điểm sống, tính cách là điều rất bình thường. Tuy nhiên, tùy vào cách chúng ta giải quyết những khác biết đó như thế nào để vẫn có thể sống chung rất hạnh phúc đến ngày răng long tóc bạc. Chúng tôi hiểu rằng bạn thực sự bế tắc không biết phải giải quyết những “khác biệt” trong gia đình như thế nào để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Xin chia sẻ cùng bạn nỗi niềm này.
Bạn có chia sẻ, vợ bạn là một người không biết gì, như một thứ trẻ lớp 6: “Do khác biệt về ngôn ngữ và hay phải đổi trường học nên tôi thấy vợ thiếu hụt trầm trọng kiến thức về khoa học và xã hội". Bạn đã “uốn nắn” rất nhiều nhưng khó có thể thay đổi. Dường như, bạn đã nhìn nhận rõ nguyên nhân của những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, để hạn chế những mâu thuẫn, có một cuộc sống hôn nhân hòa hợp thì bạn hãy xem những khác biệt đó như một cơ hội, một chất liệu để bổ sung những thiếu sót của nhau.
Cả hai vợ chồng cần có sự chia sẻ về cảm xúc, suy nghĩ của mình về thói quen, tính cách của đối phương để thông cảm cho nhau, mỗi người đều có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Bạn hãy nhớ chia sẻ chứ không phải chỉ trích nhé vì để có thể song hành cùng nhau trong quãng đời còn lại thì cả hai cần có nỗ lực thay đổi để hòa hợp, với ý chí muốn trở thành một người khác để thích nghi với cuộc sống chung, hai vợ chồng có thể biến những khác biệt giữa vợ chồng thành chất xúc tác để cùng trưởng thành thay vì những trở ngại đưa đến đau khổ, chia ly.
Bạn có thể dần dần "điểu chỉnh" cô ấy, thêm vào đó bạn cũng có thể nhờ sự vào cuộc của bố mẹ vợ và bố mẹ vợ sẽ giải thích cho cô ấy hiểu thêm. Còn nếu cảm thấy khó khăn thì bạn có thể tìm đến chuyên gia tư vấn trực tiếp về vấn đề hôn nhân gia đình để trao đổi và tìm cách khắc phục.
Khi bạn cố gắng, mọi thói quen đều có thể thay đổi. Cả vợ bạn cũng vậy, hãy giúp cô ấy có những bài tập những cách kiểm soát cảm xúc, tìm nguồn tin cậy, lắng nghe và thay đổi giữa hai vợ chồng, cách quản lý chi tiêu sẽ là ai quản lý…Và điều quan trọng là cả hai vợ chồng cần hiểu rằng, không ai là hoàn hảo, hãy cố gắng để cho những ưu điểm của người này bù đắp cho thiếu sót của người kia, giúp cho cuộc sống gia đình hòa hợp hơn. Rất mong những chia sẻ của chương trình sẽ giúp bạn đưa ra định hướng giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc trong gia đình.
Chúc bạn hạnh phúc!