Bố mẹ cãi nhau, con cái "chạy trốn"
Xin chào ban cố vấn chương trình cùng các bạn. Thật sự là em cũng không biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào nữa.
Tôi là Txxx, là người anh cả trong gia đình có 3 anh em. Được sinh ra và lớn lên giữa vùng đất đầy nắng và gió Quảng Bình. Từ nhỏ tôi đã chứng kiến cuộc sống gia đình mình khó khăn như thế nào. Cũng vì những chuyện đó mà ba mẹ cũng hay cãi nhau rồi đánh nhau vì nhiều nguyên nhân. Ba em là người sống thiên về tình cảm, nhất là tình cảm anh em trong gia đình. Ba thương em trai rất nhiều nhưng bù lại, em trai không những không thương ba mà còn nhiều lần đánh ba vì nhiều nguyên nhân. Nhưng cho dù là nguyên nhân gì đi chăng thì ba em cũng không giận chú bao lâu cả. Vì ba nghĩ tình cảm anh em thì không thể bỏ được.
Mẹ tôi là người sống thiên về nội tâm, từ nhỏ đã mồ côi ông bà ngoài. Có 6 người anh chị em nhưng mỗi người mỗi nơi, tình cảm dành cho nhau nhiều nhưng lại không có nhiều thứ để có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau. Ba mẹ tôi yêu và cưới nhau từ lúc 19 đôi mươi. Và đến bây giờ cũng đã có với nhau 3 anh em bọn tôi. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ em cũng làm nhiều việc giúp gia đình, vậy nhưng đến năm lớp 11 tôi bị đau mắt và không thể đi biển cùng bố được. Vậy là ba mẹ em cho tôi tiếp tục học để được lên cao đẳng, đại học. Thế nhưng, cuộc sống khốn khó càng khốn khó hơn khi tôi bước chân vào đại học.
Tôi biết là vậy nên mỗi tháng tôi cũng không dám xin nhiều trợ cấp từ gia đình. Rồi đứa em thứ 2 của tôi cũng vậy, nhưng nó khác em ở chỗ là ba mẹ tôi vốn không có ý định cho nó đi thi và học đại học. Nhưng bản tính mày mò và thích học. Nó đã đăng kí thi và đã đỗ ĐH. Không cần phải nói thì chắc mọi người cũng biết, cuộc sống vốn khó khăn bây giờ càng khó khăn hơn. Thời gian thấm thoát thoi đưa, cuối cùng tôi cũng học xong đại học, rồi em tôi cũng học xong.
Tôi hiện đang làm việc tại doanh nghiệp, đúng với chuyên ngành mà tôi đã học. Em tôi thì làm việc tại sài gòn. Cũng lâu lâu lắm 2 anh em tôi mới về nhà thăm bố mẹ. Những nghỉ là mỗi lần về nhà thì tôi sẽ được sống lại trong vòng tay bố mẹ. Trong sự yêu thương của anh em và bạn bè làng xóm. Nhưng những gì tôi nghĩ hoàn toàn không phải thế. Trái lại đó là lúc tôi nhận ra giữa bố và mẹ tôi có quá nhiều bất đồng. Mẹ tôi có chút thiên hướng về xã giao, gọi là người của xã hội. Ba tôi thì cũng vậy, bên ngoài cũng có chút gọi là hài hước với mọi người, đằng sau đó là tính ích kỉ và cố chấp.
Điều này càng rõ ràng mỗi khi ba tôi đi nhậu về(thường xuyên) thì hay quát mẹ tôi, rồi đòi tiền đi chơi bài này nọ. Có những lần mẹ tôi không đưa tiền cho thì lại đánh đập. Cũng trong chuyến về quê thăm gia đình và mừng đám cưới cho bạn và chị gái (bên mẹ) thì tôi chứng kiến cảnh này.
Ba tôi đi chơi bài suốt đêm cùng với đó là nhậu. Đến ngày hôm sau thì về nhà và nói chuyện với tôi một vài điều (chủ yếu là trách móc tôi vì sao bà nội ốm mà lại không về, bây giờ đám cưới chị mày thì mày lại về). Thú thật em chưa bao giờ nghĩ như vậy, là vì cuối tuần em được nghỉ nên em mới về. Tôi cũng nói qua cho ba biết như vậy. Rồi lúc đó 2 bố con lên nhà bà nội chơi với bà. Được lúc thì cả 2 bố con về và chuẩn bị đồ đi ăn cưới.
Mẹ tôi đi trước vì còn lên chuẩn bị trên nhà cậu. Tôi và bố đi sau, tôi lấy chìa khóa tủ mẹ để lại và lấy bộ đồ cho bố, sau đó thì lấy cho tôi. Và để chiếc chìa khóa trong túi quần đùi. Khi xong xuôi thì tôi, bố tôi và em gái út cùng đi. Tôi lên nhà cậu một chút sau đó lên nhà bạn tôi(theo lời bố) và suốt sáng hôm đó tôi nhà bạn, cho đến trưa thì có người háng xóm lên nhà bạn gọi tôi về vì ba mẹ đang cãi nhau. Bố tôi lục tung nhà lên để tìm cái chiều khóa tủ mà tôi đã để trong túi quần. Mẹ tôi thì không biết ở đâu, tôi lúc đó cũng quên mất và không biết ở đâu. Thế là bao nhiêu lời nghi ngờ bố tôi thoát ra hết. Và nghi ngờ mẹ tôi cất đi chìa khóa để giành tiền một mình.
Tôi về thì thấy rất là bực mình, đã lâu lắm tôi không về nhà. Giờ lại gặp cảnh này. Tôi thực sự không thể nào tin được. Rồi cả nhà tôi loay hoay đi tìm khắp nhưng không có. Sau đó bố tôi lấy búa vào định đập để lấy kiểm tra xem còn tiền hay không. Tôi thấy vậy thì đẩy bố ra. Vậy là bố tôi nói luôn tôi cùng một ruột với bà. Cãi nhau như vậy rồi bố tôi đập phá đồ đạc trong nhà, tôi đau buồn nhưng cũng không biết làm thế nào. Đến lúc bố tôi đập luôn bộ máy tính của em tôi không học nên mang về cho em út. Vậy là tôi điên quá nên xô bố ra mạnh hơn. Bố ngã và từ đó cho tôi là đã đánh bố.
Thật sự tôi lúc đó không biết làm sao. Tôi cố trấn tĩnh sau đó ngồi lại và gọi anh em bà con đến để họp gia đình. Tôi không ngờ bố tôi lại là người như vậy. Sống với nhau bao nhiêu năm. Bây giờ lại không tin tưởng mẹ tôi. Vậy là mẹ cũng kể hết nhưng bực tức trong lòng mà bấy lâu bà phải chịu đựng. Tôi thật không thể tin vào tai mình. Tôi như muốn sụp đổ và chạy trốn ngay những gì đang diễn ra trước mắt. Tôi thu dọn đồ đạc để quay lại thành phố ngay chiều đó. Mẹ tôi cũng ko muốn ở lại và dọn đồ đi với tôi. Tôi cũng không biết phải làm thế nào. Tôi chở mẹ tôi qua nhà dì tôi(nhà chỉ có anh hai). Và tôi bắt xe vào đêm hôm đó. Tôi nói mẹ nếu mẹ muốn vào thì vào sau cũng được. Vậy là hôm sau mẹ cũng vào.
Sau một thời gian(1 tuần) thì tôi cũng khuyên mẹ về để em gái đi học. Nhưng từ lúc mẹ tôi về đến bây giờ. Đã hơn 2 tháng nhưng bố mẹ tôi vẫn không làm lành lại vs nhau. Vẫn việc ai nấy làm. Cơm ai nấy ăn. Bố tôi làm riêng và vẫn chơi bài nhậu nhẹt mỗi lúc rảnh. Tôi không biết phải làm thế nào để bố mẹ tôi làm hòa lại với nhau. Nếu với tình hình này thì tôi sợ là bố mẹ khó ở bên nhau được. Mong anh chị và các bạn cho tôi lời khuyên. Tôi không hay viết những tâm sự thế này. Vậy nên có sai sót mong ban biên tập thông cảm cho tôi. Hy vọng sớm nhận được câu trả lời từ chương trình.
Em thân mến!
Vì nhiều nguyên nhân mà ba mẹ em thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, là một người con trong gia đình, có lẽ điều đó đã khiến em rất phiền lòng.
Khi bố mẹ to tiếng cãi vã nhau, bố nóng giận, đập phá đồ đạc, phản ứng của em là xô mạnh bố ra khiến bố ngã, điều đó giống như “lửa đổ thêm dầu”, khiến bố em ngày càng hung hăng hơn, tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn, đến mức bố nghĩ là em cũng “cùng một giuộc với mẹ”, hơn nữa em chỉ có thể tạm thời ngăn lại việc bố đập phá đồ đạc trong lúc đó nhưng khi không có ai ngăn lại, việc bố đập phá đồ đạc sẽ lại tái diễn, hành vi tiêu cực của bố không được thay đổi một cách triệt để.
Sau khi chuyện xô xát, cãi vã xảy ra, em gọi anh em bà con đến họp gia đình. Trong cuộc họp đó, mẹ đã “kể tội” bố rất nhiều và dường như em và mọi người cũng đứng về phía mẹ. Sau đó, em bỏ đi, mẹ em cũng bỏ đi. Điều đó có thể khiến bố rơi vào thế “một mình một chiến tuyến”, khiến bố cảm thấy cô đơn và lòng tự trọng bị tổn thương sâu sắc, mối quan hệ giữa bố và mẹ, giữa em và bố ngày càng tồi tệ hơn.
Thay vì đó, nếu em để bố bộc lộ hết cơn giận, đợi bố bình tĩnh lại rồi nhẹ nhàng phân tích đúng sai để bố hiểu và điều chỉnh, cố gắng giải quyết mọi việc trong phạm vi mọi người trong gia đình trước khi kêu gọi sự vào cuộc của nhiều người trong bà con, họ hàng thì sự việc có nghiêm trọng như lúc này?
Em có mong muốn mỗi khi về nhà sẽ được sống trong sự yên ấm, vui vẻ cùng gia đình. Đó là mong muốn chính đáng của em. Nhưng em cũng là một người con trong gia đình, cũng có vai trò, trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với gia đình. Vậy em đã phát huy vai trò trách nhiệm đó như thế nào? Em có thường xuyên về thăm nhà? thường xuyên trò chuyện? chia sẻ với bố mẹ để thấu hiểu hay giúp đỡ họ hay chỉ biết đòi hỏi họ phải thế này, thế kia? Cha mẹ chúng ta cũng là con người, vì thế họ không hoàn hảo, họ cũng có những khó khăn nhất định cần chúng ta giúp đỡ.
Giữa bố mẹ em đang tồn tại một mâu thuẫn lớn, có thể đe dọa đến sự tồn tại của gia đình. Để giải quyết mâu thuẫn đó, vai trò hòa giải, cầu nối của em cùng các anh chị em trong gia đình là vô cùng quan trọng. Em nên bàn với các anh chị em để có phương án, kế hoạch để giúp đỡ bố mẹ, cũng là để gìn giữ gia đình. Em cũng cần chia sẻ thêm với mẹ những cách thức kỹ năng để giảm thiểu những cơn giận vô cớ những mâu thuẫn không đáng có cũng là tránh đi những xung đột có thể nguy hiểm cho mẹ
Thực tế diễn ra ở nhiều gia đình cho thấy, khi cha mẹ có bất hòa, để làm tốt vai trò hòa giải, các con cần có thái độ công tâm, khách quan, ở vị trí trung lập và tuyệt đối không nên đứng về một phía nào, cần có sự lắng nghe, chia sẻ cả hai bên bố và mẹ từ đó giúp họ tìm ra tiếng nói chung, tháo gỡ khúc mắc, hiểu lầm.
Tin rằng với tình yêu thương vô bờ dành cho gia đình, cùng tinh thần trách nhiệm và sự kiên trì, cố gắng không mệt mỏi, em cùng các anh chị em sẽ giúp bố mẹ hòa giải thành công, bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Thân chào em!