Cha dượng có bao giờ yêu thương con riêng của vợ?
Chào chương trình!
Tôi năm nay 36 tuổi, mới lập gia đình lần 2. Trước khi đi bước nữa tôi ở cùng với hai con gái 12 và 10 tuổi, tôi mới sinh thêm một cháu trai 4 tháng tuổi với người chồng thứ hai. Cả hai chúng tôi đều có công việc ổn định. Trước khi cưới, anh ấy là người rất cởi mở, quan tâm đến tôi và các con tôi. Vì tôi là con một nên bố mẹ tôi luôn động viên tôi tái hôn để lúc ốm đau vui buồn có người chia sẻ gánh vác cùng. Tôi thấy anh ấy cũng quý mến các con tôi nên quyết định tái hôn với hi vọng anh ấy sẽ là người cha dượng tốt, bù đắp tình cảm cho hai con tôi thiếu cha từ nhỏ.
Khi lấy nhau tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế, địa vị xã hội, anh ấy ở xã tôi cũng sẵn sàng vay mượn, thu xếp mọi mối quan hệ để chuyển công tác cho anh ấy về thủ đô. Tuy nhiên, từ ngày về gần vợ con, anh ấy đã trở thành người hoàn toàn khác lạ. Với vợ, anh ấy chẳng bao giờ ôm ấp tình cảm, chuyện chăn gối gần như bằng không. Tôi đã nhiều lần tâm sự nhưng anh ấy đều gạt đi hoặc nói do công việc mệt và nhu cầu mỗi người khác nhau. Lâu dần tôi cũng chẳng quan tâm tới việc đó nữa, chấp nhận vì đứa con mới sinh. Nhưng điều khiến tôi xót xa đau lòng nhất là sự thay đổi trong cách đối xử với hai đứa con tôi. Các cháu đã từng rất yêu quý anh, hồn nhiên gọi anh là ba và đón nhận cả gia đình anh là ông bà nội, cô chú và các em. Nhưng anh thì ngày một lạnh nhạt và hằn học với các cháu. Tuy không đánh đập, không chửi bới tục tĩu; nhưng thái độ ghẻ lạnh và soi mói các cháu trong sinh hoạt hàng ngày thể hiện ra thành những hành động khó chịu khiến các cháu cảm thấy bị tổn thương và buồn lòng.
Tôi đã nhiều lần phân tích góp ý với anh ấy rằng anh ấy nếu không có tình thương của người cha thì hãy cố gắng dùng sự bao dung cao thượng của một người đàn ông trưởng thành đối xử với hai đứa trẻ thiếu cha từ bé để bảo ban các con vì các con tôi không hề hỗn láo hay chống đối, lỗi lớn nhất của các cháu là bừa bãi luộm thuộm trong sinh hoạt gia đình. Những lời tâm sự của tôi đều rơi vào thinh không, vô ích. Đơn cử như hôm qua khi anh ấy cầm đôi giày của con tôi ném ra sàn nhà chỉ vì cháu để sai vị trí mà anh ấy quy định trước mặt bố mẹ đẻ tôi trong bữa cơm khiến tôi chết lặng. Những hành động tương tự như vậy dù không chửi mắng, không to tiếng luôn khiến không khí gia đình tôi ngột ngạt vô cùng. Tôi xót xa cho hai con tôi đã một lần bị cha bỏ rơi đang thèm khát tình cha giờ lại bị cha dượng đối xử như vậy khiến chúng nó buồn và tổn thương nhưng không dám phàn nàn vì thương mẹ. Tôi không muốn sống với con người đó nữa nhưng lại thương đứa con mới sinh.
Tôi bất lực và bối rối quá. Tôi cần một lời khuyên. Cảm ơn chương trình nhiều.
Chào bạn.
Có lẽ lúc này bạn đang cảm thấy bất bình trước những thay đổi về hành động cũng như thái độ của người chồng mới với các con riêng của bạn. Những cảm xúc tiêu cực đang khiến bạn dần dần muốn buông bỏ cuộc sống hôn nhân thêm một lần nữa. Chương trình xin được thấu hiểu và chia sẻ cùng bạn nỗi niềm này.
Phải đến với cuộc sống hôn nhân tập 2 là điều không một ai mong muốn. Tuy nhiên, cuộc sống nhiều khi không cho con người ta cái quyền để lựa chọn. Khi sống trong một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, những người trong cuộc chẳng còn cách thức nào để có thể cứu vãn thì họ đành chấp nhận buông bỏ. Hôn nhân tan vỡ, người trong cuộc tìm đến một hạnh phúc mới là điều đương nhiên. Khi ly hôn, dù bố hoặc mẹ giành quyền nuôi con thì quyết định tái hôn họ không chỉ chọn chồng, chọn vợ cho bản thân mình mà còn chọn cha, chọn mẹ cho đứa con của mình – những đứa trẻ thiếu thốn tình phụ tử, tình mẫu tử. Khi đó họ có được người bạn đời cùng chia buồn chung vui đồng thời có được người chung tay chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng con cái. Bạn quyết định đến với người chồng thứ hai, chắc hẳn bạn đặt tình yêu thương, niềm tin vào anh ấy rất lớn. Chính vì thế, đừng buồn khi bản thân đã từng tin tưởng vào người chồng thứ 2 mà bạn lựa chọn. Tất cả cư xử của anh ấy ngày hôm nay đều không phải là mong muốn của bạn.
Trong thư bạn nói rằng, trước khi chưa kết hôn với bạn thì “anh ấy rất cởi mở, quan tâm tới các con và bạn”; nhưng sau khi về sống chung với nhau thì ở anh ấy có sự thay đổi. Tôi băn khoăn không biết trước khi đến với nhau thì bạn và chồng đã có bao nhiêu thời gian tìm hiểu nhau trước đó? Bạn có những hiểu biết như thế nào về tính cách, con người của anh ấy? Trước những sự thay đổi của anh ấy, bản thân bạn nghĩ rằng con người của anh ấy hiện tại mới là bản chất thật của anh ấy hay thời điểm này anh ấy đang có vấn đề gì trong công việc, trong cuộc sống nên có cách cư xử chưa phù hợp trong gia đình? Với bạn thì anh ấy lạnh nhạt, với con riêng của bạn thì anh ấy khắt khe; vậy với bé trai 4 tháng – là con chung giữ bạn và anh ấy thì anh ấy đối xử như thế nào? Bạn nói rằng bạn đã nhiều lần phân tích góp ý với anh ấy; nhưng đã bao giờ bạn lắng nghe hoặc cố gắng tìm hiểu xem anh ấy đang có vấn đề gì? Cách tâm sự, trao đổi của bạn đã thực sự khiến anh ấy thấy được bạn đang thực sự lắng nghe để hiểu, thông cảm, sẻ chia với anh ấy chưa; hay nó chỉ khiến anh ấy cảm thấy bạn luôn nghĩ anh ấy là một người cha dượng chưa tốt và anh ấy phải thay đổi để ứng xử tốt hơn với các con? Thực tế điều gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó, mà chỉ khi ta hiểu rõ về nó thì ta mới có thể tìm cách giải quyết phù hợp được. Có thể anh ấy hành xử như vậy là bởi anh ấy không yêu bạn, không thương các con; nhưng cũng có thể chính bản thân anh ấy đang có những áp lực về kinh tế, tài chính, về các mối quan hệ hay có điều gì chưa hài lòng trong cuộc sống gia đình mà anh ấy đang bế tắc, bất lực và không biết giải quyết như thế nào. Lúc này một cuộc trao đổi, một sự lắng nghe, thấu hiểu sẽ giúp hai bạn hiểu nhau nhiều hơn. Hoặc nếu giữa hai vợ chồng quá khó khăn để nói chuyện, tâm sự với nhau thì có thể nhờ bạn bè, người quen, những người có tiếng nói với chồng bạn để trao đổi, tác động thêm với anh ấy và là cầu nối cho hai vợ chồng bạn nhé.
Dù sao đây cũng là cuộc hôn nhân lần thứ 2 của bạn. Chính vì thế bạn nên suy nghĩ kỹ trong quyết định ly hôn của mình. Nếu còn có thể làm gì đó để hiểu và thông cảm với nhau nhiều hơn; để níu giữ gia đình thì bạn nên cố gắng để sau này không phải nuối tiếc điều gì. Trong trường hợp bạn đã cố gắng rất nhiều rồi nhưng bạn bất lực, sức chịu đụng của bạn cũng đã chạm ngưỡng rồi mà chồng bạn vẫn không lắng nghe, thay đổi, vẫn không quan tâm đến cảm xúc của vợ và các con thì khi đó mới nên suy nghĩ tới chuyện ly hôn. Hi vọng qua những gợi mở của chương trình bản thân bạn sẽ có quyết định đúng đắn nhất, đừng quá vội vàng để nuối tiếc về sau này bạn nhé.
Chúc những điều may mắn nhất sẽ đến với bạn!