Chồng tính toán chẳng khác gì... "giám đốc"
Chào CSTY! Trước tiên em gửi lời cảm ơn đến các anh/chị đã chấp nhận lời chia sẻ cùng em ạ! Em là giáo viên, đã lập có gia đình, chồng em là người đã ly hôn và có 2 đứa con riêng (bé gái 14 tuổi và bé trai 13 tuổi) con của em là bé trai 2 tuổi. Em và chồng vốn dĩ khác nhau về quan điểm sống và cách làm việc. Tụi em hay cãi nhau vì những chuyện sinh hoạt hằng ngày. Có rất nhiều mâu thuẫn, em xin liệt kê từng vấn đề ạ!
1. Công việc chính hằng ngày em đi dạy 2 buổi và thêm 1 buổi dạy kèm kiếm thêm thu nhập là 3 buổi/ngày, kể cả việc nhà và con cái em đều gánh vác hết, anh chỉ là người chơi với con khi rảnh rỗi và đưa rước đi nhà trẻ. Thế nhưng khi con ốm con đau anh lại chỉ dẫn em chăm sóc mà không cùng chăm với em, thuốc uống cho con ra sao phải thông qua ý của anh cho phép mới được uống. Em áp lực về vấn đề này, vì chính bản thân em chăm sóc theo dõi bé thì cần thiết lúc nào dùng thuốc và thuốc gì cho bé em là người nắm rõ, vậy mà anh không đồng ý có khi con sốt cao em sốt ruột đêm khuya sợ bé co giật rồi phải làm sao hoặc con bệnh nặng thêm sáng mai em phải đi dạy nhà không có ông/bà chăm sóc tiếp phải gửi bé đi nhà trẻ... thấy em pha thuốc cho con thì mắng em cứng đầu không nghe lời anh ta dạy (xưng mày - tao mỗi khi cãi).
2. Vấn đề tiền bạc trong gia đình anh không cho em can thiệp vào việc làm ăn của anh hoặc chi tiêu thế nào, nhưng tiền em làm ra thì phải rạch ròi và em phụ tiếp mỗi tháng 5triệu. Con cái em lo, sinh hoạt gia đình em lo và chi trả 1 khoảng nợ mỗi tháng 3,5tr. Với mức lương em mỗi tháng thu nhập hơn 10tr. Em cũng bức xúc vì sao lại phải như thế, vợ chồng cùng lo chung gia đinh con cái tại sao phải phân chia vậy ( lí do là vì anh sợ rằng ảnh hoặc em có tiền sẽ đem về lo cho ba mẹ em) anh khẳng định 1 câu với em rằng " trong gia đình này phải có trên có dưới, mày không được ngang hàng với tao. Phải nghe và làm theo ý của tao thì gia đinh mới yên ấm". Mỗi khi cãi nhau anh ta đều kể lể những việc đã lo cho em: quà cáp để biếu tặng người giúp cho em chuyển về trường điểm gần nhà để dạy (vì trước đó em dạy ở quê mẹ cách nhà chồng 40km), đổi xe cho em,... và thêm 1 số vấn đề mâu thuẫn với gia đinh em là lôi ra kể lể hết mỗi khi cãi lần nào cũng nhắc đến những việc trên.
3. Con riêng của anh 2 đứa, đứa con gái anh cưng chiều hết mực, bé mới lớp 8 trong hoàn cảnh em và anh còn vất vả lo nợ nần thì bé được cưng chiều như con nhà giàu có: có xe, có điện thoại, giày mang giày hiệu 1 đôi thấp nhất là 2tr và 1 đôi 4 triệu. Tiền cho bé xài hàng tuần là không giới hạn, mỗi lần đi chơi ăn uống cuối tuần với bạn là 200k, qui định cho em mỗi tháng phải cho bé 500k để bé mua sắm với bạn bè, quần áo mĩ phẩm bé tự đặt mua trên mạng đều là loại đắt tiền.... Trước mắt bé, anh không cho em than phiền hay nhắc gì đến hoàn cảnh gia đinh khó khăn vì sợ bé mặc cảm với bạn về hoàn cảnh của mình nên tiêu xài cũng không bằng bạn bằng bè. Còn bé trai thì anh ít quan tâm hơn, cứ để mặc bé chơi game suốt ngày sáng đêm. Bé mê game đến việc ăn uống cũng chỉ qua lo để dành thời gian chơi game, bé chơi ở máy bàn làm việc của em. Đồ ăn thức uống bé cũng mang lên ngồi ngay đó vừa ăn vừa chơi và bàn ghế đều hư hỏng hết.
Em thấy tình hình bé như vậy là không nên kéo dài, em nhắc nhở bé rất nhẹ nhàng và thoải mái nhưng bé vẫn không nghe mà còn chơi khuya hơn nữa, em nói với anh để anh khuyên bé thì anh cho rằng bé nghỉ hè nghỉ dịch nên thôi kệ nó để từ từ nói. Ngày nào 2 bé cũng thức chơi tới 4 giờ sáng cạnh bên phòng ngủ của em và ngủ lại đến 3-4 chiều giờ hôm sau mới thức (ba gọi thức). Giờ giấc riêng tư em không thoải mái đến cả việc sinh hoạt vợ chồng cũng không thường xuyên vì 2 bé đang tuổi dậy thì, em cũng ngại vì bé chơi cạnh bên vách phòng ngủ... nên mới tâm sự với anh để 2 bé ngủ sớm hơn và ngày hôm sau dậy sớm để chơi, chứ như vậy là hại sức khoẻ. Anh cũng "ừ" cho qua 2 bé vẫn không cải thiện được. Đến mức em đã ức chế quá em lên tiếng trước anh và bé trai về việc chơi phải qui định giờ giấc đi ngủ trước 12h, thì anh oán trách em tại sao lại như vậy "nó chơi máy hư tao đem sửa, đằng này chưa hư mà mày làm ầm ỉ. Nó chơi khuya từ từ tao nói lại nó". Máy làm việc em sợ hư vì mất hết dữ liệu quan trọng của em vì bé cài game vào đó bây giờ máy chạy rất chậm và khởi động cũng rất lâu mới chạy. Anh cho rằng em khó ăn khó ở gắt gỏng với 2 đứa con anh, cho rằng em để ý lặt vặt rồi kiếm chuyện cho gia đinh không êm ấm.
Em đã nghĩ đến việc sẽ ly hôn nhưng thật sự đáng thương cho con em vì nó rất giống và mến ba nó. Nhưng thật sự nghĩ đến hoàn cảnh gia đinh như thế này em không thể nào tiếp tục được vì em cảm nhận rằng mình quá áp lực từ phía người chồng của mình. Trong gia đinh chồng luôn đặt nặng việc vun đắp sự thiếu thốn cho bé mà không vun đắp cho vợ chồng. Tình cảm của em và con anh rất tốt 2 bé cũng ngoan với em chỉ có cách anh cư xử với con riêng và vợ sau không hợp lí nên việc dung hoà không khí gia đinh là rất khó. Việc nhà em vẫn 1 mình làm, 2 bé cũng đã lớn rồi nhưng em cũng không phân chia việc nhà cho tụi nó, cứ để nó thoải mái nhất khi ở cùng em và ba nó với đứa con của em là em vui rồi. Nhưng càng tạo cho thoải mái thì chính em là người bị áp lực và áp đảo lời lẽ khó nghe từ chồng. Chồng bao bọc con riêng hết mực không 1 lời nói to tiếng. Thích gì có đó, muốn gì cũng được... nhưng riêng em thì khó khăn gắt gỏng từ lời nói đến việc làm, sai là bị la chửi bất kể có phụ huynh hay học sinh đến nhà. Sau đó gọi điện thoại và nhắn tin cho chị ruột của em nói rằng em cứng đầu không nghe lời anh cãi vã đủ kiểu.... em thật sự rất buồn...!
Em muốn tâm sự với CSTY để thấy được hoàn cảnh của em, có phải em ích kỹ hay chồng quá gia trưởng với em hoặc là 1 khía cạnh nào từ em và chồng để em biết và tìmcách tháo gỡ? Hay là quyết định ly hôn của em là đúng em sẽ không phải hối hận về sau? Em chân thành cảm ơn và chúc sức khoẻ ban biên tậo CSTY ạ!
Chào em thân mến,
Đọc những dòng tâm sự gừi về chương trình, tôi cũng hình dung ra được phần nào cuộc sống hiện tại của em. Em đã rất can đảm để tiến tới với một người đàn ông đã từng đổ vỡ. Sau một thời gian chung sống, em nhận thấy hai vợ chồng có những khác biệt trong: việc nuôi dạy con cái cả con chung lẫn con riêng; về kinh tế; cách ứng xử của chồng với em cũng thiếu đi phần nào đó sự tôn trọng. Tôi hiểu được phần nào đó sự do dự của em.
Nuôi dạy và giáo dục con cái là trách nhiệm chung của hai vợ chồng và tôi nhận thấy chồng em cũng thể hiện được vai trò ở đây. Việc hai vợ chồng không thống nhất được trong những lúc con ốm con đau hay bảo ban con cái thì một trong hai người cũng nên dừng đúng lúc, vì đó là lúc mà ai cũng lo lắng cho con, còn những chuyện góp ý thì nên lựa lời sau đó sẽ tốt hơn. Nhưng tôi cũng thấy em khá may mắn khi chia sẻ về việc em và con riêng của chồng hòa thuận bởi nhiều người ở trong hoàn cảnh của em thường sợ nhất gặp phải cảnh “bánh đúc có xương”. Tôi mong rằng với trái tim của một người mẹ và kinh nghiệm của một nhà giáo, em sẽ hỗ trợ cũng như bù đắp cho sự thiệt thòi của các con, bằng cách tâm sự, gần gũi với các con nhiều hơn. Hãy thử phân công việc nhà và có “trả lương” cho các con để em vừa giảm tải bớt công việc mà chồng em cũng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi các con có trách nhiệm với gia đình. Còn bé trai ở trong độ tuổi “nổi loạn”, chẳng người cha người mẹ nào mà không suy nghĩ khi con chơi điện tử thâu đêm như vậy. Chẳng qua nhiều lúc cũng phải cố tình “nhắm mắt cho qua” vì sợ con cái lại bồng bột mà suy nghĩ dại dột. Em nên đồng hành cùng với chồng để cùng tìm ra giải pháp hỗ trợ con hoặc bảo ban con trong chừng mực nào đó, còn nhiệm vụ chính thì dành cho chồng em tự quyết định.
Về kinh tế, tôi nhận thấy chồng em cũng có một sự phân chia rõ ràng ngay từ đầu. Thực ra, chồng em cũng là một người có trách nhiệm với gia đình, với các con, cũng biết cách lo lắng, sắp xếp công việc cho em. Đã xác định về chung một nhà thì kinh tế làm ra cũng là để chăm sóc cho gia đình. Với những khoản chồng em quy định như vậy, cũng vẫn nằm trong khả năng của em, thì em cũng không nên băn khoăn quá. Anh cũng là một người sởi lởi, tâm lý với các con. Đấy là ưu điểm mà không phải người đàn ông nào cũng có được.
Người ta vẫn có câu “Cơm sôi bớt lửa, chồng nóng vợ bớt lời”, vợ chồng ứng xử với nhau làm sao để con cái nhìn vào học tập. Cũng không tránh khỏi những lúc em cảm thấy buồn vì nghe phải những lời không hay của chồng nhưng em nghĩ xem, nếu chúng ta cứ “lấy xăng để dập lửa” thì lửa sẽ càng cháy mạnh. Đợi lúc chồng bình tĩnh, thì những lời chia sẻ, phân tích của em sẽ có ý nghĩa hơn với anh. Trước mắt em cứ thoải mái tư tưởng trong việc nuôi dạy con cũng như chuyện kinh tế thì tôi tin rằng các em sẽ không xảy ra nhiều những mâu thuẫn trong cách ứng xử thường ngày, vì có lẽ mọi chuyện cũng xuất phát nhiều từ hai vấn đề trên đúng không em?
Em đã nhìn thấy cuộc sống của hai bé con riêng của chồng khi thiếu đi bàn tay chăm sóc của người mẹ, vì thế nếu như em nghĩ đến việc ly hôn thì em có hình dung cuộc sống của con em sau này sẽ ra sao không? Hãy nhìn lại cách chồng em quan tâm, chăm sóc, để ý tới các con và anh cũng là một người chăm chỉ làm việc để vun đắp cho gia đình. Biết tính của chồng em rồi thì cũng không quá khó để lựa và để tránh những lúc hai vợ chồng bất hòa. Khi cuộc sống của một người đàn ông đã từng có những tổn thương thì trong lòng họ vẫn còn những vết sẹo. Hãy trở thành một người phụ nữ bao dung và xóa đi vết sẹo ở trong lòng anh và tôi tin rằng em cũng không muốn tạo ra một vết sẹo tương tự ở trong trái tim mình.
Chúc em hạnh phúc!