Có nỗi đau mang tên: “vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng”.
Chào chương trình, mình là một quân nhân, mình kết hôn được 6 năm. Hiện tại cuộc sống của mình rất bế tắc, mình muốn nghe một vài lời góp ý từ chương trình.
Vợ chồng mình có 2 con trai, 5 tuổi và 2,5 tuổi. Mình là một quân nhân, lương gần 12 triệu, mình không thể có thời gian để kiếm thêm việc khác để tạo thu nhập. Gia đình mình có nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ mình làm bên ngoài, lương cao gấp đôi mình. Thời gian gần đây, cô ấy luôn nói mình không biết kiếm tiền, an phận, bắt cô ấy phải cày để kiếm tiền. Mình biết vậy nên công việc nhà sau giờ làm việc mình đều cố gắng làm để cô ấy nghỉ ngơi, mình đi chợ, nấu cơm, đón con, tắm rửa cho con ăn. Cô ấy về chỉ có tắm rửa, ăn cơm, sau đó rửa cái chén, vậy là xong.
Bây giờ cô ấy cứ suốt ngày nói 10 năm nữa sẽ không làm, chỉ hưởng thụ, nói mình phải lo kinh tế. Vợ chồng nói chuyện thì cô ấy nói mình không hiểu cô ấy, bắt cô ấy phải cày kiếm tiền, rồi nói không hợp nhau. Cô ấy cứ về nhà là không nói chuyện, cầm điện thoại, để mặc cho mình lo cho con. Mình thấy suy nghĩ vậy là không được, nhưng vì muốn gia đình êm ấm nên mình cũng không muốn nói nhưng mình nghĩ: “10 năm là một thời gian dài, không thể tính được đến đấy”. Mình là một quân nhân, việc trực buổi tối là điều bắt buộc, vậy nhưng cô ấy nói mình đi trực thì cô ấy không chăm con được, nói mệt và nói mình đừng trực. Mình có việc ở cơ quan, về trễ một tí là y rằng có chuyện, nói mình đi ngủ với gái, rất xúc phạm mình.
Thật sự mình cũng mệt mỏi với cuộc hôn nhân này, mình rất thương con, sợ chia tay con cái sẽ khổ nên lúc nào mình cũng phải là người nhẫn nhịn. Nhưng sức chịu đựng cũng có giới hạn, mình chỉ sợ mình không vượt qua được. Cô ấy thấy chồng người khác làm bên ngoài lương cao, nuôi được vợ con, vậy là nói xỏ nói xiên, nói mình không biết lo cho gia đình, vợ con. Cô ấy muốn mua cái gì không phải suy nghĩ, làm gì thì làm. Dẫu biết vợ chồng sẽ có những mâu thuẫn nhưng cứ tình trạng này kéo dài không biết mình có vượt qua được không? Mình xin một vài lời khuyên cho cuộc sống của mình.
Cảm ơn chương trình.
Chào bạn.
Phụ nữ hay kể cả đàn ông, dù giỏi giang đến đâu, kiếm tiền nhiều thế nào nhưng điều cốt lõi cần hướng tới vẫn là hạnh phúc gia đình. Nếu trong vợ chồng, có ai đó mang tư tưởng chỉ đạo hay thái độ coi thường, bất mãn với nửa kia thì cuộc hôn nhân cũng sớm đi vào ngõ cụt. Đó là thực tế của cuộc sống. Có lẽ gia đình bạn cũng trong hoàn cảnh như vậy, khi vợ bạn có thu nhập cao hơn bạn. Điều đó làm cô ấy không ít lần mang ra để chì chiết chồng, làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Hiện tại, sau khi chịu đựng quá nhiều, bạn cũng có những lần nghĩ tới ly hôn nhưng vì thương con cái nên bạn không đành lòng. Chúng tôi sẽ cùng chia sẻ với bạn để tìm thấy hướng đi trong cuộc hôn nhân này.
Trong đời sống hôn nhân không thể thiếu sự chung tay góp sức của tất cả các thành viên trong gia đình, nhưng những đóng góp ra sao lại phụ thuộc vào thu nhập, công việc của mỗi người. Miễn sao tất cả các khoản thu nhập đó là để góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm lo cho đời sống vợ chồng, con cái; chứ không phải là mang ra để so sánh xem ai sang, ai hèn. Đứng ở địa vị là người trụ cột trong gia đình có lẽ bạn cũng đã chịu nhiều sức ép về vấn đề công việc của mình rất nhiều. Việc bạn đã cố ngậm ngùi để chăm sóc con cái, mặc cho vợ thỏa thích mua sắm mà không trao đổi gì, thậm chí là để mặc cô ấy so sánh bạn với những người chồng của gia đình khác,… cũng ảnh hưởng đến tâm lý của vợ bạn. Chúng tôi biết bạn đã rất nỗ lực trong việc hàn gắn tình cảm gia đình và chịu đựng vợ. Tuy nhiên, sự chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó, nếu để quá lâu thì mâu thuẫn gia đình càng lớn, sức chịu đựng của bạn cũng sẽ giảm đi. Đến một lúc nào đó thì ngay cả chính bạn cũng chưa chắc muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa. Vậy nên để đi tiếp hay dừng lại cuộc hôn nhân này đã đến lúc cần sự rõ ràng. Rõ ràng để mọi người cùng biết thay đổi trước khi quá muộn.
Hiện tại, việc tranh luận ai đúng, ai sai trong hai vợ chồng bạn sẽ không giải quyết được điều gì mà còn khiến hôn nhân ngày càng căng thẳng hơn. Bạn nên sử dụng khoảng thời gian phù hợp để chia sẻ cho vợ hiểu những suy nghĩ, mong muốn, những gì bạn đang phải chịu đựng để cô ấy hiểu hơn những cảm xúc nơi bạn và vết rạn của cuộc hôn nhân này. Thêm vào đó, bạn cũng nên lắng nghe những chia sẻ từ phía vợ để biết cả hai vợ chồng có điểm gì chưa phù hợp. Hơn nữa, cả hai vợ chồng cần tự cho mình câu trả lời về điều cuối cùng mà hai cuộc hôn nhân này hướng đến: là vui vẻ, hạnh phúc, con cái lo đủ hay là chiến trường để so sánh kinh tế, quyền lực? Theo lẽ tự nhiên “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng vẫn có sự hoán đổi thiên chức ở không ít gia đình. Khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, họ phải đối mặt với những thách thức đến từ nhiều phía, trong đó có cả nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu chỉ mải mê “kiếm củi” mà quên “giữ lửa”. Đó là điều vợ chồng bạn nên chia sẻ cùng nhau trước khi quá muộn. Nếu như sau khi chia sẻ vợ bạn vẫn không thay đổi thì bạn có thể nhờ sự trợ giúp của gia đình bên ngoại. Có thể bố mẹ, anh chị em có thể là cầu nối để khuyên nhủ vợ bạn thay đổi phần nào hành vi, thái độ của cô ấy. Giữ gìn hạnh phúc gia đình là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người làm cha mẹ và điều đó cần có sự vào cuộc của cả hai vợ chồng chứ không phải là của riêng ai. Vậy nên một cuộc hôn nhân để duy trì được thì cần sự tôn trọng, thấu hiểu cho những khó khăn của nhau. Nếu như bạn muốn cố gắng vì con cái thì hãy kiên trì thêm một lần nữa. Trong trường hợp bạn đã cố gắng hết sức mà không thay đổi gì được từ phía vợ thì đành lòng phải chấm dứt hôn nhân. Dẫu biết đó là điều không ai mong muốn, nhưng nếu cứ tiếp tục thì chính bạn cũng tổn thương, vợ bạn cũng khó chịu, con cái cũng không được hạnh phúc. Hy vọng từ những chia sẻ của chương trình, bạn có hướng giải quyết tốt nhất cho cuộc hôn nhân của mình.
Chúc bạn mọi điều tốt đẹp và vợ chồng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.