Đã hai lần ly hôn nhưng...bất thành.
Em năm nay đã 34 tuổi và đã kết hôn 8 năm, có hai cháu 1 gái một trai. Chúng em đã quen nhau 5 năm mới đến hôn nhân. Mặc dù gia đình, họ hàng phản đối nhưng em vẫn quen và kết hôn vì anh ấy xấu trai, nghèo khó. Nhưng lúc đó em thấy anh ấy có chí cầu tiến, biết lo lắng cho em và chắc tại lần đầu tiên quen nên em không suy nghĩ chín chắn.
Sau 3 tháng kết hôn em có bé và đang công tác xa nhà nên xin chuyển công tác về gần mẹ em cho tiện việc trông bé, chồng em thì đang công tác gần nhà chồng, nhà em và chồng cách nhau khoảng 22km. Chúng em chỉ cuối tuần gặp nhau ở nhà mẹ ruột.
Do bé đầu lòng và có mẹ giúp đỡ nên mặc dù chồng rất ít lo cho con nhưng em không thấy buồn. Đến 5 tháng sau sinh em phát hiện mình có thai, tính bỏ nhưng thôi để sinh luôn. Chồng em có đặc điểm mà bây giờ em mới nhận ra đó là khi em có bầu anh ấy để em làm mọi chuyện, kể cả bưng bê đồ nặng, ai bảo sao không phụ vợ thì anh ấy bảo :"Như vậy mới sinh mau". Đôi khi em rất tủi và than thở " Chị A có bầu chồng cưng như trứng, xuống xe phải dìu..", anh ấy bảo " Làm như có mình bả biết mang bầu"...nhưng sau lúc đó em không nhận ra đây là một người đàn ông mình cần xem lại!!!
Bé thứ hai chào đời em được mẹ chăm sóc chu đáo, lo cho cả ba mẹ con khi em hết 4 tháng hậu sản. Anh ấy bảo có chồng thì theo chồng chả lẽ vợ chồng người một nơi gì hoài sao. Em bảo :"Hay anh chuyển công tác lên em ở " vì nhà em đơn chiếc cha mẹ chỉ sinh hai chị em em, đất cũng đủ cất nhà, còn nhà chồng thì đông lắm 10 đứa con, chồng em là đứa thứ 8 (út nam). Anh ấy không đồng ý bảo "Nhật thực chi thê như cá trê ăn...".( Thực lộc chi thê như cá trê ăn..) Và rồi em đã chấp thuận chuyển công tác thêm lần nữa về nhà chồng.
Chị ơi! thật kinh khủng đối với em, hai hoàn cảnh trái ngược nhau hoàn toàn, nhà em đơn chiếc bao nhiêu thì gia đình chồng đông đúc bấy nhiêu. Lúc đầu nhà có 4 phòng: 1phòng ba chồng, 1phòng mẹ chồng (vì ba mẹ không thích sống chung phòng), 1 phòng cho vợ chồng và 2 con người anh thứ 5, 1 phòng vợ chồng em và còn hai người anh chồng chưa có gia đình. Sau 1 năm về thì 2 vợ chồng cô út chuyển về ở nhà trước với 2 con. Hiện bây giờ nhà em có tới 3 hộ ở chung. Em mệt lắm đã 5 năm sống cảnh này, em ngày một dễ bực, dễ nóng nảy. Nhưng muốn ở riêng thì chồng không chịu bảo vài năm nữa anh chị, em cũng ra riêng; ảnh là út thì phải thờ cúng ông bà.
Cuộc sống ngày một chật vật, anh ngày một sống ỷ lại không biết tự bươn chải cuộc sống, không có tiền thì xin nhờ ba mẹ. Con cái thì khoán cho em nuôi dạy, anh bảo " Em dạy giỏi hơn anh", hai bé em thì lười ăn. Mỗi ngày đi làm việc nhà nước về phải chăm con, cho bé ăn hàng tiếng rồi đi học, em đi làm trong khi chồng về ăn xong kiểm võng ngũ một giấc, siêng thì tắm con phụ. Tối mệt về tiếp tục công việc chăm con, dọn dẹp nhà cửa. Anh thì có tính hay bày, làm đâu bỏ đó, giận em nói thì anh bảo:" Bà thấy thì dẹp đi, nói làm gì".
Chưa kể anh ấy thường xuyên say xỉn, em có nói thì anh ấy bảo" Bà có giỏi bà nhậu như tôi xem có mệt hay không, làm như tôi ham nhậu lắm vậy" Anh ấy đủ lý lẽ để biện minh và em thì dở cãi vã và em lại lù đù ôm tức không nói năng chi, mặt lúc nào cũng như ai mắc nợ. Cuộc sống vợ chồng bây giờ như địa ngục.
Em đã hai lần ly hôn nhưng bất thành. Xin chuyên gia hãy cho em lời khuyên, Em đang mệt lắm.
Chào bạn!
Qua chia sẻ của bạn chúng tôi hiểu rằng bạn đang thấy bức bối, mệt mỏi trong cuộc sống gia đình bởi chồng không có sự quan tâm san sẻ với bạn trong việc nhà, nuôi dạy con cái và sống ỷ lại vào gia đình. Chúng tôi chia sẻ cùng bạn nỗi niềm này!
Bạn có nghĩ rằng, một phần lí do khiến chồng bạn trở nên như vậy là do cuộc sống của bạn, từ việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, sinh hoạt gia đình đều được gia đình nhà ngoại bao bọc quá hay không? Chúng tôi không nói rằng bạn không được phép đón nhận những sự quan tâm đó thì bố mẹ đẻ nhưng cần ở một chừng mực nhất định để tránh việc chồng bạn coi đó là hiển nhiên, và khiến anh ấy vô tình quên đi trách nhiệm làm chồng làm cha của mình.
Người xưa vẫn có câu “thuyền theo lái, gái theo chồng”, tất nhiên, đối với phụ nữ đi lấy chồng ai cũng mong muốn được ở gần bố mẹ và có được cuộc sống tự do thoải mái. Chúng tôi hiểu những áp lực, mệt mỏi mà bạn phải chịu đựng khi sống ở gia đình chồng đông người, phức tạp. Bên cạnh đó chồng lại thiếu quan tâm chia sẻ, nhưng có lẽ việc bạn cố gắng khắc phục những khó khăn trong cuộc sống ở nhà chồng sẽ có ích hơn việc bạn căng thẳng, trách móc, khiến vợ chồng thêm mâu thuẫn, tình cảm rạn nứt hay không? Bạn nghĩ sao về việc sẽ nhẹ nhàng trao đổi với chồng về những vấn đề này. Bạn có thể chia sẻ để chồng hiểu được những áp lực, mệt mỏi mà bạn phải chịu đựng khi một mình quán xuyến gia đình, nuôi dạy con cái mà không có sự hỗ trợ của chồng và bày tỏ mong muốn anh ấy có thể chia sẻ với bạn, cùng bạn gánh vác gia đình.
Bạn có thể phân tích để chồng hiểu được việc anh ấy gần gũi, chăm sóc cho con sẽ tốt cho sự phát triển của con. Bạn cũng cần xem xét tới việc trao đổi thẳng thắn với chồng về cách sống ỷ lại của anh ấy, phân tích để chồng bạn hiểu được không ai khác chính chồng bạn phải là người có trách nhiệm với cuộc sống của mình, bày tỏ mong muốn của bạn với việc chồng cần chủ động và tự lập hơn trong cuộc sống, vừa để anh ấy sống có trách nhiệm hơn vừa làm gương cho các con.
Không có cách nào khác bạn cần trao đổi với chồng về việc anh ấy sẽ cùng bạn chia sẻ việc nhà và hi vọng chồng hỗ trợ bạn trong việc chăm sóc con cái bằng cách giao công việc cụ thể cho chồng, khích lệ động viên chồng cố gắng thay đổi, điều chỉnh thái độ và cách ứng xử tránh làm rạn nứt tình cảm vợ chồng.
Đồng thời, bạn có thể nhờ tới sự hỗ trợ của gia đình chồng, những người có tiếng nói với chồng để động viên anh ấy điều chỉnh tác phong , cách cư xử của bản thân để chồng có thể ý thức, nhìn nhận lại hành đồng của mình và dần có sự thay đổi phù hợp.
Cuộc hôn nhân bế tắc khiến bạn đã có hai lần có ý định ly hôn tuy nhiên vì thương con, vì tình cha con quá lớn khiến bạn không nỡ cũng chẳng đành. Tuy nhiên cuộc sống rất khó hoàn hảo mọi bề. Nếu như bạn đã cố gắng nỗ lực hết sức mà chồng không thay đổi vậy khả năng chấp nhận của bạn đến đâu? Bạn có sẵn sàng "sống chung với lũ" tiếp tục chịu đựng vì con không? Ly hôn không phải là cách để trốn tránh mâu thuẫn, nhưng nếu đã cố gắng mà không có kết quả thì đôi khi lại là cách để giải thoát cho cả hai người.
Bản thân chồng là người cha thương yêu con nhưng ly hôn không có nghĩa anh ấy sẽ chấm dứt mọi tình cảm, liên lạc cha con, anh ấy vẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chỉ có điều sẽ khó khăn hơn, vất vả hơn khi không thể thường trực bên con. Nếu ly hôn có thể bạn sẽ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần để bù đắp cho con sự thiếu thốn tình cảm và chấp nhận đối diện với mọi khó khăn khi phải làm mẹ đơn thân nhưng đổi lại bạn sẽ tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không phải gồng mình để có thể nhờ tới sự giúp đỡ của nhà ngoại và hơn hết bạn sẽ có cơ hội tìm được cho mình một nửa thực sự xứng đáng trong tương lai.
Chúng tôi chỉ có thể phân tích và cùng bạn nhìn lại cuộc hôn nhân để xem xét nỗ lực từ phía bạn cũng như khả năng chấp nhận của bạn, còn quyết định thuộc về bạn. Mong rằng bạn sáng suốt và mạnh mẽ đưa ra lựa chọn cho riêng mình.
Chúc bạn mọi điều suôn sẻ!