Điên tiết vì chồng chỉ vun vén tiền bạc cho nhà nội
Vừa tối hôm trước em chồng tôi hớt hải sang nhờ vợ chồng tôi giúp đỡ cô trả khoản nợ 900 triệu vay ngân hàng vì đã đến ngày đáo hạn. Vợ chồng tôi còn chưa thống nhất được thì hôm sau mẹ chồng tôi đến nhờ vợ chồng tôi giúp. Chồng tôi vốn thương em hết mực nên hứa sẽ giúp. Còn tôi, không phải tôi nhỏ nhen gì nhưng đây không phải là lần đầu tiên vợ chồng tôi phải giúp em cô. Mà cô em thì đâu có chí thú làm ăn, hết ghi số đề, chơi hụi, rồi buôn bán… làm chẳng tới nơi tới chốn nên tôi không muốn cho vay. Vì chuyện này mà vợ chồng tôi cãi nhau một trận kịch liệt, anh còn giận dữ bỏ đi.
Vợ chồng tôi cãi nhau một trận kịch liệt. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Chồng tôi là con trưởng và là người có trách nhiệm với gia đình. Vợ chồng tôi buôn bán vật liệu xây dựng nên không giàu có nhưng cũng có chút vốn. Chính vì thế mà các em chồng tôi có phần dựa dẫm, ỉ lại vào anh. Thằng em út chơi bời lêu lổng, đang học trung cấp nghề thì bỏ dở, giờ suốt ngày bài bạc, 25 tuổi mà chưa nên cơm cháo gì. Thỉnh thoảng chồng tôi còn phải đi trả nợ hộ chú em. Còn em cô thì là người sành sỏi, thích làm giàu nhanh nên chuyển hết nghề này sang nghề khác. Từ mở hiệu cầm đồ, chơi hụi, buôn gỗ… bao nhiêu nghề nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Nghề nào cũng được một thời gian rồi đổ bể. Đợt cô em tôi mở hiệu cầm đồ, làm ăn chẳng hiểu sao thua lỗ, vợ chồng tôi phải giúp hơn 100 triệu cách đây 3 năm, tới giờ vẫn chưa trả. Giờ thì buôn gỗ nghe nói không gặp may nên thua lỗ nhiều. Vậy mà hôm nay lại sang muốn mượn tới 900 triệu.
Nhưng điều tôi bức xúc nhất là anh nhất bên trọng, nhất bên khinh. Gia đình anh thì anh chu đáo, giúp đỡ hết lòng, còn nhà vợ có việc gì thì anh không muốn giúp, luôn tìm cách thoái thác. Tuy vợ chồng cùng buôn bán nhưng tiền nong anh giữ hết. Đợt bố mẹ tôi sửa nhà, tôi có bảo anh giúp nhưng anh bảo: “Đợt này nhà mình vừa nhập 200 tấn xi măng nên cũng không còn nhiều”. Anh chỉ đưa cho tôi 3 triệu để giúp bố mẹ làm nhà. Vậy mà tháng sau, em trai thứ 2 của anh làm nhà, anh đã giấu tôi đưa cho em anh gần 40 triệu. Tôi biết điều này nhưng không nói gì để cho gia đình yên ấm.
Với các em anh, anh thương em hết lòng, không ai phải chê gì. Em anh mà cần tiền, cần vốn là anh sẵn sàng giúp. Còn nhà tôi mà có việc gì thì anh luôn tìm cớ để né tránh như kiểu sợ vay rồi không trả. Anh ăn ở không công bằng, anh hành xử như vậy khiến tôi rất buồn.
Thế nhưng việc cô em chồng tôi lần này lại sang vay tiền khiến tôi hết chịu nổi. Mà vợ chồng tôi đâu có sẵn tiền mặt, nếu có cho cô vay thì phải thế chấp mảnh đất vợ chồng tôi gom góp hơn 10 năm mới mua được. Không phải tôi chắc lép gì nhưng với tính ham ăn lười làm, không chí thú làm ăn như vợ chồng cô em tôi thì biết bao giờ cho trả được? Bao nhiêu năm làm ăn mới mua được mảnh đất định sau cho 2 thằng con trai mỗi đứa 1 cái nhà cho ổn định thì cô em lại muốn đi thế chấp ngân hàng. Mà khả năng cô em chồng không trả được là rất lớn. Sổ đỏ nhà cô em vẫn thế chấp chưa trả được, giờ lại thêm mảnh đất nhà tôi nữa, đến đời kiếp nào mới trả được đây? Tôi kiên quyết phản đối việc cho cô em mượn sổ đỏ miếng đất. Nhưng chồng tôi thì nhất quyết cho cô em vay, chồng tôi nói như đinh đóng cột: “Nhà này tôi là chủ hay cô là chủ? Có đứa em gái nó gặp khó khăn mà anh chị không giúp thì ai giúp nó? Đến anh chị không giúp thì người ngoài giúp nó chắc? Cô ích kỷ vừa thôi, cái gì cũng biết nghĩ cho bản thân mình”. Sự chịu đựng của tôi cũng đến giới hạn, tôi liền đáp trả: “Không phải em ích kỷ nhưng em gái anh bao năm làm ăn vẫn thua lỗ, làm thì ít, chơi thì nhiều. Nợ hơn 100 triệu vẫn chưa trả, giờ lại thêm mảnh đất này nữa, cho cô ấy vay thì ngang đánh bạc. Em anh cần tiền thì anh sẵn sàng thế, sao nhà em có việc gì anh cũng thoái thác là sao? Anh thử xem anh ăn ở như thế có được không”.
Vợ chồng tôi to tiếng vì chuyện cô em vay tiền. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Tôi vừa dứt lời thì anh cho tôi cái bạt tai, anh gầm lên: “Cô ích kỷ vừa thôi. Cô nghĩ mấy đồng của cô nó to lắm à? Tôi cho cả nhà cả đất, ngồi nhà mà giữ”. Nói rồi anh bỏ đi.
Tôi thấy trong chuyện này tôi không hề có lỗi. Tôi giữ tài sản cho con tôi thì có gì sai? Cho cô em mượn sổ đỏ thì ngang đánh bạc mà biết chắc phần thua. Mồ hôi nước mắt bao năm của hai vợ chồng mới mua được mảnh đất cho con mà có nguy cơ mất không thì thử hỏi ai chịu nội? Còn chồng tôi thì cứ khăng khăng như vậy, tôi biết phải làm sao? Thực sự tôi cảm thấy mệt mỏi với người chồng gia trưởng, chỉ biết đến nhà mình như vậy. Tình thế như tôi phải làm sao để thay đổi khi chồng là người nắm giữ kinh tế trong gia đình?