“Gần như bị stress tự kỷ” vì cả gia đình nhà chồng... liệu có thể tiếp tục?
Liệu có thể tiếp tục?
Vợ chồng tôi lấy nhau được 8 năm, đã có 2 con 1 gái 1 trai, vợ chồng luôn cãi vã xích mích, đã rất nhiều lần 2 vợ chồng nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng thật tâm trong tôi vẫn chỉ muốn anh thay đổi để 2 con đỡ khổ. Nói về tính cách chồng là 1 người ham chơi, nhậu nhẹt, tiếp sau các cuộc nhậu là đi hát đi kara.... Nhiều khi trưa anh nhậu là chiều anh không đi làm, tối về sớm thì cũng 8-9h không là đi luôn đến 11 - 12h mới về. Đỉnh điểm nhất là dạo này có lần anh say quá ngủ luôn nhà bạn sáng hôm sau mới về. Và tất nhiên nếu về được đến nhà thì luôn trong tình trạng say khướt, hoặc là lỡ cỡ thì dù 1 điều nhỏ nhặt chướng tai gai mắt với anh thì sẽ là đập đồ hay đại khái sẽ chửi vợ la mắng con.
Tôi đã nhiều lần khuyên anh nên thay đổi nhưng mọi lời hứa chỉ được đôi ba bữa rồi cũng chứng nào tật đấy. Tôi chán nản và gần như bị stress tự kỷ. Gần đây, vì anh đi nhậu liên tục, tối hôm đó 9h tôi chưa thấy anh về, vừa về tôi nói 1 câu ly hôn đi và anh làm ầm lên tôi mới điện thoại mẹ chồng về, mẹ chồng về tới nhà không những không khuyên ngăn chồng còn chửi tôi không ra gì và bênh chồng, chửi tôi đã đành còn lôi chuyện chị gái tôi và gia đình nhà chồng vô chửi. Tôi tức quá nên cãi lại thì bà đòi đánh tôi, tôi cứ đứng gào lên má có đánh được thì má đánh, lúc đó chồng tôi sợ tôi ly hôn nên đã chạy tới can má chồng.
Tiếp sau là xin lỗi tôi năn nỉ tôi đừng đi, tôi ráng nhịn vì con nên tiếp tục chung sống, nhưng càng ngày tôi càng nhận ra sự nhỏ nhen trong con người anh. Sau lần đó, anh không những không thay đổi mà càng ngày càng chấp nhặt với tôi từng li từng tí 1, vợ chồng luôn sống trong tình trạng cãi vã. Khoảng 1 thời gian sau, 2 con em chồng tôi nhắn tin chửi tôi không ra sao, anh biết được không nói 1 câu, còn tôi nhắn tin chửi lại thì anh lại quay qua chửi rủa tôi (2 em chồng tôi dù là em nhưng tụi nó đều lớn tuổi hơn tôi 1 đứa lớn hơn 1 tuổi đứa lớn hơn 5 - 6 tuổi). Chán nản tột cùng vì trong những trường hợp như vậy tôi luôn phải chống chọi 1 mình và luôn cảm thấy mình chưa bao giờ được bảo vệ.Tiếp sau là những ánh mắt coi thường của 2 đứa em và vợ chồng 30 ngày thì cãi nhau hết 29 ngày, đã stress nay còn stress hơn.
Gần đây hơn là ngày 20/10, cơ quan anh có tổ chức cho chị bạn phụ nữ vào ngày 19, mấy chị trong cơ quan có mời tôi đi, cơ quan tôi 5h mới tan làm, anh có điện thoại hối tôi thì tôi nói anh đi trước tí tôi lên sau, nhưng hỡi ôi tôi tạt về nhà thăm con 1 chút rồi tính chạy lên thì con nhếch nhác chưa tăm rửa, nhà cửa thì từ trên xuống dưới như 1 cái bãi rác, tôi tụt cảm xúc và.... tắt máy ở nhà lo cho con. Ngày hôm sau anh nhắn tin chúc tôi bằng 1 hình ảnh không 1 lời. Tôi không nói gì, đến trưa anh đi đám cưới và rồi lại tiếp tục tăng 2 cho đến khi tôi điện thoại quá anh mới về. Chiều hôm đó là thứ 7 cơ quan anh được nghỉ còn tôi vẫn làm bình thường, tôi thả con cho anh ấy coi và đi làm; thứ 7 tôi được về sớm nên tranh thủ về dọn dẹp nhà, anh cầm cây chổi lau nhà, vừa lau vừa chửi: "tao biết ngay mà, tao không giàu, không có quà, không tâm lý bằng những anh trong cơ quan" mà thực sự cơ quan tôi cũng chẳng có ai tặng gì cho tôi cả.
Tôi như bị tạt 1 gáo nước lạnh, cảm thấy tổn thương tột cùng bật khóc nức nở, trong đầu tôi nghĩ anh đã không nhắn tin 1 câu tử tế chúc vợ thì thôi, đã không có quà thì thôi đừng có nói ra những lời khiến tôi nhưng bị anh dìm xuống vực thẳm như vậy. Vợ chồng tôi luôn sống trong cảnh như vậy. Tôi buồn thật sự và không biết làm sao, luôn căng thẳng suy nghĩ.
Cho tôi lời khuyên nên làm gì được không?
Bạn thân mến!
Cuộc sống hôn nhân không thể nào tránh khỏi lúc vợ chồng mâu thuẫn, mối quan hệ gia đình có những hiểu lầm được, quan trọng hơn hết là cần xác định khi chung sống với nhau, hạnh phúc gia đình vẫn luôn là trên hết. Nhưng từ những việc bạn chia sẻ, tôi hiểu được rằng bạn đang cảm thấy thực sự bức bách, khó chịu trong mối quan hệ xung quanh cuộc hôn nhân của mình, điều đó xuất phát từ nhiều khía cạnh trong cuộc sống như: mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng, chị em bên gia đình chồng; những vất vả từ con cái, công việc. Tôi chia sẻ với bạn về vấn đề này.
Việc chồng bạn thường xuyên đi nhậu nhẹt, rượu bia muộn và ít chăm lo cho con cái, hay đập đồ hay la mắng con cái, đó là một biểu hiển của tính bạo lực. Việc anh ấy như vậy làm hai bạn thường xảy ra cãi nhau, đó là một biểu hiển của sự vô tâm từ một người chồng, người cha. Tuy nhiên, khi cả hai vợ chồng trao đổi thì anh ấy chỉ thay đổi một chút rồi lại đâu vào đấy. Lúc đó, bạn cần sự vào cuộc của mẹ chồng nhưng mẹ chồng lại đứng về phía chồng bạn, điều đó có thể khiến bạn không thoải mái nhưng thực tế đó là điều hầu hết các bà mẹ vẫn thường làm bởi bà mẹ nào cũng thương con bạn ạ.
Cuộc sống hôn nhân có quá nhiều mâu thuẫn khiến bạn cảm thấy mình “gần như bị stress tự kỷ”. Thực ra, cụm từ "tress tự kỷ" bạn dùng ở đây không đúng, bởi vì tự kỷ là một căn bệnh bẩm sinh liên quan đến hệ thần kinh; còn trong hoàn cảnh của bạn thì có thể những lo lắng khiến bạn rơi vào trầm cảm hay rối loạn nào đó về tâm lý. Hiện tại bạn đang băn khoăn có nên tiếp tục mối quan hệ này hay ly hôn thì bạn hãy ngồi lại nói chuyện với chồng một cách nghiêm túc về vấn đề đang gặp phải trong cuộc hôn nhân này. Thêm vào đó bạn chia sẻ với ânh ấy những lo lắng, những suy nghĩ và mong muốn của bạn, cũng như giới hạn chịu đựng của bạn đến đâu. Việc cả hai cho nhau thời gian thay đổi để níu giữ hạnh phúc, gia đình cho con cái ra sao. Nếu khi không thay đổi được gì trong cuộc hôn nhân của mình thì bạn sẽ quyết định chấm dứt như thế nào?
Về phần bạn, bạn cũng nên nhìn nhận lỗi lầm của mình. Nếu bạn cảm thấy trong cách hành xử của mình có chỗ nào chưa thật sự đúng thì bạn có thể cân nhắc việc chân thành và nghiêm túc nhận lỗi, đồng thời bản thân bạn cũng cần phải thay đổi. Khi vợ chồng cãi nhau, xảy ra xô xát, đôi khi nguyên nhân xuất phát không chỉ đơn thuần đến từ một phía nào đó mà đều do cả hai. Qua chia sẻ, chương trình cảm nhận rằng cả bạn và chồng dường như đều nóng tính, do vậy, khi cả hai đang cảm thấy không hài lòng hay không giữ được bình tĩnh sẽ làm mối quan hệ càng ngày càng căng thẳng, mỗi người cần phải kiềm chế lại để nó không bùng phát. Bởi những lúc nhạy cảm như vậy, chỉ cần một lời nói, một cử chỉ rất nhỏ cũng có thể khiến người còn lại tức giận mà không kiểm soát được hành vi của mình. Đồng thời, khi cả hai đang không bình tĩnh sẽ rất dễ có lời nói, hành động làm tổn thương nhau dù có thể không ai muốn điều đó xảy ra.
Do vậy, để hạn chế những sự việc mâu thuẫn gia đình xảy ra, có lẽ bạn cần cân nhắc việc chủ động ngỏ lời với chồng để hai vợ chồng có một cuộc nói chuyện cởi mở về những chuyện đã xảy ra trong suốt thời gian vừa rồi nếu như hai người vẫn còn trân trọng tổ ấm của mình. Cùng nhìn nhận về những lỗi lầm, hạn chế của nhau và cùng nhau cam kết thay đổi, đồng thời có thể có những sự thỏa thuận nhất định, ví dụ như lúc hai bạn cùng nóng giận thì im lặng và tránh mặt nhau, sau khi cả hai đã bình tĩnh rồi mới trở lại nói chuyện, như vậy mâu thuẫn vợ chồng sẽ ít xảy ra nữa. Khi bạn có thể nói ra được những tâm tư, tình cảm, những trăn trở của bản thân thì bạn sẽ bớt đi được những suy nghĩ tiêu cực và những căng thẳng sẽ dần mất đi. Còn nếu bạn cứ một mình quanh quẩn với những lo lắng và càng ngày càng dễ nóng giận thì việc mất kiểm soát bản thân sẽ xảy ra, khi mọi mâu thuẫn vẫn không thể giải quyết và bạn thì luôn cảm thấy mệt mỏi và dễ dẫn đến những rối loạn hay bệnh về tâm lý.
Hy vọng với những chia sẻ của chương trình có thể giúp bạn và chồng có cách cư xử phù hợp hơn để giữ gìn hạnh phúc của mình!
Chúc bạn mọi điều tốt đẹp!