Hy sinh sự nghiệp, tiền bạc cho hôn nhân để rồi nhận lại được sự vô tâm, ích kỷ...
Xin chào chương trình. Em là Hxx, 28 tuổi, hiện em đang sống tại Ninh Bình. Em đang rất bế tắc, nhiều lúc không kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống gia đình; Mong chuyên gia và chương trình tư vấn giúp em làm sao để thoát khỏi bế tắc, và sống vui vẻ hơn. Em xin kể qua một chút về hoàn cảnh của em như sau:
Em đã kết hôn được 3 năm, đã hai lần sinh con nhưng lần đầu bị lưu thai ngay trước khi chào đời, và lần sau sinh được một bé trai hiện được 10 tháng tuổi. Em ở nhà từ khi mang bầu lần 2 đến bây giờ. Ngày trước khi chưa lấy chồng, em làm ở Hà Nội, lương khá và có tích lũy được tiền tiết kiệm. Em yêu và lấy chồng em là người đầu tiên (em là một người khá nhút nhát, sống thiên về tình cảm, hơi ương bướng, nhưng lại yếu đuối trong tình cảm).
Chồng em khi lấy em trong tay không có gì. Ngay cả khi cưới em cũng bỏ ra 2/3 số tiền để chồng em chuẩn bị bên nhà trai. Khi lấy nhau xong, bố mẹ chồng em bắt em bỏ việc về quê làm gần chồng, và tiện bề quán xuyến nhà cửa. Ông bà cũng nghèo, lại chỉ có mình chồng em là con trai nên không muốn chồng em đi làm ăn xa. Em nghĩ thôi thì phận gái theo chồng, nên em cũng chuyển về quê và dùng tiền tiết kiệm của mình giúp chồng mở một cửa hàng nhỏ và em cũng xin việc phổ thông để làm.
Vợ chồng em ở chung với bố mẹ chồng, và từ đây nảy sinh ra rất nhiều mâu thuẫn trong cách sinh hoạt cũng như quan điểm sống. Bố mẹ chồng em lại là người rất khó tính, chi li; đặc biệt là bố chồng em. Ông là một người rất gia trưởng, độc đoán, ích kỉ và có suy nghĩ cũng rất tiêu cực và ông là người có thể gây ảnh hưởng đến người khác trong nhà, ông quản từ chuyện nhỏ nhặt nhất đến chuyện lớn (từ chuyện ăn gì, nấu như nào, làm ra sao tất cả đều phải nghe theo ông, nếu không nghe ông có thể quát, khó chịu).
Ông từng nói thẳng với em rằng, em không có điểm gì làm ông ưng mắt, ông là bố nên ông có quyền xúc phạm em, làm tổn thương em. Rồi khi chồng em mở cửa hàng, ông còn nói kiểu khó nghe rằng sẽ không làm được, cóc chết 3 năm quay đầu về núi thôi, rồi khi về già chúng mày sẽ nhục với 2 anh chị hàng xóm làm công nhân bốc vác xi măng vì anh chị đi làm công ty có bảo hiểm khi về hưu.
Em rất khó chịu khi nghe lời lẽ của ông. Khi em sinh bé lần 2 xong thì cuộc sống càng thêm ngột ngạt. Chồng em làm ăn khó khăn, lại không chia sẻ với vợ về công việc, em có quan tâm hỏi han thì gạt đi nói em biết gì mà nói. Rồi ngày càng tỏ ra lạnh nhạt, coi vợ như không, dẫn đến tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách. Em vẫn có tiền sinh hoạt chứ chưa đến mức phải xin tiền chồng. Còn phần về bố mẹ chồng thì càng ngày càng khó chịu.
Ông bà muốn em phải chăm con theo cách của ông bà, ông bà cứ vin vào lí do tao nuôi 5 đứa con chả làm sao, chả bao giờ phải đi viện, ốm đau như mày nuôi con mày. Rồi mỗi lần con ốm đau lại đổ hết tội lỗi lên đầu mẹ, tại mẹ không biết chăm, tại mẹ nó ngu dốt hơi tí là dở khoa với chả học. Khổ nỗi con em sinh non, thiếu tháng, sức đề kháng kém, nên em cố gắng chăm chút cho con tốt nhất, vậy mà mọi người trong nhà lại tỏ ra khó chịu, nói em kĩ quá hóa bệnh tật.
Hàng tháng, em vẫn đưa tiền cho mẹ chồng đi chợ mua đồ ăn và em sẽ mua thêm những thiết yếu phẩm đồ dùng trong nhà. Thật sự ở trong nhà em không có tiếng nói gì. Em nói gì cũng bị gạt đi hoặc bị phản bác lại bởi bố chồng em. Nên lâu dần em cũng chả muốn nói. Bố chồng em nói với chồng em rằng, em là một người ngu dốt, nhưng lại gớm mặt, không cởi mở với mọi người. Bố mẹ em làm gì cũng chẳng bàn hay nói với em, ví dụ như việc xây thêm phòng, hay việc làm tủ bếp, nhưng vẫn muốn vợ chồng em đóng góp.
Chồng em lúc mới cưới cũng tỏ ra là người chồng biết bênh vợ, hiểu vợ, nhưng dạo gần đây khi nói chuyện với nhau em cảm tưởng như anh sẵn sàng cãi nhau. Ví dụ như việc em nấu cơm chưa kịp rửa xong nồi (vì em vừa trông con vừa nấu), đến khi ăn xong rửa bát thấy vậy chồng em nói làm cái đéo gì cũng bừa bãi, lộn xộn, ăn lông ở lỗ. Nói chuyện với vợ toàn đéo lắc, đù đèo, em nhiều lúc cũng bực nói lại nhưng em lai ăn nói không được sắc sảo nên toàn bị lép vế.
Chắc cũng bởi vì em ăn nói kém, không nói rõ được quan điểm của mình nên bị mọi người ăn hiếp, coi thường. Em cũng chưa bao giờ đôi co, cãi cọ với bố mẹ chồng, em cũng chưa bao giờ có ý hỗn hào với họ, em thật lòng muốn sống tốt với họ nhưng họ lại sống quá vô tâm, và ích kỉ. Em lấy chồng xa, lạ nước lạ cái, thiệt thòi, một thân một mình, đến chồng cũng không hiểu, không thông cảm. Em nhiều lúc chỉ muốn li hôn cho xong. Cũng đã có lần cãi nhau, em nói với chồng em như vậy, chồng em nói ly hôn hay ly thân thì để con lại, em muốn đi đâu thì đi.
Em bây giờ rất chán nản. Cứ nghĩ đến thái độ họ đối xử với mình em lại nghĩ muốn ly hôn. Em phải làm sao đây? Hãy giúp em với!
Chào em!
Cuộc đời của một người phụ nữ, suy cho cùng cũng chỉ mong muốn lấy được một người chồng tốt, chung thủy, biết quan tâm, chăm sóc, lắng cho vợ con; tốt hơn nữa thì được gia đình chồng yêu thương, tôn trọng. Thế nhưng trong hoàn cảnh của em thì dù đã cố gắng rất nhiều nhưng những gì nhận lại vẫn chỉ là đắng cay, tủi hờn, bế tắc khi bố mẹ chồng thì quá khắt khe, kỹ tính; còn tình cảm vợ chồng cũng đang này càng trở nên xa cách. Mặc dù nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng hôn nhân đã gây dựng lên rồi, giờ nhìn nó đổ vỡ cũng đâu đành lòng đúng không em?
Theo như em chia sẻ thì từ ngày kết hôn với chồng, em đã hy sinh rất nhiều: từ bỏ công việc lương cao ở Hà Nội để về quê chồng sống vì bố mẹ chồng chỉ có mình anh ấy là con trai; dùng tiền tiết kiệm để xây dựng cho anh ấy một cửa hàng; cố gắng rất nhiều, từ cách cư xử, đối đãi với bố mẹ chồng; cho đến việc chia sẻ cùng chồng; cũng như chăm sóc con cái. Thế nhưng, càng ngày cuộc sống càng trở nên quá khó khăn với những áp lực từ phía gia đình chồng, và sự vô tâm từ phía chồng. Bây giờ em đã thấy mệt mỏi, chán nản, muốn buông xuôi nhưng lại không đành lòng.
Em ạ! Khi nhiều chuyện xảy đến với mình cùng một lúc, khi có nhiều mối quan hệ cần phải quan tâm giải quyết là lúc con người ta dễ hoang mang, rối bời nhất, vì chẳng biết nên giải quyết chuyện nào trước, chuyện nào sau. Lúc này, em đừng ôm đồm, bắt mình phải giải quyết được tất cả mọi thứ; hãy cho mình thời gian tìm ra một mối quan hệ quan trọng nhất, cần phải giải quyết sớm nhất. Chẳng hạn như một số người cho rằng, người phụ nữ khi lấy chồng rồi thì quan trọng nhất là người chồng đầu ấp tay gối với mình, sướng hay khổ cũng đều do tình cảm và cách ứng xử của chồng. Chính vì vậy, em có thể tìm mọi cách để hiểu chồng, để cải thiện mối quan hệ của hai vợ chồng trước. Sau đó, khi hai vợ chồng vui vẻ, hòa hợp rồi thì mình có thể cùng chồng bạn bạc và tìm cách nói chuyện, ứng xử với bố mẹ chồng.
Trong thư em có nói rằng khoảng thời gian đầu mới cưới thì chồng em “cũng tỏ ra là người chồng biết bênh vợ, hiểu vợ, nhưng dạo gần đây khi nói chuyện với nhau em cảm tưởng như anh sẵn sàng cãi nhau”; rồi khi “nói chuyện với vợ toàn đéo lắc, đù đèo”… Theo em, điều gì khiến anh ấy thay đổi như vậy, là do anh ấy đang gặp khó khăn trong công việc, do chịu ảnh hưởng từ bố mẹ; hay anh ấy không hài lòng về em điều gì đó? Em có thể tìm một cơ hội nào đó trò chuyện, trao đổi cùng chồng thật nghiêm túc để tìm hiểu nguyên nhân và có cách ứng xử phù hợp. Đồng thời cũng là để chồng có cơ hội quay đầu nhìn lại cuộc sống của hai vợ chồng trong khoảng thời gian vừa qua liệu có hạnh phúc hay không, có phải là một gia đình mà anh ấy mong muốn hay không; nếu không thì cần phải thay đổi điều gì. Tuy nhiên, trong khi nói chuyện em phải chú ý tôn trọng, lắng nghe nhau; tránh sự đổ lỗi hay chỉ khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình em nhé. Vì những điều đó chỉ khiến cho cả hai căng thẳng thêm mà không giải quyết được vấn đề gì.
Thực tế, mâu thuẫn giữa con dâu với gia đình nhà chồng là câu chuyện muôn thuở từ trước đến nay. Khi lấy chồng, không nhiều người may mắn giữ được mối quan hệ này hòa thuận. Thế nên, em cũng đừng kỳ vọng quá nhiều về việc bố mẹ chồng có thể đối xử tốt với em như bố mẹ đẻ, bởi vì điều đó sẽ chỉ làm em thất vọng, đau khổ hơn mà thôi. Thay vào đó, nếu em có thể chấp nhận, chịu đựng, hay có cách nào đó có thể hòa hợp với gia đình nhà chồng thì hãy cố; còn nếu cảm thấy cuộc sống chung quá áp lực, mệt mỏi thì em có thể trao đổi về việc ra ở riêng với chồng. Nhiều người vẫn khuyên rằng, việc ở gần nhưng không ở chung thì sẽ có thể giảm bớt được những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình; mà con cái vẫn có thể chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ được. Hai vợ chồng em có thể cân nhắc về điều này.
Mỗi người sẽ có một giới hạn chịu đựng nhất định, dù có yêu, có thương như thế nào đi chăng nữa mà hai vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc thì rất khó để ta có thể giữ gìn được mái ấm gia đình đó. Thế nên, khi em cố gắng rồi mà đến cả chồng em cũng không thay đổi, không yêu thương em thì em cũng có thể có lựa chọn của riêng mình, ly thân hay ly hôn là phụ thuộc vào quyết định của em. Tôi tin rằng, khi em đã làm tất cả những điều em có thể làm rồi thì dù kết quả có ra sao, có đi tiếp cùng nhau hay không thì bản thân em cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng mà không phải nuối tiếc điều gì.
Còn về vấn đề con cái, nếu hai bên thỏa thuận với nhau được thì thỏa thuận; còn không nữa thì có thể theo quy định của pháp luật em à. Em là người sinh con ra nên em cũng có quyền ở bên cạnh, nuôi dưỡng chăm lo cho con. Tòa sẽ xem xét rất nhiều khía cạnh khác nhau trong việc nuôi con như: tuổi của con, phẩm chất đạo đức của bố mẹ, khả năng kinh tế… Trong trường hợp con còn nhỏ thì sẽ được ưu tiên ở với mẹ, bởi sự gắn bó mẹ con và sự chăm sóc của người mẹ rất quan trọng với đứa trẻ. Em có thể cân nhắc thêm về vấn đề này để có thể chắc chắn hơn cho mỗi quyết định của mình em nhé!
Chúc em sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn này!