Nhà chồng, nhà vợ, mong em đừng phân biệt.
Chuyện nhà nội, nhà ngoại.
Chào ban biên tập VOV. Vợ chồng em lấy nhau đã được 3 năm và mới có một bé trai. Vợ em hơn em 2 tuổi. Ngay từ ngày hai đứa còn yêu nhau mẹ em đã có những lời ngăn cản nhất định vì lo ngại cô ấy nhiều tuổi hơn em, tuy nhiên 2 đứa vẫn yêu nhau và quyết định cưới nhau. Bố mẹ em sau khi phân tích này kia không thuyết phục được em thì cũng đồng ý.
Tuy nhiên vì quá trình yêu nhau và tìm hiểu nhau không được suôn sẻ với đằng nhà chồng, bố mẹ hai bên nội ngoại cũng hay xét nét và định kiến lẫn nhau, không đến mức nước với lửa nhưng nói chung không được thân thiết lắm, mặc dù em cũng nhiều lần tổ chức những buổi tụ tập đoàn viên để hai nhà có điều kiện ngồi cạnh nhau, nói chuyện với nhau để giải quyết những bất đồng, ví dụ như sinh nhật vợ chồng, hay kỉ niệm ngày cưới.
Hai nhà lại rất gần nhau, cách nhau có vài trăm mét. Tình hình tuy không cải thiện mấy về quan điểm hai nhà nhưng nói chung không đến nỗi tệ, không có tranh cãi gì cả, mọi người nói chuyện với nhau cũng rất vui vẻ, bố mẹ vợ phản hồi thế nào thì em không rõ vì vợ em không chia sẻ nhưng bố mẹ em cũng không có phàn nàn hay xét nét gì.
Bản thân em thì thấy rất vui mỗi khi cả hai nhà quây quần cùng nhau, nhưng vợ em thì có vẻ không hài lòng lắm. Có thể vì sau mỗi lần ăn uống cùng nhau mẹ vợ lại nhận xét lằng nhằng này kia làm vợ em không thoải mái, hoặc cũng có thể do vợ em thấy hai nhà có xử sự kiểu cách xã giao không thân mật nên thấy không thoải mái khi đi ăn cùng nhà nội.
Em cũng hiểu vợ em từ lúc cưới em chịu nhiều thiệt thòi, hay bị mẹ chồng chê này kia nên em cũng an ủi, động viên, giải thích đồng thời cũng tạo điều kiện để mẹ em và vợ em có cơ hội gần nhau hơn. Mẹ em thì có tật nói nhiều, hay nhận xét, hay chê bai, lại hay so sánh kiểu con nhà người ta, (ngay cả em, từ bé cũng suốt ngày bị chê bai) nhưng thực tâm thì không để bụng gì. Tuy nhiên độ 1 năm trở lại đây (nhất là từ khi vợ em mang bầu) mẹ em cũng tâm lý hơn, cải thiện hơn, nhưng vợ em vẫn duy trì mặc cảm và lo sợ mỗi khi về nhà chồng, lúc nào cũng mang tâm lý sợ bị mắng, bị chê bai.
Sau khi con trai em ra đời, bố mẹ nội ngoại mừng lắm. Vì mẹ em còn công tác, em lại lo rằng về ở cữ với nhà chồng có thể sẽ gây khó xử cho vợ em, nên em đã để vợ em về nhà ngoại. Sau đó thì mẹ vợ em có khuyên vợ em nên về nhà nội 1 tuần, bản thân mẹ em cũng rất muốn cháu nội về để bà có thể chăm sóc 2 mẹ con.
Vợ em về 1 tuần và em có hỏi thì vợ em bảo cũng rất thích ở đây với bà, bà cũng chăm sóc 2 mẹ con rất tốt, không để em phải làm gì. Tuy vậy thì vợ em vẫn mong muốn về mẹ đẻ sau khi hết 1 tuần. Em cũng hiểu và đồng ý. Bà nội cũng muốn 2 mẹ con ở lại nhưng em đã thuyết phục được để tất cả đều vui lòng. Bà nội hàng ngày vẫn rẽ qua nhà ngoại thăm cháu và chơi với cháu.
Tưởng rằng sau đợt này thì vợ em sẽ đỡ lo lắng hơn về nhà nội tuy nhiên không phải như vậy. Vấn đề phát sinh khi mới gần đây vợ em đề xuất với mẹ vợ em về việc mời ông bà và dì đi du lịch. Em thấy như thế cũng phải, vì từ hồi về làm rể cũng chưa tổ chức đi du lịch mà có đầy đủ mọi người bao giờ. Bản thân nhà vợ em cũng đã nhiều năm rồi không đi du lịch đâu đó cùng nhau.
Tuy vậy khi em đề xuất là nên để cả 2 nhà nội ngoại cùng đi, để thêm phần gắn kết thì vợ em lập tức phản đối, với lý do 2 nhà không hợp nhau, đi cùng sẽ sinh chuyện không hay, vợ em chỉ đồng ý tổ chức riêng 2 nhà. Tức là lần này đi với nhà ngoại, lần sau đi với nhà nội. Điều này dẫn đến hai vợ chồng cãi nhau và không vui vẻ gì, sau đó vợ em quyết định sẽ không đi đâu nữa, không tổ chức gì hết. Nhưng em thì rất hào hứng với việc tổ chức du lịch 2 nhà, muốn báo hiếu cho bố mẹ 2 bên, muốn cả 2 nhà có thêm cơ hội gần nhau hơn, đồng thời vì vợ em đã nói với mẹ vợ như thế, nếu giờ vợ em lại bảo lại là không tổ chức nữa, em lo rằng mẹ vợ sẽ nghĩ là em chặt chẽ, tính toán, tác động tới vợ em làm vợ em ngại không muốn tổ chức.
Em nên làm gì để thuyết phục vợ em thưa chuyên gia. Liệu có rủi ro gì khi tổ chức 2 nhà đi cùng không. Hay là em nên nghe theo vợ em, tổ chức đi riêng 2 nhà. Liệu có gây mất đoàn kết, mất lòng nhà nào khi đi riêng như vậy không? Vì 2 nhà gần nhau, lại có thêm bé con đi cùng nữa. Em rất mong nhận được sự tư vấn của chuyên gia. Em xin cám ơn.
Chào bạn!
Cửa sổ tình yêu hiểu băn khoăn của bạn liên quan đến mối quan hệ nhà nội nhà ngoại khi dự định tổ chức một chuyến đi du lịch chung cho hai bên gia đình. Chúng tôi trao đổi cùng bạn vấn đề này.
Mong muốn hai bên gia đình có cơ hội gần gũi, gặp gỡ là thành ý rất tốt từ bạn tuy nhiên bạn lại đang gặp trở ngại từ việc vợ phản đối và chỉ muốn đi du lịch riêng để tránh phiền phức va chạm. Trước hết về phía vợ của bạn, cô ấy một phần lo xa và không muốn moi người không thoải mái nếu đi chơi chung cùng nhau, tuy nhiên điều này cũng xuất phát từ việc cô ấy luôn có cảm giác không hòa nhập với gia đình bên nội.
Một phần nguyên nhân có thể do cô ấy luôn có ác cảm, lo sợ, không gần gũi với bố mẹ bạn, lúc nào cô ấy cũng lo lắng có sự việc không hay xảy ra làm mất lòng hai bên gia đình. Hai bên gia đình giữ hòa khí, có cư xử khách sáo, xã giao là điều hoàn toàn bình thường. Đây là mối quan hệ thông gia chứ không phải là ruột thịt vì thế nếu nói có sự thân tình, hành xử xuồng xã kiểu đời thường là rất khó. Cô ấy cần phải xem đây là điều hiển nhiên và chỉ giảm thiểu tối đa nhất những khả năng có thể xảy ra mà thôi.
Để đánh giá việc hai bên gia đình cùng đi du lịch trong một chuyến có thể dẫn đến bất hòa hay xích mích hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ thân thiết của hai bên gia đình, tình cảm và cách cư xử của những người trong cuộc. Việc có xảy ra mâu thuẫn hay không chương trình không thể đoán biết thay bạn. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là khó đem lại sự thoải mái cho vợ bạn cũng như những hai bên gia đình bởi không phải là ruột thịt nên họ sẽ phải dò ý nhau để cư xử.
Nếu bạn vẫn muốn tổ chức dịp cho cả hai bên gia đình thì bạn có thể tiếp tục thuyết phục vợ và chủ động trao đổi ý muốn của mình với gia đình vợ và gia đình của bạn. Bằng một bữa ăn chung hay chuyến gặp gỡ nào đó để thảo luận về kế hoạch này. Trong trường hợp hai bên đồng ý thì việc sự đã rồi và vợ bạn cũng khó lòng đổi ý.
Trong trường hợp vợ nhất quyết không muốn hai bên gia đình đi thì bạn có thể trao đổi với vợ hoặc chủ động nói chuyện với bên ngoại về kế hoạch đi du lịch có một chút thay đổi. Bạn có thể thảo luận với vợ và cùng cô ấy bàn bạc về việc đi du lịch sao cho hợp lý nhất. Đi cùng nhau hay đi riêng biệt thì sẽ bên nào đi trước, bên nào đi sau. Điều này cần được trao đổi với bố mẹ hai bên để có sự thống nhất, thông qua tránh việc được lòng bên này, mất lòng bên kia hay hiểu lầm con cái tiết kiệm, tính toán với bố mẹ.
Có một điểm lưu ý là bạn phải làm công tác tư tưởng với vợ là cố gắng nỗ lực hòa nhập thích nghi với gia đình chồng, cô ấy phải hiểu mình cũng là một phần của gia đình vì thế lúc nào cũng có cảm giác sợ sệt, không muốn về hoặc ngại va chạm, vô hình chung cô ấy tự đẩy mình xa hơn với gia đình. Để làm được điều này cần có sự nỗ lực từ phía cô ấy và sự thay đổi thái độ ở cả bố mẹ bạn. Bạn cần làm cầu nối cho cả hai bên để họ hiểu hơn khi đứng ở địa vị của nhau để nhìn nhận và đánh giá vấn đề.
Nếu lần này tổ chức đi du lịch chung không thành công thì bạn có thể tiếp tục tổ chức những lần liên hoan, gặp gỡ để cả hai gia đình có cơ hội hiểu nhau hơn. Cuộc đời phía trước còn dài vì thế bạn hãy coi những việc không hay như va chạm, hiểu làm là điều không thể tránh khỏi và đôi khi ngoài sự kiểm soát của bản thân. Hãy cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho những người thân yêu trong khẳ năng có thể.
Chúc bạn sớm giải quyết được vấn đề của mình.