Tiền đâu cho đủ để "đáp ứng" hết yêu cầu của bố mẹ chồng...
Kính gửi chuyên mục tâm sự!
Tôi năm nay 25 tuổi, đã có 1 bé gái 2 tuổi và đang có bé thứ 2. Hiện tại vợ chồng tôi đang ở nhà của ba mẹ tôi (nhà ngoại) vì ba tôi ở 1 mình. Nhưng trước đó chúng tôi vẫn ở nhà của cha mẹ chồng tôi (nhà nội); nhưng vì 1 số vấn đề mà tôi xin về nhà ngoại ở mặc dù gia đình chồng không đồng ý.
Chồng tôi là công nhân, lương tháng chẳng đáng được bao nhiêu nhưng lại phải lo toan hết trong ngoài ở bên gia đình anh. Tôi thật sự rất không vừa ý vì anh còn có 1 người anh trai nữa và chị gái lấy chồng cũng ở chung 1 nhà rất bất tiện. Việc gì cũng tới vợ chồng tôi, tết nhất rồi đình đám của nhà nội chồng tôi cũng lo hết. Mặc dù ông bà có rẫy nương và chăn nuôi; nhưng tiền phân tro hay thuốc thang cũng gọi chồng tôi. Cha chồng tôi bảo mua thêm cây giống trồng vô vườn để chia cho 2 anh em, tức chồng tôi và anh trai; nhưng lại chỉ gọi mỗi chồng tôi đưa tiền mua cây giống. Năm vừa rồi ông có nhờ chồng tôi mua phân hộ; nhưng đến khi thu lại không trả tiền phân và vợ chồng tôi cũng phải vay mượn để trả.
Chưa dừng lại ở đó, mọi chuyện càng ngày càng tệ hơn khi vợ chồng tôi xuống nhà ngoại và anh trai chồng lập gia đình. Cách đôi 3 ngày ông lại gọi chồng tôi hỏi tiền nhưng không hề gọi và hỏi tôi. Chồng tôi lại lẳng lặng mang tiền về mà không nói với tôi. Chỉ khi có người nói tôi mới biết (người trong nhà chồng). Còn về phần mẹ chồng, khi tôi mới về làm dâu được mấy tháng thì bà mượn của tôi là 15 triệu tiền mặt, bà nói khi nào cần bảo mẹ; nhưng sau đó tôi có việc cần hỏi thì bà chỉ bảo "ừ" và đến giờ còn chưa trả cho tôi. Bà còn mượn thêm và dặn không cho cha chồng tôi và người trong nhà biết. Vì nghĩ bà cần nên tôi vẫn đưa (chồng tôi có biết vấn đề này).
Tết vừa rồi không biết bà nợ của ai mà gọi cho chồng tôi trả cho bà; nhưng chồng tôi không có nên hỏi tôi và tôi chạy trả cho nguời ta được số tiền 3tr500 và sắm sửa tết nhất trong nhà. Thế mà bà lại đi nói với người trong xóm là tôi không lo lắng săn sóc chuyện trong nhà, bà còn nói tôi lấy được con bà là phước đức, là đũa mốc chòi mâm son (nói với mợ bên chồng tức em dâu của bà). Rồi cách đây mấy tháng, khi tôi chuyển xuống ngoại rồi bà thường xuyên nhờ người gọi chồng tôi về vấn đề tiền nong.
Trước đây, tôi toàn im lặng; nhưng giờ tôi thật sự rất bức xúc nên có nói chồng tôi nhưng không giải quyết đựơc vấn đề mà còn làm không khí thêm căng thẳng. Anh bảo cha mẹ còn sống thì anh còn lo nhưng tôi thật sự rất khó chịu. Tôi có nói "không ai như cha mẹ nhà anh cả, con trai thì còn con dâu chứ có bao giờ nhà anh có công việc gì mà gọi em chưa? Mẹ anh còn đi nói 2 vợ chồng làm tiền đâu hết mà mang nợ, thì tiền về nhà anh hết còn đâu. Hồi còn ở chung thì lo toan trong nhà, khi xuống ngoại rồi thì dăm ba bữa lại tiền phân,tiền cho cha xăng cộ đi lại, tiền cho mẹ về quê, cho mẹ đi đám. Rồi tháng thì mẹ đau, tháng thì cha đau, rồi mua bảo hiểm cho ông bà… hỏi tiền đâu cho thấu.
Thực sự quá mệt mỏi hay muốn tôi lên nhà bảo cha mẹ đừng gọi hỏi tiền chồng con nữa để có dư?" Sau những lời đó thì chồng tôi chỉ im lặng và mọi việc vẫn tái diễn, bà thường xuyên viện cớ đau để gọi chồng tôi về và y như rằng lần nào về ít cũng đôi 3 trăm. Tôi phải làm như thế nào đây?
Kính mong chuyên mục cho tôi lời khuyên.
Thân chào bạn!
Khi con cái trưởng thành phải lo lắng, báo hiếu cho bố mẹ đó là điều đương nhiên; nhưng lo ở mức độ nào thì phù hợp là một câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Cũng có khá nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn, tranh cãi về vấn đề này. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" sẽ khó một cái mốc chung cho tất cả mọi người mà sẽ phụ thuộc vào suy nghĩ, văn hóa, và khả năng của mỗi người.
Lắng đọc những dòng tâm sự bạn gửi gắm qua thư, mặc dù câu chuyện cũng khá dài nhưng chung quy lại có hai điều khiến bạn cảm thấy không thoải mái, không hài lòng. Thứ nhất là gánh nặng trách nhiệm của vợ chồng bạn đối với gia đình là rất lớn, trong khi bố mẹ chồng vẫn có thể làm việc, và trong gia đình còn có anh chồng và chị chồng nữa. Thứ hai là người trong nhà chồng hỏi chồng bạn rất nhiều về vấn đề tiền bạc, nhưng lại không đề cập cụ thể với bạn về những vấn đề này; và chồng bạn cũng không trao đổi, bàn bạc lại với bạn khi anh ấy đưa tiền về lo cho gia đình. Thật khó tránh được cảm giác không thoải mái, bế tắc đối với nhiều người phụ nữ khi ở vào hoàn cảnh của bạn lúc này. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về từng vấn đề một.
Về vấn đề thứ nhất, hai vợ chồng bạn phải gánh rất nhiều trách nhiệm trong gia đình như bạn chia sẻ là: tiền biếu bố mẹ, lo cho bố mẹ lúc ốm đau, tiền đóng bảo hiểm, tiền phân, cây giống…; chưa kể hai bạn còn phải chi tiêu, lo lắng cho gia đình nhỏ của mình nữa. Thường khả năng chịu trách nhiệm còn phụ thuộc vào mức thu nhập, điều kiện kinh tế của mỗi người bạn ạ. Vậy không biết gia đình chồng bạn có điều kiện, hoàn cảnh như thế nào? Các thành viên khác trong gia đình như anh chồng, chị chồng, điều kiện kinh tế của họ ra sao? Bạn cảm nhận những điều mà bố mẹ nhờ vả ở vợ chồng bạn là “xứng đáng” hay “quá đáng”? Việc hỗ trợ bố mẹ khiến cho tình hình kinh tế cảu hai vợ chồng bạn khó khăn ra sao? Qủa thực, bố mẹ vất vả nuôi con khôn lớn trưởng thành, việc con cái lo lắng, báo hiếu cho bố mẹ là trách nhiệm của con cái. Thế nhưng, trách nhiệm với bố mẹ như thế nào là vừa đủ để cả hai vẫn có thể đảm bảo tốt được cuộc sống gia đình nhỏ của mình thì có lẽ hai vợ chồng nên bàn bạc lại với nhau để có cách ứng xử phù hợp. Còn vấn đề hỗ trợ liên quan đến anh chị em trong nhà mà bạn cảm thấy vô lý, không thoải mái hoặc ngoài khả năng của vợ chồng bạn thì bạn có thể trao đổi thẳng thắn với chồng hoặc bố mẹ chồng về vấn đề này. Bởi những điều này bạn mà có giúp đỡ thì tùy thuộc vào điều kiện của mình chứ không phải có trách nhiệm bắt buộc ở trong đó.
Vấn đề thứ 2 khiến bạn cảm thấy không thoải mái là người trong nhà chồng hỏi chồng bạn rất nhiều về vấn đề tiền bạc, nhưng lại không đề cập cụ thể với bạn về những vấn đề này; và chồng bạn cũng không trao đổi, bàn bạc lại với bạn. Đến thời điểm phù hợp, có lẽ bạn nên nói chuyện lại với chồng thêm lần nữa để chia sẻ với anh ấy về những cảm giác của bạn khi là người vợ, người con dâu trong gia đình nhưng lại không được hỏi ý kiến. Đồng thời cũng tìm hiểu nguyên nhân vì sao anh ấy lại không chia sẻ với bạn? Là do đấy là cách hành xử theo thói quen của anh ấy từ trước đến nay? Hay vì anh ấy cảm thấy ngại khi trách nhiệm với bố mẹ thì không thể chối bỏ, nhưng khi nói chuyện với vợ thì vợ lại không thông cảm được nên anh ấy tự mình quyết định chuyện này? Nếu là vì tính cách thì bạn nên nhắc nhở để anh ấy biết bạn cũng là con cái trong nhà, bạn cũng cần biết về những trách nhiệm, những khoản chi tiêu đó, từ đó để anh ấy thay đổi dần. Còn nếu vì anh ấy lo sợ, cảm thấy áp lực hơn khi chia sẻ với bạn những điều này thì có lẽ bạn cũng nên có thái độ phù hợp để anh ấy thấy được thiện chí nơi bạn, hiểu được bạn không khắt khe gì trong việc giúp đỡ bố mẹ mà chỉ mong muốn giúp đỡ những cái gì phù hợp và nằm trong khả năng của mình, chứ không phải nợ nần chồng chất để rồi biến sự chăm sóc bố mẹ trở thành một gánh nặng lớn đối với hai vợ chồng.
Qua đó, bạn có thể trao đổi lại với chồng, hai vợ chồng cùng nhau đưa ra một kế hoạch để hỗ trợ bố mẹ trong khả năng có thể và biết cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau. Bạn đã từng nói chuyện với chồng rồi, nhưng khi anh ây im lặng thì câu chuyện cũng dừng lại thay vì cùng nhau lên một kế hoạch hành động trong tuơng lai. Việc lên kế hoạch thực sự rất quan trọng để hai vợ chồng thể hiện đựoc sự tôn trọng đối phương qua từng hành động của mình. Cũng là cơ hội để hai vợ chồng trao đổi với nhau, giúp đỡ nhau, cũng như hiểu và gắn bó với nhau hơn về mặt tình cảm bạn nhé!
Chúc hai vợ chồng bạn hòa thuận, hạnh phúc!