Tình yêu rồi cũng thành bi kịch vì "con anh con tôi con chúng ta"...
Mình với chồng sau sống chung với mẹ ruột, mình có 1 đứa con riêng với có với nhau 1 bé trai nữa. Lúc trước mình ở trọ, không sống cùng đứa con riêng nên tình cảm của chồng sau không thể hiện rõ. Cho đến khi mình sinh bé sau, cả nhà nội với chồng sau đều chỉ biết đến nó vì nó rất giống ba.
Mình buồn lắm vì tội nghiệp con mình, mình muốn cho nó 1 gia đình trọn vẹn nhưng cuối cùng cũng không có được tình cảm của người cha. Mình hỏi anh có thương con mình không thì anh trả lời là cần có thời gian, nhưng sao từ lúc đầu anh không nói như vậy để mình suy nghĩ lại và không lấy anh.
Còn một điều khác là mình thấy anh lấy tôn giáo của mình để làm bia cho anh đủ điều kiện để lấy vợ. Lấy được vợ rồi, anh không còn đi nhà thờ và thậm chí còn cấm đoán không cho con ruột của anh đi (con riêng của mình thì đi hàng tuần với mình). Mâu thuẫn ngày càng sâu, có khi về nhà 2 vợ chồng không thèm nói lấy một câu, chiến tranh lạnh mấy tháng trời. Có lần anh đòi li dị, mình chẳng thèm nói, nửa tháng sau anh nói xin lỗi mình nhưng mình không chấp nhận vì mình biết anh chẳng thay đổi gì mà càng không giải quyết lâu ngày sẽ có ngày có chuyện giữa cha dượng - con vợ.
Đôi khi mình hỏi con mình con có thương ba không (dù nó biết rằng ba không thương nó) nhưng nó vẫn nói có, nếu mất ba con sẽ buồn vì ba là người thân, chỉ tội nghiệp 2 đứa nhỏ. Mình phải làm sao để anh có thể thương con mình? Giúp mình với, cảm ơn ạ!
Chào bạn!
Thực tế cho thấy, một cuộc hôn nhân đổ vỡ không thể nào tránh khỏi được những tổn thương, thiệt thòi cho tất cả các thành viên trong gia đình. Sự mất mát của người vợ, người chồng chỉ là một phần thôi bởi khi ta không yêu nữa, không còn hạnh phúc nữa thì ta lựa chọn rời xa nhau; nhưng đối với những đứa trẻ, chúng vẫn cần bố, cần mẹ và khi không có đầy đủ cả bố lẫn mẹ nữa thì chúng sẽ thiệt thòi rất nhiều. Nhất là khi bố mẹ mình đi bước nữa thì mối quan hệ giữa mẹ ghẻ - con chồng hay bố dượng - con vợ đều là những mối quan hệ không phải dễ dàng. Cũng chính bởi vậy mà nhiều ông bố bà mẹ dù cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc nữa, nhưng con cái luôn là điều khiến họ phải cân nhắc, do dự.
Tôi không biết bạn dành bao nhiêu thời gian để tìm hiểu người chồng thứ hai này trước khi tiến tời hôn nhân? Nhưng những điều đã xảy ra thì không thể nào quay lại để ta có thể thay đổi được điều gì nữa, điều cần nhất là tập trung vào hiện tại để tìm ra giải pháp phù hợp giúp gia đình nhỏ của bạn có được cuộc sống tốt đẹp, hòa đồng, vui vẻ, hạnh phúc hơn mà thôi.
Như bạn chia sẻ thì chồng và gia đình nhà chồng không mấy quan tâm, dành tình yêu thương cho con riêng của bạn với chồng trước đúng không bạn? Tôi băn khoăn không biết bạn và chồng đã kết hôn được bao lâu rồi? Anh ấy nói rằng anh ấy cần thời gian để quan tâm, yêu thương con bạn vậy anh ấy có những biểu hiện cụ thể nào cho sự cố gắng của mình không? Bên cạnh đó, có thể anh ấy không dành nhiều sự quan tâm, tình yêu thương cho con; nhưng anh ấy có ghét bỏ hay gây khó dễ gì cho bé không?
Chắc bạn đã từng nghe ở đâu đó câu nói “khác máu tanh lòng”, có những mối quan hệ dù cố gắng thế nào ta cũng rất khó để nó có thể thân thiết, gắn kết với nhau như ta mong muốn được; mà chỉ có thể cố gắng để cho mối quan hệ đó không tệ đi, xấu hơn, không ghét bỏ, thù hằn hay có quá nhiều mâu thuẫn với nhau là được. Giống như mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, tuy là mẹ con đấy nhưng có mấy người mẹ chồng xem con dâu như con đẻ, hay có mấy người con dâu xem mẹ chồng như mẹ ruột đâu bạn. Chỉ là ta cố gắng làm sao để có thể dung hòa, nhân nhượng, không ghét bỏ nhau hay có quá nhiều mâu thuẫn với nhau mà thôi.
Mối quan hệ giữa bố dượng con vợ hay mẹ ghẻ con chồng cũng tương tự vậy, gọi nhau là bố con, mẹ con đấy, nhưng để tình cảm gắn kết như tình máu mủ, ruột thịt thực sự thì khó khăn, hoặc nếu muốn đạt được thì cũng phải trải qua nhiều thời gian cùng với sự cố gắng của cả hai bên mới mong có được. Bạn hãy suy nghĩ tích cực, thoáng rộng ra, đừng đặt kì vọng quá nhiều để rồi thất vọng, mệt mỏi bạn nhé.
Để anh ấy yêu thương, lo lắng cho con bạn thì trước tiên anh ấy phải quan tâm, yêu thương và tôn trọng bạn trước đã. Chính vì vậy, thay vì quá tập trung và mối quan hệ giữa bố dượng – con vợ thì bạn hãy tập trung vào mối quan hệ của hai vợ chồng làm sao để hai người có thể hòa hợp từ trong cuộc sống hằng ngày, cũng như những niềm tin về tôn giáo, tâm linh… Việc ta đi theo một tôn giáo nào đó là do niềm tin của mỗi người, với một người không tin thì ta không thể nào ép họ tin và ngược lại. Chính vì vậy cả hai vợ chồng có thể trao đổi, chia sẻ với nhau để xem nên hiểu và chấp nhận nhau ở mức độ nào, đối với các con thì nên ứng xử với chúng ra sao. Liệu có nên cấm con hoặc bắt con đi theo tôn giáo không hay cứ nên để mọi chuyện tự nhiên và sau này khi con lớn hơn, có nhận thức thì con sẽ tự chọn con đường, niềm tin, hướng đi riêng cho chính mình?
Khi cuộc hôn nhân của hai bạn ổn định, tình cảm của hai vợ chồng tốt đẹp thì bạn có thể tìm cơ hội để gắn kết, vun đắp tình cảm của các thành viên trong gia đình như: tổ chức những buổi đi chơi chung; khuyên con nên gần gũi, nói những lời yêu thương với bố nhiều hơn; bạn cũng có thể nhờ anh ấy làm việc này việc kia hộ con… Khi thời gian qua đi, người ta có cơ hội được tiếp xúc, chung sống với nhau nhiều hơn; đồng hành cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thuận lợi, hạnh phúc, đau khổ trong cuộc sống thì tình cảm sẽ trở nên bền chặt hơn bạn nhé.
Chúc gia đình bạn hạnh phúc!