Việc nhà sao chỉ một mình vợ phải gánh...
Năm nay em 26 tuổi, em lấy chồng được 4 năm hiện nay đã có 1 gái 3 tuổi và 1 trai 8 tháng. Trong gia đình chồng có bố mẹ chồng gần 60 tuổi và chồng em 30 tuổi. Hai vợ chồng em đi làm công ty cùng nhau, còn bố mẹ ở nhà bế cháu nhỏ giúp vợ chồng em,đứa lớn đi học gần nhà tối ông đón về. Ở chung với bố mẹ chồng em rất nhiều áp lực về cả kinh tế lẫn tinh thần.
Mới lấy nhau được vài tháng em có bầu thì chồng em đi nước ngoài theo đường du học để làm ăn, đi 11 tháng về cũng được ít vốn thì về đưa hết cho ông bà trả nợ. Rồi 2 vợ chồng xin làm cùng công ty được nửa năm thì mẹ chồng bị u não (u lành) nên đi trị xạ không bảo hiểm ông bà không có 1 xu vợ chồng em lo hết. Nợ nần trước ông bà đã nhiều do không chịu làm ăn vay về tiêu pha, chỗ nọ đập cho kia cộng với nợ mới càng nhiều.
Bao nhiêu đổ tất lên đầu vợ chồng em lương công nhân ở quê ít ỏi, lại thêm trả nợ lãi ngân hàng do ông bà nợ.Vậy mà ông bà bây giờ không muốn làm ruộng, lương chỉ ở nhà chơi trông cháu, việc gia đình cơm nước tắm rửa ăn uống của cả nhà và 2 đứa trẻ cứ đợi em về chế độ con thơ làm hết.
Chồng em thì làm về muộn chỉ việc ăn cơm, em thì về làm từ sớm tới khuya không được ngơi tay. Nhưng cả nhà cứ mặc em làm hết ăn xong cơm tối là mỗi người ngồi 1 quạt xem phim uống nước, em thì hết rửa bát dọn dẹp , nấu cho thằng bé ăn lại giặt giũ của cả nhà. Nên có ngày gần đây em cho con ăn gần 21h rùi mà con không chịu ăn việc nhiều, em đã cáu gắt tức với con. Chồng đã không hiểu lại chửi mắng em rùi em ấm ức cãi vài câu rùi còn đánh em.
Em thấy thật mệt mỏi, cũng đi làm công ty như nhau nhưng bao nhiêu việc gia đình cứ dồn hết lên em , rồi con cái nhỏ bận bịu, gia đình nợ nần nhiều, bố mẹ chồng thì lấy cớ bế cháu không muốn làm gì. Em lúc nào cũng trong tâm trạng mệt mỏi , nếu có nằm nói chuyện với chồng thì lại bị nói là " nói nhiều" hoặc"làm thì làm không làm thì vứt đấy".
Bây giờ em không biết tâm sự cùng ai , gia đình bên ngoại thì xa và em cũng không muốn bố mẹ em lo lắng nên em rất hi vọng anh chị có thể giúp em giải quyết vấn đề. Em rất cảm ơn anh chị!
ớm giải quyết được khó khăn của mình và có được một cuộc sống hạnh phúc
Chào em!
Cảm ơn em đã tin tưởng và gửi gắm tâm sự đến chương trình. Qua chia sẻ của em chương trình hiểu rằng em đang cảm thấy buồn và áp lực khi một mình phải làm quá nhiều việc mà không có sự giúp đỡ của chồng và bố mẹ chồng. Chương trình chia sẻ cùng em nỗi niềm này.
Giai đoạn đầu hôn nhân luôn là thử thách cam go với bất cứ cặp đôi nào bởi cả hai người phải thích ứng với cuộc sống mới, hoàn cảnh mới. Bản thân em khi về làm dâu gặp không ít khó khăn về kinh tế, chồng đi làm xa nhà và một minhg chăm lo cho hai con nhỏ. Ở thời điểm hiện tại dù chồng đã trở về, làm cùng công ty nhưng mọi khó khăn vẫn luôn tồn tại và bản thân em cảm thấy quá mệt mỏi với công việc nhà, chăm con, dọn dẹp nhà cửa mà không có ai phụ giúp.
Em biết đấy, giai đoạn có con nhỏ vô cùng vất vả, đặc biệt sau khi em đi làm và lại phải chăm cho cả hai bé. Tuy nhiên xét về trách nhiệm không ai khác chính em và chồng là người sẽ phải nỗ lực trong việc chăm sóc con. Ông bà có thể giúp đỡ nhưng chỉ phần nào thôi và dù có giúp hay không chúng ta cũng khó lòng trách cứ họ bởi trách nhiệm phận sự của cha mẹ là với con cái, ông bà chỉ có thể giúp đỡ, hỗ trợ phần nào.
Em có thể nhìn nhận vấn đề trên khía cạnh bản thân hai vợ chồng phải tự lập, nỗ lực trong việc chăm sóc con. Biết rằng lúc này em đang cảm thấy rất mệt mỏi vì có quá nhiều việc đổ lên đầu nhưng em có thể nhẹ nhàng chia sẻ khó khăn của mình với các thành viên trong gia đình như bố mẹ chồng và chủ động nhờ ông bà giúp những việc trong khả năng có thể để đỡ đần công việc với em. Em có thể khéo léo nhờ ông bà đón cháu về giúp em tắm cho con, giúp em nấu cơm…Đôi khi việc mở lời rất khó với em nhưng nếu không nói ra những khó khăn, vất vả thì mặc nhiên mọi người nghĩ rằng đó là việc của em và em đang làm tốt, làm ổn thì đâu cứ gì phải can thiệp hay giúp đỡ. Em có nghĩ như vậy không?
Cuộc sống gia đình cần có sự vun vén, chung tay của hai vợ chồng. Vì thế việc em chia sẻ với chồng và đề nghị anh ấy giúp đỡ em trong công việc nhà là điều cần thiết. Điều này em đã từng làm những lại không nhận được sự cảm thông mà thay vào đó lại là thái độ bỏ mặc “không làm thì thôi”. Em có nghĩ đôi lúc em cũng cần thể hiện bản thân cảm thấy mệt, khó chịu không thể làm hết mọi việc và chủ động nhờ đến sự hỗ trợ của mọi người không? Là vợ chồng anh ấy đâu thể bỏ mặc hay thờ ơ không giúp khi vợ không đủ sức khỏe làm việc. Em cũng có thể lựa những lúc hai vợ chồng vui vẻ để chia sẻ mong muốn chồng hỗ trợ phụ giúp em trong việc nhà như giúp em rửa bát, hai vợ chồng cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Em cũng có thể trao đổi với chồng và liệt kê ra danh sách công việc hàng ngày của em để chồng chọn lựa giúp em và cũng chủ động khen ngợi chồng nếu như anh ấy có thành ý giúp đỡ.
Có lẽ quan niệm xa xưa cho rằng việc chăm sóc con cái, nhà cửa là của phụ nữ còn đàn ông chịu trách nhiệm kiếm tiền, lo liệu về tài chính. Nhưng hiện nay xã hội đã bình đẳng hơn rất nhiều và phụ nữ cũng phải đi làm kiếm tiền như đàn ông nhưng sau giờ tan sở họ lại có cả núi công việc phải làm còn nam giới ung dung được nghỉ ngơi. Đây là điều bất hợp lý và cuộc sống của em đang phản ảnh sự bất công bằng đó. Để thay đổi một hệ thống quan điểm xã hội không thể một sớm một chiều nhưng em có thể nhẹ nhàng chia sẻ, trao đổi và chủ động đề nghị có sự hỗ trợ giúp đỡ có thể là động thái khêu gợi tình yêu thương, trách nhiệm của chồng với vợ và gia đình.
Vợ chồng trẻ nhưng lại gánh trên mình một khoản nợ lớn không khỏi khiến em cảm thấy nản trí, áp lực. Tuy nhiên cuộc sống không cho phép chúng ta lựa chọn hoàn cảnh, em chỉ có thể nỗ lực chấp nhận và vượt qua nó. Với hoàn cảnh hiện tại em có thể trao đổi với chồng về những điều bất cập trong vấn đề tài chính, chi tiêu. Cùng anh ấy thảo luận về cách thức cải thiện như cố gắng tiết kiệm, trao đổi với ông bà tăng gia để có thêm mớ rau sạch hay nuôi thêm con gà con vịt, …
Có thể ông bà không thay đổi tính cách hoặc không muốn làm nhưng em cũng không thể thay đổi quan điểm, tính cách của họ. Thay vào đó có thể cùng chồng hạn chế những khoản nợ mới, nỗ lực đi làm tiết kiệm trang trải nợ ngân hàng. Bản thân em không thể tác động đến gia đình chồng nhưng chồng em là con ruột sự chia sẻ, trao đổi có thể có trọng lương hơn. Quan trọng vẫn là cách em chia sẻ, trao đổi với anh ấy.
Chúng tôi biết rằng em đang phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, bí bách và mệt mỏi tuy nhiên giai đoạn này sẽ sớm qua đi khi các con lớn hơn, tự lập hơn cũng như bản thân em biết cách cân đối thời gian cũng như tìm được sự trợ giúp nhiều hơn từ những người thân. Hãy coi đây là giai đoạn thử thách em và phải nỗ lực vượt lên để có cuộc sống thoải mái, vui vẻ hơn.
Chúc em s