Cái khó nó bó cái khôn!
Em chào chương trình ạ. Vợ chồng em vừa tạm chia tay hơn một tháng nay. Em là người đi nhưng thực sự em rất buồn, bất lực vì người chồng. Năm 2018, anh có đánh người ta bị thương nặng nên phải đi cải tạo. Em một mình ở nhà vừa nuôi con nhỏ, vừa lo bán buôn để có đồng ra đồng vào để chi tiêu, hàng tháng có cái đi thăm nom chồng. Năm 2020 vì dịch bệnh, làm ăn thua lỗ nên em nghỉ không kinh doanh nữa, đi làm công nhân tạm một thời gian, đó cũng là lúc chồng em được về. Về đi làm được vài ba tháng, lúc nào cũng dày vò em, sao ở nhà mỗi tháng lo chồng có 2 triệu mà để nợ nần đến vậy, em nợ có 30 triệu thôi. Chồng lúc nào cũng làm áp lực cho em. Thật sự khoảng thời gian đó em rất buồn, buồn vì thời gian anh đi cải tạo, em đã không màng khó khăn, gian nan để lo cho anh, cho con. Vậy mà đến khi anh về chỉ có bao nhiêu đó tiền nhưng lúc nào cũng nói trên đầu trên cổ em. Tiền đi làm về không muốn đưa em nữa, nói em không giữ được tiền. Gần được một năm, em áp lực với buồn vì anh nhiều quá nên chuyển đi chỗ khác ở và làm việc. Đi được hơn tháng nay, chồng em đi nói với bạn em, biết chỗ em ở nhưng không quan tâm, em nghe càng buồn nhiều hơn. Hai vợ chồng cứ im lặng được hơn 1 tháng nay rồi. Cho em hỏi như vậy có khi nào là chấm dứt luôn không ạ. Mong chuyên gia tư vấn giúp em. Em cảm ơn nhiều ạ!

Chào em!
Trước cuộc sống hôn nhân căng thẳng về vấn đề tiền nong dẫn đến một loạt các mâu thuẫn, em đã quyết định chuyển ra ngoài ở và làm việc. Khi người vợ quyết tâm ra bên ngoài ở cũng có lý do như một biện pháp để giúp chồng cảnh tỉnh và thay đổi, nhưng cách làm này của em dường như lại không hiệu quả với chồng vì anh lựa chọn luôn giải pháp im lặng và “mặc kệ” em. Chị hiểu được suy nghĩ của em lúc này, vừa thất vọng khi mọi việc không như dự định nhưng cũng phần nào đó em cũng chán nản muốn buông.
Đặt trong tâm lý của chồng em, khi trở về nhà và hòa nhập với cộng đồng, anh sẽ phải bắt đầu từ vạch xuất phát mới, cũng không tránh khỏi những khó khăn, chán nản, tự ti. Số tiền ấy có thể nhỏ bé với nhiều người nhưng cũng có thể lại rất lớn với nhiều người khác. Trong khi đó, chồng em cũng chỉ mong sao sau những ngày tháng bí bách ở trong kia, ra ngoài được thoải mái hơn một chút, vậy mà lại nhìn vào số nợ, lại nhìn vào hoàn cảnh gia đình không khá khẩm gì nên sinh ra trong lòng sự chán chường. Nhưng mặt khác anh cũng không hiểu được ở nhà em cũng rất khó khăn xoay sở chật vật ra sao, vừa nuôi con, thăm nom chồng, lại lo lắng chi phí sinh hoạt, những khoản phí phát sinh, với công việc làm ăn không thuận lợi nên cũng khó tránh khỏi việc em gặp khó khăn về kinh tế. Người đàn ông đôi khi họ cũng không nhẩm tính hết được những chi phí sinh hoạt của gia đình, mà bởi không hiểu nên mới sinh ra tâm lý trách móc. Chị rất chia sẻ với em về sự nặng lòng mà em trải qua.
Để đến mức em phải bước chân ra bên ngoài thì chứng tỏ em cũng rất mệt mỏi, vượt quá mức giới hạn của bản thân. Vấn đề ở đây là vợ chồng em không chỉ gặp khó khăn về vấn đề kinh tế nữa, mà từ đó phát sinh ra một loạt mâu thuẫn trong vợ chồng: trách cứ lẫn nhau, không tin tưởng nhau…Phải ở trong hoàn cảnh của em thì mới hiểu được tại sao em phải chuyển ra bên ngoài ở, nhưng em cũng cần cân nhắc xem em có muốn níu giữ cuộc hôn nhân này không. Một khi hai người cùng có cái “tôi” lớn thì sẽ chẳng ai muốn nhường nhịn ai. Nhưng em cũng không chia sẻ hiện tại con em đang ở với ai. Các em cũng nên nhìn nhận ngoài yếu tố bản thân thì còn phải nghĩ đến con cái và những người thân xung quanh. Mà chị cho rằng quãng thời gian vừa qua cũng đủ để hai em nhìn nhận xem có còn muốn tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân này không, cũng không nên để tình trạng này kéo dài lâu hơn.
Trước mắt em cần xác định lại tình cảm cũng như mong muốn của em, dừng lại hay tiếp tục sẽ khiến cho bản thân em cảm thấy thoải mái hơn. Sau đó cũng nên gặp gỡ chồng em để hai người có một buổi trò chuyện với nhau, cùng xác định xem hướng giải quyết sẽ ra sao. Người ta vẫn thường nói “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, nhưng một khi sự đồng thuận ấy không còn mà thay vào đó là những dằn vặt, trách móc thì mục đích hôn nhân sẽ không đạt được. Buổi nói chuyện của em sẽ đạt được hiệu quả khi em có sự bình tĩnh trước tiên, để xem qua đó thái độ của chồng em ra sao. Tôi hi vọng sự "mất khôn" của chồng em chỉ là nhất thời, mong rằng vợ chồng em sẽ tìm được tiếng nói chung và đưa ra hướng giải quyết hợp lý.
Thân ái!