Căng thẳng với ông chồng "cẩu thả"
Em lập gia đình đã 13 năm, em năm nay 37 tuổi, chồng em thì 46 tuổi, 2 người đều làm trong lĩnh vực tài chính. Tụi em hiếm muộn chữa 7 năm mới được đứa con trai. Lúc đầu 2 vợ chồng cũng nói chuyện với nhau bình thường không cãi vã nhiều từ câu đầu tiên, nhưng không hiểu sao 2-3 năm gần đây em với anh không thể nói quá nhiều câu với nhau, nhiều khi chỉ câu đầu là cãi nhau. Nguyên nhân anh cho là em nói khó nghe, còn về phía em cũng thấy chán chường không muốn giao tiếp gì với anh, có tâm lý không muốn về nhà. Theo em nhận xét, anh là người cẩu thả, không có trật tự nguyên tắc, ví dụ như thay đồ đi làm là liệng luôn trên giường ngủ không đem bỏ vô sọc đồ dơ như đã qui định, tắm thì 10 lần hết 9 lần quên đóng nút vòi sen xuống ( làm ướt người sau mở vòi nước); tật xấu khi ăn ( ăn không cần chờ đợi ai về đói là nhào vô ăn trước, khi ăn ít khi để ý còn người chưa ăn để chừa lại đồ ăn, khi được dọn tô canh ăn 1 mình nhưng anh không ăn hết thay gì dùng muỗng mút canh ra chén rồi dùng muỗng của mình húp thì lấy luôn muỗng canh hút trực tiếp trong tô - em hỏi anh có ăn hết không thì anh nói ăn không hết , em lại nói vậy sao anh không dùng muỗng riêng , thế là anh tức giận nói em nói nhiều im đi. ...); Có dịch covid em rất cẩn thận để 1 bình cồn xịt đồ ngay cửa ra vào và quy định bình đó không đem vô nhà vì nhà đã có bình khác nhưng anh thường xuyên quên ở trong nhà cứ cầm bình đó xịt đồ nói đến là anh nói phiền phức, khó khăn,...
Em cảm thấy giống như anh có ác cảm với em nên cho dù câu đầu tiên em nói rất bình thường về từ ngữ và giọng điệu nhưng anh cũng phản ứng khó chịu nhăn nhó, giống như gặp điều phiền phức, không muốn nghe. Em cảm thấy mình không sống nổi với anh nữa, muốn ly hôn không muốn nói chuyện với anh nữa, cảm thấy không tìm được niềm vui động lực trong cuộc sống ngoài đứa con. Xin bác sĩ tư vấn giúp em phải điều chỉnh tâm lý như thế nào mới thích nghi được, phải nên làm gì đây ạ. Theo chuyên gia em phải chỉnh cách nói như thế nào để hợp với con người anh. Em cảm ơn ạ.

Chào em.
Chắc hẳn khi viết thư gửi về cho chương trình, trong đầu em hiện ra rất nhiều hình ảnh không mấy tốt đẹp của chồng và tôi cảm nhận được em có phần bức xúc trước những gì anh thể hiện. Em cũng đã từng nghĩ đến việc ly hôn vì khó chấp nhận được một số tật xấu của anh.
Các em đã vượt qua được một khoảng thời gian dài đồng hành cùng nhau trên con đường "tìm con". 7 năm một hành trình, không phải cặp vợ chồng hiếm muộn nào cũng làm được điều đó. Phải có lý do rất lớn các em mới vượt qua được thử thách ấy, liệu đó có phải vì tình yêu và niềm tin mãnh liệt mà hai người đã dành cho nhau không? Nhờ có sự kiên trì và quyết tâm ấy, cả hai đã gặt được quả ngọt, và đứa con chính là một sợi dây vô giá kết nối hai vợ chồng. Vậy em nghĩ xem, nếu như hai vợ chồng không ở với nhau nữa thì con trai sẽ ở với ai. Mà dù cho ở với ai thì cháu cũng sẽ bị thiếu hụt đi tình cảm, sự quan tâm, gần gũi của người còn lại, và suy cho cùng con cái sẽ chịu nhiều ảnh hưởng thiệt thòi nhất. Em nhớ lại xem hai vợ chồng đã từng vỡ òa hạnh phúc ra sao khi có được con sau bao nhiêu ngày tháng vất vả. Em hình dung lại xem hai bố con đã từng có những phút giây tuyệt vời như thế nào khi ở bên nhau?...Chẳng ai muốn con cái sinh ra và lớn lên trong một gia đình có một vết khuyết, sẽ ảnh hưởng đến thế nào đến tâm lý của con. Trong khi đó, những vấn đề em chia sẻ thực sự rất đời thường, có thể cải thiện hoặc nhìn nhận theo một cách khác tích cực hơn.
Có khi nào chồng em cũng bận rộn với công việc, phải gồng mình quá nhiều rồi nên về đến nhà anh muốn được thoải mái một chút. Mà đó cũng là tính cách của anh, không gọn gàng, ngăn nắp, thiếu tế nhị, thiếu chu đáo...nhưng bù lại bản thân anh lại có nhiều điểm tốt khác bù lại. Chẳng ai thoải mái khi cứ bước chân về nhà là bị vợ cằn nhằn từ ngoài cửa, rồi đến khi vào trong nhà làm việc gì cũng bị vợ "soi". Nhà là nơi bình yên, ở nhà phải có cảm giác dễ chịu nhất, nhưng em có thấy em cũng đang tạo những áp lực cho tâm lý của chồng không và cũng là tự tạo áp lực cho chính mình? Tôi hiểu, em muốn mọi thứ phải thật quy củ, ngăn nắp hay ít ra anh cũng phải biết để ý hơn. Nếu những lời nói nhẹ nhàng đúng chừng mực mà không làm anh thay đổi thì em có thể dùng hành động của mình làm gương cho anh. Hoặc em có thể tìm kiếm những cách khác như ra quy định trong gia đình, ai vi phạm sẽ bị nộp phạt, khoản phạt sẽ dùng để mua đồ chơi cho con, như thế con em cũng sẽ hưởng ứng theo với một tinh thần, thái độ vui vẻ, và "giám sát" bố. Nhưng cũng đừng nặng nề quá, bắt anh ấy phải hoàn hảo bởi ai chẳng có một vài tật xấu nào đó. Chồng em có thể sẽ có những thế mạnh khác bù đắp lại như yêu vợ, thương con, đi làm về đúng giờ, biết kiếm tiền hoặc thật thà, tốt bụng...
Sự khéo léo cũng cần thử nhiều cách để xem cái nào hiệu quả, đừng để chuyện "bé xé ra to" như thế sẽ làm rạn nứt đến tình cảm vợ chồng. Nhà là nơi để về, là nơi thoải mái, bình yên, dễ chịu. Vậy mà giờ đây chồng em lại cảm thấy áp lực có tâm lý không muốn về nhà. Nhưng trong trường hợp anh không thay đổi thì em có thể giao cho anh những nhiệm vụ khác như chơi với con, dạy con học...để em có thêm thời gian dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa. Những thói quen về nề nếp ăn uống thì nhớ nhắc nhở chồng nhẹ nhàng để anh làm gương cho con. Em nên thay đổi bản thân em trước tiên, từ cách nhìn nhận đến cách giao tiếp với chồng thì tình cảm hai vợ chồng mới không bị sứt mẻ vì những chuyện không đáng.
Nhìn về đứa con và một quãng hành trình của hai vợ chồng đã vất vả ra sao em nhé. Suy cho cùng người xưa có câu "trời chả chiu đất thì đất chịu trời". Hạnh phúc là một hành trình dài và trong hành trình đó chúng ta phải vượt qua những khó khăn thử thách em nhé.
Chúc gia đình em ấm êm, hạnh phúc!