Chồng “nghe” mẹ ăn chay, tụng kinh, mời pháp sư để “chữa bệnh”.
Em đang rất mệt mỏi. Rất nhiều lần em viết mail tâm sự qua đây. Em năm nay 29 tuổi, chồng em hơn em 8 tuổi. Chúng em có 1 con chung, bé nay gần 3 tuổi. Chúng em sống với nhau năm đầu rất tốt vì chồng em tình cảm và yêu vợ. Gia đình bên nội cũng là gia đình có học.
Chuyện xảy ra gần 2 năm nay. Chồng em đi làm nhưng do lý do sức khỏe ạ, anh ấy ở nhà không đi làm. Anh ấy bị bệnh ngứa da, lở loét tay nên không chịu đi làm cho dù em đã rất động viên tìm việc cho anh ấy. Giờ đây anh ấy theo mẹ chồng em ăn chay muối mè (trước đây mẹ chồng em cũng là người theo Phật ăn chay). Bố chồng em thì do không hợp mẹ chồng nên cũng đã đi làm ăn xa trông nom khách sạn cho chị chồng em.
Em có động viên anh khám Tây y. Nhưng anh ấy không theo, giờ còn nghe mẹ chồng ăn chay tụng kinh, mời thầy về làm Pháp sư, em chán lắm. Cảm giác cái nhà không còn là cái nhà. Nhưng anh ấy không nghe em giờ ở nhà cả ăn chay. Em lâu lắm không ăn cơm ở nhà nữa bé con được gửi ở cùng ông bà ngọai. Hàng ngày đi làm xong là em về với con, rủ con ngủ rồi lại về nhà nội. Coi nhà nội như nhà trọ vì thực sự em chán chồng em lắm rồi.
Cảm giác giờ anh ây là người vô tích sự, ỷ lại vào giá đình nội mà sống. Rất may em đi làm độc lập tài chính và có khả năng nuôi con 1 mình. Em muốn ly hôn nhưng thật tâm là thương anh ấy vì bản chất chồng em tốt. Nhưng giờ đi gần em thấy rất xấu hổ đi đến đâu ai cũng hỏi chồng làm gì. Em giấu việc chồng bỏ việc với mọi người bên nhà em lâu lắm rồi. Giờ em phải làm sao?

Thân chào em!
Trong xã hội phát triển thì niềm tin tâm linh là một phần cuộc sống của mọi người. Mỗi người có một niềm tin tôn giáo khác nhau, đó là quyền riêng tư và cần được trân trọng. Chúng ta không lý giải được tại sao họ lại theo hay tin vào đạo Phật, mà đơn giản, đó là tâm tư, sở thích và niềm tin của mỗi người. Có thể, ở thời điểm hiện tại, chồng em có niềm tin với đạo Phật, coi việc ăn chay niệm phật là lẽ sống của mình. Bên cạnh đó thì việc anh ấy có bệnh thì xét trên góc độ khoa học mà nói thì cần chạy chữa. Dù là Đông y hay Tây y đi chăng nữa thì với y học phát triển như hiện nay, có hàng trăm nghìn loại bệnh còn có thể chạy chữa được thì lở loét không phải là khó khăn gì. Tuy nhiên với những niềm tin của gia đình anh ấy về việc chạy chữa bệnh bằng nhờ pháp sư hay thầy bói thì lạicó phần là sai lệch và mê tín mất rồi. Chúng tôi sẽ cùng em chia sẻ vấn đề này.
Có rất nhiều người họ nguyện tâm theo Phật như chồng em, và lấy việc ăn chay trường, học đạo tràng, niệm phật, tụng kinh là một cách thể hiện tấm lòng của mình, nhưng tín ngưỡng tới mức không đi khám chữa bệnh mà trông chờ hết bệnh, không đi làm ảnh hưởng tới hôn nhân thì có lẽ chính em phải là người mạnh mẽ hơn trong việc trao đổi và thể hiện quan điểm của bản thân để chồng hiểu. Bởi nếu cứ kéo dài tình trạng này hoặc em tiếp tục nhún nhường trước những điều kiện của chồng thì chính em sẽ khiến cuộc sống của mình thêm áp lực, mệt mỏi. Chính em cũng đã có những ý định ly hôn thì thực sự sẽ là rất mệt mỏi cho cả vợ chồng, con cái trong tương lai của cuộc hôn nhân giữa hai em.
Chúng ta không bài xích các quan điểm sùng đạo hay những điều liên quan, nhưng cũng không thể vì để chiều lòng chồng mà tự bó hẹp cuộc sống, từ bỏ các mối quan hệ xã hội, gia đình, thậm chí là ảnh hưởng tới sức khỏe của mình như vậy được. Khi đó, chính em đang đánh mất đi niềm vui trong cuộc sống của mình và hôn nhân của cả hai trở thành một cuộc trao đổi, ra điều kiện chứ không còn là hạnh phúc đúng nghĩa. Nếu chỉ vì việc em không chiều lòng chồng trong việc ăn chay, mời thầy pháp,…
Bản thân em cần có những suy nghĩ thật thấu đáo để hài hòa mối quan hệ gia đình và tránh làm tổn thương tới niềm tin tôn giáo của chồng. Trước mắt em có thể nhờ tới sự hỗ trợ của anh em, cô chú, bố mẹ gia đình nhà ngoại để thuyết phục chồng đi khám chữa bệnh theo cách thức của y học và có thời gian đi làm để vợ chồng có thể nói chuyện thẳng thắn với nhau về những suy nghĩ của mình. Em có thể phân tích để anh ấy hiểu được em tôn trọng những quan điểm cũng như tín ngưỡng tôn giáo mà chồng đang theo đuổi, nhưng cuối cùng điều quan trọng nhất vẫn là việc cả hai gìn giữ được hạnh phúc gia đình. Nếu lấy việc ăn chay trường để thương lượng, thì em cũng có thể nói với anh ấy về việc đi chữa bệnh và làm việc giúp kinh tế gia đình cùng luôn 1 lần. Thứ để gắn kết hôn nhân chính là sự sẻ chia, thông cảm và tôn trọng.
Đồng thời em cũng tự xem xét tới giới hạn chấp nhận và chịu đựng của bản thân mình. Nếu hoàn cảnh này tiếp diễn thì em sẽ xử sự như thế nào? Có mãi chấp nhận sự khác biệt quá lớn như vậy được hay không? Nếu sau tất cả nỗ lực của em vẫn không thể giúp anh ấy hiểu ra mọi chuyện, em có thể suy nghĩ tới việc đề nghị chồng tạm xa nhau một thời gian để cả hai có thể nghiêm túc suy nghĩ lại về mối quan hệ này cũng như đây là cơ hội để chồng cảm nhận rõ hơn giá trị đích thực của gia đình, của hôn nhân. Bởi cho dù em có cố gắng chịu đựng và chấp nhận, em cũng không được thoải mái, cuộc sống như vậy khác gì địa ngục có nghĩa là mục đích của hôn nhân không được đảm bảo?
Do đó, đôi khi việc mạnh mẽ nói lên suy nghĩ và dám bảo vệ quan điểm của mình cũng là một cách để người khác hiểu và trân trọng mình hơn. Nếu khi đó chồng em vẫn cố chấp không thay đổi thì chắc hẳn việc từ bỏ là điều không sớm thì muộn mà thôi. Hy vọng từ những chia sẻ của chúng tôi, em có thể vượt qua được những khó khăn hiện tại.
Chúc em mạnh mẽ và sớm tìm được tiếng nói chung với chồng và gia đình chồng.