Em chồng “tự tiện”, chồng "ba phải", bố mẹ chồng “hùa theo”...
Em chào chương trình.tư vấn ạ Em năm nay 24 tuổi.hiện đã kết hôn được 3 năm và có hai cháu. Chuyện là lúc em sinh bé thứ hai ,thì xe máy em có để nhà, thì bố mẹ chồng em thấy vậy liền để em chồng( em gái nhà chồng) đi mà không hề hỏi ý kiến em hay gì cả, em có nói chuyện với chồng em về vấn đề này thì chồng em bảo thôi vợ không đi thì để cho em nó đi một thời gian, khi nào con lớn thì để em đi lại.chuyện chẳng có gì đáng nói khi mà hiện tại bé được 5 tháng rồi. mà em có nói em chồng để xe ở nhà cho em đi mà cứ phớt lờ,
Cả bố mẹ chồng và chồng cũng thế cứ bảo để cho em nó đi đến bao giờ em đi làm thì hẵng đi.em thì bực mình quá ,vì xe rõ là xe của mình mà mình lại không được đi. Chồng em có nói lại là em mà lấy xe đi thì lại phải mua xe khác cho cô em chồng.trong khi nhà chồng em thì nghèo, bố mẹ chồng không có tiền mua,lại phải đến tay bọn em thôi,mà giờ nhà thì chưa xây được.vẫn phải ở tạm nhà thời các cụ để lại.
Chồng em thì một mình đi làm phải nuôi cả gia đình,từ ông bà cụ,bố mẹ chồng( ở nhà chăn nuôi với làm đồng cũng không có tiền) giờ lại đến cả em chồng vẫn đang đi học đại học nữa (thỉnh thoảng có em trai chồng phụ thêm thôi) Vậy em muốn hỏi chương trình là em nên tiếp tục cho em gái chồng đi xe của em tiếp (em phải đi xe đạp điện của em chồng) Hay là làm gắt nên buộc em chồng mang xe về cho em đi ạ.(trường hợp này là phải mua xe mới cho cô em chồng).
Em cảm ơn.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi tâm sự của mình về cho chương trình. Qua thư, chúng tôi hiểu phần nào những "ấm ức" của bạn trong cuộc sống gia đình, bạn không biết phải xử trí thế nào để không mất lòng những người trong gia đình nhà chồng. chúng tôi sẽ cùng bạn chia sẻ về vấn đề này.
Trong thư bạn có chia sẻ, trước đây khi bạn sinh em bé thứ hai bố mẹ chồng đã để em chồng bạn đi xe của bạn mà không hỏi ý kiến, cho đến nay em bé được 5 tháng bạn có bảo cô ấy để xe ở nhà cho bạn nhưng cô ấy phớt lờ, bố mẹ chồng và chồng cũng khuyên bạn để cho cô ấy đi cho đến khi bạn đi làm trở lại, chồng bạn có chia sẻ nếu bạn lấy xe lại thì sẽ phải mua xe khác cho cô ấy trong khi gia đình thì rất khó khăn. Chắc hạn bạn đã rất ấm ức, bực tức đúng không nào? Chúng tôi chia sẻ với những cảm xúc tiêu cực mà bạn đang trải qua.
Bạn có nghĩ rằng vì thương chồng con, vì hoàn cảnh nhà chồng mà chấp nhận im lặng cam chịu như vậy sẽ càng khiến bạn trở nên căng thẳng hơn? Bạn nghĩ sao về việc sẽ chia sẻ với em gái chồng những cảm xúc, mong muốn của bản thân, đồng thời lắng nghe những cảm xúc, mong muốn từ phía em gái để hai người sẽ có những hành xử phù hợp? Bạn có nghĩ là sẽ cho em chồng đi xe của bạn cho đến khi bạn đi làm? Bạn cũng có thể nhờ chồng tác động đến bố mẹ và em chồng nếu trong trường hợp bạn vẫn nhất quyết không muốn cho em chồng đi xe của mình.
Chúng tôi hiểu bạn đang rất khó xử. Bạn có nên cân nhắc xem liệu cách bạn xử lý vấn đề như vậy đã hợp lý chưa? Hiện tại em chồng bạn đang học đại học, nhu cầu đi lại của cô ấy như thế nào? Bạn đã cần ngay đến xe chưa và nếu cần thì có sử dụng toàn thời gian không? Bạn nghĩ vì điều gì sau khi bạn lấy lại xe, vợ chồng bạn phải mua xe khác cho cô ấy? Bạn có thể tìm hiểu nhu cầu sử dụng xe của cô ấy, nếu đơn giản chỉ để đi học thì có thực sự cần thiết không vì hiện tại ở khu vực các trường đại học các phương tiện công cộng rất nhiều, còn nếu cô ấy có nhu cầu sử dụng phục vụ không những cho việc học tập mà còn công việc, làm thêm thì bạn cũng nên xem xét tạo điều kiện.
Bạn có thể nhẹ nhàng trao đổi với em chồng hoặc nhờ chồng bạn nói chuyện, cô ấy cũng đang học đại học cũng đủ ý thức về hoàn cảnh gia đình nhà mình, bạn có thể hướng cho cô ấy nếu muốn có xe cũng có thể đi làm thêm, tiết kiệm để mua xe và vợ chồng bạn có thể hỗ trợ phần nào đó cho cô ấy, còn việc hỗ trợ như thế nào phụ thuộc vào sự trao đổi, thống nhất giữa vợ chồng bạn. Bên cạnh việc góp ý, trao đổi thì bạn cũng nên thoải mái hơn trong suy nghĩ của mình để có thể giải quyết mọi chuyện dễ dàng hơn.
Nếu trường hợp cô ấy vẫn phớt lờ những mong muốn, chia sẻ của bạn bạn đã trao đổi để bạn ấy có ý thức hơn, cố gắng, chủ động, tích cực vì lơị ích của bản thân, bớt đi phần áp lực kinh tế cho bố mẹ, anh chị nhưng bạn ấy vẫn không thay đổi thì bạn và chồng cần phải có thái độ kiên quyết hơn bởi trong cuộc sống cần phải có lao động, cố gắng, chăm chỉ mới có thể tạo ra giá trị vật chất cho mình chứ không phải phụ thuộc hay sử dụng đồ của người khác.
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về vấn đề của bạn, chúc bạn có nhwungx quyết định chính xác.
Chúc bạn và gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe!