Họ mạc mâu thuẫn vì cách xưng hô
Chào các chuyên gia tư vấn của chương trình , tôi có một câu hỏi muốn được các chuyên gia tư vấn và trả lời giúp tôi như sau.
Tôi có một người bác gái gọi ông nội tôi bằng chú ruột, người bác gái này lại lấy em trai ruột của bà nội tôi. Tranh cãi bắt đầu nổ ra từ đây. Quan điểm của tôi là : vai vế nhà nào nhà đấy xưng hô, tức là bác gái vẫn gọi ông bà nội tôi là chú thím, còn chồng của bác gái tôi vẫn gọi ông bà nội tôi là anh chị. Nhưng những người khác trong họ thì nói rằng: thuyền theo lái , gái theo chồng, phải xưng hô theo vế nhà chồng , tức là bác gái phải gọi ông bà nội tôi là anh chị.
Tôi phản đối quan điểm của những người kia và nói rằng xưng hô như vây là lộn ổ. Những người kia vẫn bảo lưu quan điểm của mình là thuyền theo lái và gái phải theo chồng, đây là luật bất di bất dịch từ trước tới nay , không theo lề lối nhà chồng thì về nhà mày mà ở, họ còn dẫn chứng luật Thọ Mai thế này thế nọ. Tôi thấy vậy mới nói rằng mọi người đang hiểu sai ý nghĩa của câu nói " thuyền theo lái, gái theo chồng". Mong các chuyên gia tư vấn và trả lời: tôi đúng hay những người kia đúng. Xin cảm ơn.

Chào anh/chị. Tôi hiểu gia đình mình đang có một sự tranh luận về cách xưng hô của bác gái với các bậc bề trên và từ đó gây ra những bất đồng ý kiến giữa các thành viên trong gia đình. Chuyên gia trang tư vấn www.cuasotinhyeu.vn sẽ tham gia gỡ rối giúp gia đình anh/chị về vấn đề này nhé!
Tôi muốn nói với anh/chị rằng, dân tộc Việt Nam có ngôn ngữ xưng hô đa dạng nhất so với các nước trên thế giới. Trong tiếng Anh, các mối quan hệ phần lớn được gói gọn trong đại từ nhân xưng " i - you", với các nước Trung Quốc, nước Đức...cũng vậy. Còn với Việt Nam, chỉ với danh từ chỉ bản thân mình thôi, nhưng với mỗi quan hệ lại có cách xưng hô một kiểu. Ví dụ như xưng " con" với bố mẹ, xưng " em" với anh chị, xưng "cháu" với cô bác, ông bà...Rồi " cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, ông cố, cụ, kị...". Tất nhiên đó là những nét đẹp trong văn hóa ngôn ngữ của người Việt mà từ bao đời nay dân tộc ta vẫn truyền cho bao đời.
Xưng hô là một phần thể hiện sự kính trọng lẫn nhau, nhưng không có nghĩa nó quyết định tất cả. Thái độ, sự quan tâm, lễ phép, cách ứng xử...mới nói lên rằng người đó có thực sự là một người biết sống, có biết điều hay không. Nhẽ ra, bác gái ấy xưng hô theo ý của bác hay ý của mọi người cũng được, miễn là gia đình không xảy ra tranh cãi, nhưng giờ thì mỗi người một ý, ai cũng muốn cố gắng chứng tỏ mình đúng, vậy là "chuyện bé xé ra to" và mọi người bắt đầu không hài lòng, thậm chí để bụng vì nhau. Ở câu chuyện của anh/chị, ai cũng có lí đúng, chẳng có ai sai cả, nhưng cái mà mọi người cần chú ý ở đây đó chính là giữ gìn hòa khí cho gia đình. Mọi người đều có thể linh hoạt trong việc sử dụng ngôn từ để xưng hô, miễn sao bác ấy cảm thấy thoải mái, tự tin nhất khi giao tiếp.
Về vai vế xưng hô, ông bà vẫn là bậc bề trên so với bác gái dù là chú thím hay anh chị. Vì thế cứ để bác ấy xưng hô cách nào mà bác ấy cảm thấy thuận nhất trong giao tiếp, chứ bắt bác ấy xưng hô theo ý của mọi người, lúc thì xưng " chú thím", khi quên lại đổi sang " anh chị", vậy chẳng phải ngượng ngùng lắm sao. Đừng vì những chuyện nhỏ này mà khiến cả gia đình quay ra tranh cãi rồi mất lòng lẫn nhau, điều ấy không nên một chút nào. Đã là những người cùng trong một gia đình nên có sự bao dung, xuề xòa với nhau một chút cho dễ sống, chứ cứng nhắc quá lại ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Bên cạnh đó ở mỗi dòng họ thường sẽ có 1 người được gọi là Trưởng họ người đó sẽ có những quyết định cho một số vấn đề trong họ tộc, vì vậy để hạn chế tình trạng "chín người mười ý" thì gia đình bạn có thể giao cho Trưởng họ quyết định dựa trên tham khảo những "luật lệ" của dòng họ
Chúc gia đình anh/chị luôn êm ấm và hòa thuận.