Ly hôn rồi mới biết vợ mắc Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Tôi và vợ tôi kết hôn với nhau gần 5 năm, tôi 38 tuổi và vợ tôi 27 tuổi, chúng tôi chưa có con vì đã sẩy thai vài lần. Gần đây, tôi có chat qua mạng zalo và bị cô ấy bắt gặp, cô ấy đã rất giận tôi và đòi li dị. Tôi đã năn nỉ cô ấy hết lần này đến lần khác nhưng vẫn không được, càng ngày cô ấy càng muốn tránh mặt tôi, không muốn nói chuyện với tôi. Đã có những lúc cô ấy chửi tôi, mạt sát tôi nhưng tôi vẫn im lặng, tôi nghĩ nếu không thể sống chung với nhau được thì có thể đường ai nấy đi. Nhưng tôi lại phát hiện ra 1 điều mà bấy lâu nay tôi không hề biết nó tồn tại. Tôi để ý thấy cô ấy lúc tức giận cứ hay lảm nhảm, rồi lúc khóc lúc cười, tôi nghĩ cô ấy bị tâm lý rất nặng.
Tôi nhớ lại cách đây 3 năm, cô ấy có nói với tôi là có 1 thầy giáo kêu cô ấy làm test nhanh về Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Lúc ấy cô ấy nói với tôi thì tôi chỉ nghĩ cô ấy đùa, mà tôi cũng chưa từng nghe qua bệnh đó. Thế là tôi lên mạng tìm hiểu về bệnh Rối loạn ám ảnh cưỡng chế và tôi thấy những triệu chứng đó tôi thường thấy ở vợ tôi. Tôi thật sự rất là sốc, sốc vì bấy lâu nay cô ấy lại chịu áp lực lớn như vậy mà tôi không hề hay biết. Giờ đây tôi thật sự không thể bỏ rơi vợ tôi được, tôi phải ở bên vợ tôi để động viên cô ấy, giúp cô ấy trị được căn bệnh này. Nhưng làm thế nào cô ấy cũng không thèm nói chuyện với tôi, tôi đã nhắn tin cả trăm lần cầu mong cô ấy tha thứ, nhưng cô ấy chỉ xem mà không trả lời. Lòng tôi đau như cắt khi thấy vợ mình đau khổ tự dày vò bản thân mà mình không làm được gì. Tôi thật sự rất ân hận những gì mình đã làm, tôi chỉ mong cô ấy hãy thứ cho tôi.
Mong chương trình hãy cho tôi biết tôi phải làm sao?

Thân chào bạn!
Chắc hẳn bạn đang rất lo lắng cho vợ của mình về bệnh tình của cô ấy khi cô ấy có thể đang gặp phải rối lọan ám ảnh cưỡng chế. Điều đó làm bạn càng day dứt về những điều mình làm và sự vô tâm của bản thân khi để vợ chịu đựng một mình như vậy. Chúng tôi cùng trao đổi với bạn về vấn đề này, bạn nhé!
Hiện tại, bạn đang băn khoăn về bệnh tình của vợ cũ của mình thì bạn cần thực sự nắm rõ về việc cô ấy có đi khám có kết luận là có bệnh và dùng thuốc hay chưa, nếu chưa thì bằng cách nào đó bạn trao đổi với bố mẹ vợ, anh chị em để khuyên cô ấy đi chẩn đóan và trị liệu. Nếu cô ấy đã đi và đang dùng thuốc thì bạn cũng có thể đi tái khám cùng với cô ấy lần sau, đó là một cách bạn biết được bệnh tình cụ thể của cô ấy. Thêm vào đó cũng là cách để cô ấy thấy được tình cảm của bạn, thấy bạn không bỏ cô ấy lúc cô ấy khó khăn, bệnh tật và nói với cô ấy những điều bạn cảm thấy ăn năn, có lỗi ra sao mà mong cô ấy vị tha như thế nào để cô ấy hiểu phần nào nỗi lòng bạn. Có thể bạn cũng đã tìm hiểu về vấn đề của rối loạn này. Vậy chúng tôi sẽ trao đổi để bạn hiểu thêm đôi chút nữa nhé.
Rối lọan ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một chứng rối loạn dựa trên các ý nghĩ dai dẳng và ám ảnh và/hoặc các hành vi cưỡng chế. Dù người bệnh nhân biết được rằng những ý nghĩ là của mình, nhưng hoàn toàn bất lực trước nó. Tương đương như vậy, hành động cưỡng chế hoặc “nghi lễ” là những hành vi rập khuôn, được lặp đi lặp lại mà không đạt được một mục đích nào cả. Ám ảnh là những ý tưởng, suy nghĩ hay hình ảnh cứ xuất hiện một cách dai dẳng, xâm nhập vào đầu óc khiến cho tâm thần bồn chồn, mỏi mệt. Sự xâm nhập này được nhận dạng là “kẻ lạ trong tiềm thức”. Có nghĩa là với cá nhân mắc bệnh, họ nhận nỗi ám ảnh này là “lạ lùng, không nằm trong quyền điều khiển của họ và không phải loại suy nghĩ mà họ nghĩ là mình sẽ có. Tuy nhiên, họ có thể nhận ra nỗi ám ảnh đó xuất phát từ trong tâm trí mà không phải là do tác động từ bên ngoài; nhưng họ lại khó có thể làm gì để dừng lại hay thay đổi nó.
Cho đến thời gian gần đây, Rối loạn ám ảnh cưỡng chế luôn được coi là một trong những hội chứng khó đoán nhất trong các bệnh về rối loạn tâm lý. Bệnh này thường có một quá trình mãn tính và chiều hướng xấu đi, với các triệu chứng tăng giảm thất thường. Tuy nhiên, sự tiến bộ gần đây trong dược lý trị liệu, cũng như các phương pháp điều trị hành vi đã giúp giảm bớt triệu chứng OCD một cách đáng kể với 70% bệnh nhân. Mặc dù số đông bệnh nhân phản ứng tốt với phương pháp điều trị, thường vẫn có một số triệu chứng còn sót lại.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một hội chứng có hình thức đa dạng và diễn biến khó lường. Nhiều mô hình điều trị đã thành công ở những mức độ nhất định trong việc cải thiện các triệu chứng OCD. Những liệu pháp này bao gồm dược lý trị liệu, điều trị nhận biết hành vi, liệu pháp sốc điện và phẫu thuật tâm thần. Thông thường, sử dụng một mình biện pháp trị liệu tâm lý sẽ không có hiệu quả, nhưng sự ủng hộ về mặt tinh thần, tâm lý cho bệnh nhân OCD và gia đình là vô cùng quan trọng. Vì thế trong khoảng thời gian này, bạn hãy cùng con cái chia sẻ với cô ấy thật nhiều để cả hai vợ chồng hiểu nhau hơn. Biết đâu với chân tình của bạn sẽ giúp được cho vợ bạn rất nhiều và ngày tái hợp của cả vợ chồng, con cái sẽ không còn xa nữa. Vậy thì thay vì ngồi ăn năn, ân hận thì hãy hành động trước khi quá muộn. Hy vọng sau những chia sẻ của chúng tôi có phần nào hữu ích cho vấn đề của bạn. Nếu mong muốn trao đổi với chương trình, bạn vui lòng gọi điện qua số tổng đài Cửa sổ tình yêu 19006802 để cùng tâm sự với các chuyên gia của chương trình.
Chúc hai bạn sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn này.