Vợ chồng chẳng có gì chung trừ đứa con...
Em năm nay 25 tuổi, lập gia đình được 2 năm và đang có cháu nhỏ vài tháng tuổi. Vợ chồng ở chung với gia đình chồng nên có nhiều mâu thuẫn, do lối sống và quan điểm sống khác nhau. Còn chồng em là 1 người có công việc khá tốt, lương cao, em cũng có công việc ổn định lương khá. Nhưng vợ chồng em chẳng có gì chung trừ đứa con.
Em không tham lam nhưng muốn chồng có thể hàng tháng đưa vợ chút ít để tiết kiệm, lo cho con và lo việc nội ngoại hay ốm đau bệnh tật. Chồng có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, em không biết tiêu việc gì, không bao giờ chồng em nói và em nhắc thì lại khùng lên, bảo tiền ai người ấy tiêu, nhà ai người ấy lo. Em không có ý định kiểm soát lương và chi tiêu của chồng, nhưng vợ chồng em chẳng khác gì người dưng.
Em thật sự muốn vun vén mà chồng em thì cứ muốn thân ai người ấy lo, nhưng còn con cái về sau nữa thì làm thế nào? Em hiện giờ cảm thấy chán nản và thất vọng rất nhiều. Đôi khi em nghĩ mình có kiểm soát không khi mà chỉ muốn, không nhiều thì ít chồng cũng đưa vợ giữ? Để ít nhất cũng thấy chồng lo lắng cho gia đình và tương lai.

Chào em.
Người xưa từng có câu "bát đũa còn có lúc xô, huống chi vợ chồng". Có thể thấy rằng, trong đời sống vợ chồng không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng, đó là một điều hoàn toàn tự nhiên. Do đó, đối với mỗi người vợ, người chồng, vấn đề không phải nằm ở chỗ "giải phóng" hết mâu thuẫn mà là tìm ra những nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn, để từ đó tìm ra phương pháp "trị liệu" những mâu thuẫn đó. Mâu thuẫn nó có thể xuất phát là do tính cách, nếp sống. Xuất phát từ cách nhìn nhận về cuộc sống của mỗi người cho nên có những cuộc tranh luận và khi đó giao tiếp, ứng xử không khéo léo sẽ ảnh hưởng đến hòa khí. Mâu thuẫn nhiều khi cũng là do bất đồng trong cách giáo dục con cái của mỗi người và đặc biệt đó là vấn đề mâu thuẫn về chuyện tài chính, kinh tế.
Trong mâu thuẫn về vấn đề tài chính kinh tế nó nằm trên nhiều khía cạnh khác nhau. Mỗi gia đình sẽ mang mỗi câu chuyện khác cho việc mâu thuẫn ấy. Chẳng hạn có gia đình mâu thuẫn nhau do kinh tế khó khăn, chật hẹp, rồi mâu thuẫn về vấn đề chi tiêu. Nhiều trường hợp chồng giữa riêng tiền, không đưa cho vợ và anh ta tự chi tiêu các khoản chung trong gia đình. Có những người họ lại đưa hết tiền cho vợ. Bên cạnh đó lại có những ông chồng thậm chí lại còn không đưa cho vợ bất kỳ một khoản tiền nào, giống như hồi vẫn còn là người yêu. Và trường hợp gia đình nhà em là không ngoại lệ.
Đúng ra mà nói, những suy nghĩ của em là hoàn toàn hợp lý và đó cũng là suy nghĩ, mong muốn của những người phụ nữ của gia đình. Nếu như chúng ta chưa lập gia đình thì việc chi tiêu sẽ thoải mái hơn, kiếm được bao nhiêu tiêu như thế nào là quyền của mình. Tuy nhiên, khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân thì cần rất nhiều khoản phải chi tiêu. Đó có thể tiền sinh hoạt của cả hai vợ chồng, tiền lễ lạt, có con thì thêm tiền bỉm, tiền sữa, tiền ăn…Rồi tương lai xa thì cũng cần nhiều khoản chi tiêu khác, thậm chí là cần những khoản tiền lớn. Bởi thế, hai vợ chồng nhất thiết phải có sự “chung lưng đấu cật” về vấn đề tài chính.
Hơn nữa, sự thống nhất của hai vợ chồng trong các khoản chi tiêu, rồi những khoản khác nó cũng là một trong những hình thức giúp vợ chồng cảm nhận được trách nhiệm của đối phương trong đời sống hôn nhân. Chính vì thế em nên có cuộc trao đổi thẳng thắn và nghiêm túc đối với chồng. Nếu như nguyện vọng của anh ấy là tiền ai người ấy chi, nhà ai người ấy lo thì chí ít em sẽ liệt kê những khoản chung mà vợ chồng cần chi trả để anh ấy cần đóng góp. Chẳng hạn như tiền ăn uống, tiền nuôi con, tiền sắm sửa đồ đạc trong nhà. Em liệt kê một tháng chi tiêu hết bao nhiêu, hai vợ chồng chia đôi. Nếu như anh ấy vẫn cứ nhất quyết không chịu đưa tiền kể cả những khoản chung thì em có thể họp bàn với gia đình, trao đổi với ông bà để ông bà đóng góp ý kiến.
Trong trường hợp gia đình anh ấy cũng hay bênh vực con và mối quan hệ không thực sự tốt đẹp thì em có thể trao đổi qua với ông bà và xin ông bà về bên ngoại hoặc đi công tác một thời gian một thời gian. Khi đó chấp nhận việc để con bên nhà nội và em cũng không chi 1 khoản nào để chồng em sẽ là người gửi tiền về cho bố mẹ anh ấy. Khi đó anh ấy cũng sẽ biết được một tháng chi tiêu như thế nào, việc chăm lo cho con cái khó khăn ra sao.... Còn khoản để tiết kiệm thì sẽ khó vì ngay từ đầu chồng em đã có sự tính toán như thế. Có thể anh ấy sợ rằng khi đã có khoản chung, anh ấy không giữ tiền nhiều trường hợp vợ lấy tiền cho nhà ngoại, anh ấy không thể kiểm soát được hoặc có thể là những suy nghĩ khác. Vì thế vấn đề chỉ tạm thời ở việc giải quyết để anh ấy cung cấp tiền chi tiêu cho em hằng tháng, rồi em chi tiêu tiết kiệm thì em dành dụm ra. Khi nào mọi chuyện thực sự đi vào bế tắc thì lúc đó mới nên nghĩ tới vấn đề giải thoát cho bản thân em gái ạ.
Trên đây là một số gợi ý của chương trình. Hi vọng em sẽ có phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề cho mình.
Chúc em sức khỏe!