Vợ chồng ly thân, bà ngoại giữ cháu nhốt cháu trong nhà 24/24.
Em chào cửa sổ tình yêu.
Vợ chồng em ly thân được 1 năm có bé gần 2 tuổi, hiện tại vợ chồng em không sống chung nữa. Bé thì được bà ngoại nuôi, cái lối sống của bên ngoại làm em không hài lòng và rất ấm ức không lên tiếng được. Bà ngoại giữ cháu nhốt cháu trong nhà 24/24 không cho bé ra ngoài chơi. Hiện giờ con em có biểu hiện ít giao tiếp với bạn bé cùng lứa, mặt lúc nào cũng buồn không nói 1 lời, gần 2 tuổi chưa nói được câu nào. Em kêu tên con cũng không thèm đáp trả và bé có biểu hiện gắt người khác, sờ bộ phận sinh dục, bé không vui cười như bao trẻ khác. Bé rất thích đi chơi, mỗi lần em đón bé rất vui không muốn về ngoại, cứ chở về là khóc óe lên. Em nhìn mà sót mà có chút ấm ức bên ngoại vì cái lối sống như vậy.
Giờ em phải làm sao để con em vui cười như bao trẻ khác?

Chào em!
Cảm ơn em đã gửi những băn khoăn đến cho chương trình, sau khi đọc những dòng thư em chia sẻ chúng tôi hiểu được nỗi lòng của cha mẹ lo lắng cho con cái của mình nơi em. Chắc hẳn em đang cảm thấy khó chịu với cách giáo dục, nuôi dạy con cháu của bên nhà ngoại. Hơn nữa, em cảm thấy lo lắng cho tình trạng của con, chúng tôi sẽ cùng em chia sẻ những khó khăn này.
Từ những điều em chia sẻ tới chương trình về biểu hiện của bé nhà em chúng tôi cũng nhận thấy được những bất thường nơi cháu. Tuy nhiên, những biểu hiện em chia sẻ chưa đủ để kết luận là cháu có vấn đề gì liên quan đến chậm phát triển hay những rối loạn như tự kỉ, tăng động giảm chú ý hay không. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không trực tiếp chuẩn đoán, đánh giá cho cháu nên không thể có kết luận chính xác về biểu hiện của cháu. Vì thế trong trường hợp này để có được sự chăm sóc giáo dục tốt cho cháu gia đình cần trao đổi với nhau về tình trạng của con em mình. Điều cần thiết tại thời điểm này là đưa con tới các cơ sở y tế nơi có khi tâm bệnh hay khoa tâm thần trẻ em để có được kết luận chính xác. Nếu con hoàn toàn bình thường thì đó là điều đáng mừng của gia đình, tuy nhiên cũng phải thay đổi cách giáo dục thay vì “nhốt” con cả ngày như vậy. Còn nếu con có vấn đề bất thường sau khi được các bác sĩ đánh giá thì gia đình nên kết hợp với các biện pháp trị liệu, can thiệp hay giáo dục sớm cho con để thay đổi vấn đề này.
Dẫu biết rằng ai cũng mong cầu có một cuộc hôn nhân đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc; nhưng không hiểu vì lý do gì mà hai vợ chồng em ly thân – điều đó phần nào đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con. Những đứa trẻ luôn là người thiệt thòi trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Vì thế dù là bố mẹ có xa cách nhau, không còn yêu thương nhau cũng không đồng nghĩa với việc con cái cùng phải chịu theo nhiều tổn thương, thiệt thòi cũng như thiếu quan tâm như vậy. Hy vọng sau những chia sẻ của chương trình, bằng cách nào đó em và gia đình có thể nhìn nhận lại vấn đề này và cho con, cháu của mình có một môi trường để phát triển lành mạnh như bao em nhỏ khác.
Thân ái!