Yêu chiều vợ có phải là dấu hiệu của một người đàn ông nhu nhược?
Em không biết em có phải là một người đàn ông nhu nhược không?
Em kết hôn được gần 6 năm, có 1 bé 5 tuổi. Vợ em 25 tuổi, còn em 32 tuổi. Tính tình vợ em là người không kiên nhẫn, nóng nảy, hơi tý giận dỗi, khóc lóc; Còn em thì gần như ngược lại, luôn nhẫn lại và nhường nhịn. Mỗi lần giận dỗi em đều là người lên tiếng làm hoà để không khí khỏi căng thẳng. 1 lần vợ em có nhắn tin với người yêu cũ, có thể là trêu đùa nhau, em biết và có xin lỗi em, hứa sẽ thay đổi bản tính nên em bỏ qua. Sống với nhau mà suốt ngày giận dỗi em cũng thấy rất mệt mỏi. Em rất thoải mái cho vợ đi chơi cùng bạn bè, không cấm đoán, vợ thích gì là em đều chiều cái đó. Bởi vì đơn giản em nghĩ vợ mình thiệt thòi nên mình cần bù đắp nhiều hơn và phần vì em rất nể bố mẹ vợ đã trông con sớm ngày (bố mẹ đẻ em yếu). Vợ chồng em sống với bố mẹ nhưng gần như chẳng khi nào con dâu ngồi ăn với mẹ chồng. Em rất buồn khi mẹ mình nói “H nó có muốn ngồi ăn cùng mẹ đâu”. Mẹ em tai biến và cũng nhiều tuổi rồi, chị gái em là người chăm sóc mẹ chủ yếu chứ vợ em cũng không phải trông nom. Em cũng chỉ mong mẹ vui vẻ quãng thời gian cuối đời còn lại. Em cũng đã rất nhiều lần giải thích cho vợ em rằng mẹ bệnh tật em đừng có chấp mẹ làm gì, vui vẻ hỏi han mẹ; nhưng dường như vô nghĩa thì phải. Em có nên tiếp tục sống với người vợ như thế nữa không? 1 người nóng nảy, hay dỗi, không chịu nhường nhịn ai cả và có tính gia trưởng của đàn ông.

Mến chào em trai!
Đọc thư em, tôi hiểu rằng em cảm thấy buồn và lo nghĩ nhiều khi mong mỏi của em rằng vợ em thoải mái, hỏi han mẹ em, mẹ em được vui vẻ trong suốt quãng đời còn lại nhưng chưa được đáp ứng dù mong ước đó rất đơn giản thôi. Điều đó khiến em băn khoăn về chính bản thân em, không biết mình có phải là một người nhu nhược hay không; và em cũng băn khoăn về chính cuộc sống hôn nhân của mình không biết có nên tiếp tục chung sống với một người vợ nóng nảy, hay giận dỗi, không chịu nhường nhịn ai như thế này? Chương trình hiểu và chia sẻ cùng em nỗi niềm này.
Trước hết, em có phải là một người đàn ông nhu nhược hay không? Ở đây tôi chưa thể vội vàng khẳng định em là người như thế nào vì nó còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, qua những điều em chia sẻ thì có thể thấy được em là một người chồng thương vợ và một người con hiếu thảo, luôn nghĩ biết suy nghĩ cho tâm trạng, cảm xúc của người khác. Việc em chủ động làm lành khi vợ giận dỗi, chiều theo ý vợ để vợ được vui, sẵn sàng tha thứ cho lỗi sai của vợ, tôn trọng gia đình vợ… đó là biểu hiện của một người đàn ông trưởng thành, chính chắn, vị tha, bao dung, thậm chí là hy sinh để gia đình của mình được yên ấm, để những người mình yêu thương hạnh phúc. Đó hoàn toàn không phải là biểu hiểu hiện của một người đàn ông nhu nhược. Người đàn ông nhu nhược thường sẽ là người không tự đưa ra được quyết định, sĩ diện hão, thiếu kiên nhẫn, không dám nhận lỗi về bản thân, không dám đứng ra bảo vệ vợ con mình… em ạ. Trong tình huống của em, có lẽ điều khiến em muộn phiền, lo lắng lúc này chỉ là muốn vợ em vui vẻ, hòa đồng, để ý đến mẹ em hơn, nhưng dù em góp ý thì vợ em vẫn chưa thay đổi.
Trong thư em nói rằng “em đã rất nhiều lần giải thích cho vợ em rằng mẹ bệnh tật em đừng có chấp mẹ làm gì, vui vẻ hỏi han mẹ”, không biết khi em chia sẻ chân thành như vậy thì vợ em có suy nghĩ và phản ứng như thế nào? Cô ấy cho những điều em nói là không nên, không phải, chống đối em; hay cô ấy cũng lắng nghe, cũng thấy có lý nhưng lại chưa biết cách thay đổi như thế nào? Bình thường khi không có mâu thuẫn, giận hờn gì thì tình cảm giữa hai vợ chồng ra sao? Em có bao giờ chia sẻ với cô ấy về cảm xúc, suy nghĩ của em khi thấy cô ấy không nhiệt tình, mặn mà lắm trong mối quan hệ với nhà chồng? Cho cô ấy biết bản thân em thấy buồn và chạnh lòng ra sao khi mẹ chia sẻ với em là mẹ buồn vì con dâu không muốn ăn cơm với mẹ nhưng em bất lực chẳng biết phải làm thế nào để khiến mẹ vui? Nếu chưa thì em nên thử chia sẻ với vợ em xem sao. Có thể cô ấy ít tuổi hơn em, trẻ con và chưa suy nghĩ được thấu đáo; nhưng nếu cô ấy yêu em, khi thấy người mình yêu buồn, bất lực như vậy cô ấy cũng sẽ cố gắng thay đổi phần nào đó để người chồng mà cô ấy yêu thương có được sự vui vẻ, thoải mái trong cuộc sống. Trong trường hợp việc hai vợ chồng nói chuyện với nhau quá khó khăn thì em cũng có thể tìm người trung gian kết nối hai vợ chồng lại với nhau để cả hai có thể hiểu và cố gắng vì nhau nhiều hơn. Đó có thể là bố mẹ, anh chị em và bạn bè thân thiết của cả hai. Tuy nhiên, em cũng phải thực sự khéo léo chia sẻ, trao đổi với họ trong sự chân thành, mang tính xây dựng; và cũng nhờ họ khéo léo trao đổi với vợ em để cô ấy hiểu em, từ đó biết cách ứng xử cho phù hợp. Tránh những cách nói chuyện khiến cô ấy cảm thấy bị chỉ trích, bị em nói xấu em nhé. Hy vọng với tình cảm chân thành của em, với sự nỗ lực của hai vợ chồng, em và cô ấy có thể cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc. Cặp vợ chồng nào chung sống với nhau rồi cũng xảy ra mâu thuẫn, thế nên đừng vì một vài vấn đề chưa được giải quyết mà đánh mất đi hạnh phúc thực sự của mình em nhé.
Chúc em hạnh phúc!