Có nên dùng dung dịch vệ sinh để rửa vết khâu tầng sinh môn không ?
Em chào bác sĩ !
Em năm nay 20 tuổi. Cách đây 3 ngày em sanh em bé ở bệnh viện huyện được 3,4kg. Sanh con đầu tiên sinh thường và rạch tầng sinh môn và bác sĩ có khâu lại. Em thấy vùng kín của em sưng ,ít đau ,sản dịch vẫn ra. Sau 3 ngày đó, em về nhà bác sĩ kê đơn uống và cho một chai nước muối đã pha sẵn, 1 chai sát trùng da, bảo em pha loãng với nước ấm rồi rửa. Em muốn bác sĩ tư vấn là em có được dùng dung dịch vệ sinh như ( dạ Hương ,Linh Hương ,lactacyd,) không ? Và vùng kín của em sưng ít đau ,có nguy hiểm, nhiễm trùng không ạ ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em.
Em xin chân thành cảm ơn !

Chào em !
Thông thường, cảm giác đau, khó chịu của vết khâu tầng sinh môn sẽ xảy ra trong vòng 1-2 tuần đầu sau khi sinh. Vì vậy, việc vùng kín của em sau khi sinh được 3 ngày có hiện tượng sưng, ít đau là tình trạng hoàn toàn bình thường của nữ giới sau khi trải qua quá trình sinh nở. Nên em có thể yên tâm về vấn đề này. Việc quan trọng của em trong thời gian này là phải chăm sóc và giữ vết khâu thật sạch sẽ để mau lành và tránh nhiễm trùng. Sau khoảng 2 -3 tuần thì vết khâu tầng sinh môn sẽ tự lành. Và khoảng 1 tháng sau khâu sẽ cảm thấy bình thường như lúc trước.
Vùng kín sau khi trải qua quá trình sinh nở và cắt tầng sinh môn sẽ có xu hướng trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng với các hóa chất, cho dù là ở mức độ nhẹ. Vì vậy, trong thời gian này em không nên vội sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ để rửa vùng kín. Thay vào đó, em chỉ cần rửa bằng nước muối pha sẵn theo đúng cách là được hoặc nếu sử dụng dung dịch vệ sinh thì phải là loại chuyên dụng cho phụ nữ sau sinh.
Về việc vệ sinh vùng kín cũng như chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh, em cần lưu ý nên sử dụng nước sạch đun rồi để nguội, pha với nước muối loãng để rửa vệ sinh khu vực bộ phận sinh dục của mình. Khi vệ sinh, cần rửa nhẹ nhàng, dội nước từ từ. Nên vệ sinh ít nhất 3 lần/ngày, nhất là sau khi tiểu tiện, sau khi vệ sinh nên thấm khô vùng kín bằng khăn mềm. Không nên tự ý thụt rửa sâu vào â.đ. Vết khâu tầng sinh môn trong thời gian đầu rất dễ bị rách hoặc hở khi có những tác động mạnh, do đó em hãy chia sẻ với chồng, tạm hoãn chuyện "gần gũi" đến khi vết khâu lành hoàn toàn, để đảm bảo sự an toàn nhất cho sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, em cũng cần ăn nhiều thức ăn nhuận tràng để tránh tình trạng táo bón, bởi nó sẽ khiến em phải rặn mạnh mỗi lần đi đại tiện, điều này sẽ gây tổn thương đến vết khâu chưa lành của em.
Ngoài ra, việc vận động sau sinh cũng rất quan trọng cho quá trình hồi phục sức khỏe sau sinh của em. Trong thời này em cần hạn chế vận động mạnh để tránh gây tổn thương đến vết thương. Tuy nhiên, em có thể di chuyển xung quanh nhà một cách nhẹ nhàng để tăng lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn, giúp vết thương mau lành hơn. Mặt khác, khi thấy các dấu hiệu bất thường như bị sốt hay ớn lạnh, đau bụng dưới nhiều, cảm giác nóng rát và đau nhiều khi đi tiểu, vết khâu tầng sinh môn bị mưng mủ hay có mùi hôi, không kiểm soát được trung tiện, thường xuyên mắc đại tiện,... thì em cần đi ngay đến cơ sở y tế để được gặp bác sĩ và tiến hành điều trị càng sớm càng tốt.
Chúc em và gia đình sức khỏe !