Con chậm phát triển có phải do mẹ sinh con ở tuổi cao?
Em chào các chuyên gia tư vấn
Bố mẹ vợ em đẻ được 1 bé trai mà họ đã ngoài tuổi 45. Trong quá trình chuyển dạ được bác sĩ chẩn đoán bị suy thai và phải mổ gấp. Xét nghiệm máu gót chân được chẩn đoán rối loạn chuyển hóa axit amin, em không rõ ở thể nặng hay thể nhẹ. Tính đến thời điểm hiện tại được hơn 8 tháng, bé được hơn 7kg và chưa biết lật thậm chí chưa thấy dấu hiệu bé biết lật, đầu to chân tay nhỏ. Khi có sự hỗ trợ của người lớn cho bé lật, bé chỉ biết duỗi 2 tay thẳng ra chứ không co vào được để đỡ lấy phần ngực, cho bé nằm ngửa bé chỉ biết đạp hai chân và khóc. Được hơn 8 tháng mà bé chưa biết ăn dặm mà chỉ uống sữa công thức và men hỗ trợ tiêu hóa. Liệu rằng bé 8 tháng tuổi bị tình trạng như trên có phải là do bố mẹ vợ em đẻ quá tuổi sinh nở.
Mong các chuyên gia tư vấn giúp em . Em xin chân thành cảm ơn

Chào em!
Cảm ơn em đã tin tưởng và gửi câu hỏi của mình về cho chương trình Cửa sổ tình yêu để được tư vấn. Vấn đề em muốn hỏi là bố mẹ vợ em có sinh thêm em bé khi tuổi ngoài 45, khi sinh bị sinh khó phải mổ, xét nghiệm máu gót chân cho thấy kết quả bị rối loạn acid amin. Hiện tại bé 8 tháng tuổi chưa biết lẫy, vẫn chưa hợp tác ăn dặm mà chỉ uống sữa và men tiêu hóa. Em muốn biết bé như vậy có phải chậm phát triển hay không, nguyên nhân là gì?
Theo nghiên cứu thống kê cho thấy, phụ nữ sau tuổi 40 sinh con, khả năng con bị các dị tật bẩm sinh do chất lượng trứng suy giảm sẽ tăng cao hơn so với phụ nữ sinh con trong độ tuổi sinh sản. Ở tuổi 40 tỷ lệ sinh con bị down là 1/100 và ở phụ nữ tuổi 45 là 1/30. Các vấn đề khác như nguy cơ về các bệnh rối loạn di truyền khác, thai sinh non, nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ cũng tăng cao ở những trường hợp bố mẹ sinh con quá độ tuổi sinh sản. Tuy thế, với việc mẹ vợ em sinh khó, phải mổ, bé sinh ra có nhiều vấn đề bất thường cũng có thể do ảnh hưởng cả việc bố mẹ cao tuổi và những nguyên nhân khác như trong quá trình mang thai có sử dụng thuốc chống chỉ định thai kỳ, hoặc tiếp xúc hóa chất, tia xạ, hoặc mắc virus, có các bệnh mãn tính,... Vì thế hiện em vợ em sinh ra có các bất thường như vậy cũng không khẳng định được nguyên nhân chính xác là gì, bởi chúng tôi không được rõ tiền sử bệnh tật cũng như sức khỏe của mẹ vợ em trong suốt quá trình amng thai, tuy nhiên yếu tố tuổi tác chắc chắn sẽ góp một phần trong những nguyên nhân ấy.
Xét nghiệm máu gót chân là xét nghiệm kiểm tra sàng lọc sau sinh, sàng lọc được 5 bệnh đó là Thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận,phe-nyl-ke-to-nu-ri-a, rối loạn chuyển hóa ga-lac-to-se. Theo như em nói em trai em xét nghiệm này cho kết quả rối loạn acid amin thì khả năng cao là em trai em bị bệnh lý phe-nyl-ke-to-nu-ri-a, đây là bệnh gây ra bởi di truyền gen lặn, trẻ bị bệnh thường có sự ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và vận động. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do bố mẹ em tuổi cao nên gây ra các đột biến gen hoặc là vốn dĩ trong hệ gen của gia đình đã có những gen bất thường này. Vì thế, để đề phòng trường hợp hai vợ chồng em sinh con sau này cũng có thể bị tình trạng rối loạn này thì hai em nên kiểm tra trước khi có kế hoạch sinh con. Với em trai em hiện tại thì có nhiều bất thường, chậm phát triển hơn so với các bé cùng lứa nhưng giai đoạn này chưa thể can thiệp điều trị bởi bé còn quá nhỏ. Chế độ ăn của trẻ bị bệnh này cần kiêng các sản phẩm chứa protein hàm lượng cao, đây là lý do bé hiện tại vẫn chỉ uống sữa, và còn cần uống đúng loại sữa không chứa phe-nyl-a-la-nin. Khi bé lớn hơn cần đưa bé đi khám bác sỹ định kỳ để xét nghiệm và khi đó bác sỹ sẽ chỉ định các loại thuốc đặc trị. Về phát triển trí tuệ và vận động bé cũng sẽ có thể bị chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường, gia đình nên chuẩn bị trước tâm lý. Tuy nhiên hiện tại cũng có nhiều cơ sở giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Nếu sau này bé nhà em chậm hơn các bạn cùng lứa có thể cho cháu theo học ở những trường học này để phù hợp hơn, giúp bé có những kỹ năng tối thiểu cần thiết trong cuộc sống.
Chúc gia đình sức khỏe!