Đau bụng khi mang thai 5 tuần có là dấu hiệu bất thường
Chào bác sĩ,
Em năm nay 40 tuổi và đang mang thai lần thứ 4. Em mang thai đang 5 tuần rồi nhưng lại thấy đau bụng quá, người khó chịu nôn nao, đau đầu, có những lúc tưởng như đi ngoài nhưng không phải và không ra máu. Em đang không hiểu lý do vì sao bị như vậy nên mong bác sĩ tư vấn giúp ạ. Trước lần mang thai này hơn 1 năm, em có bị hỏng 1 bé vì bị sảy ạ.
Em xin cảm ơn bác sĩ.


Chào em,
Thay mặt chương trình, cảm ơn em đã quan tâm và chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc của mình với chúng tôi. Qua chia sẻ, chúng tôi biết được em đang mang thai tuần thứ 5 nhưng lại xuất hiện tình trạng đau bụng kèm theo đau đầu, nôn nao, khó chịu trong người. Hiện tượng này khiến em rất lo lắng nên muốn được chúng tôi tư vấn giải đáp giúp.
Một trong những cơn đau nhức phổ biến nhất mà những mẹ bầu có thể gặp phải là một cơn đau nhói ở bên trong, xung quanh vùng bụng hoặc háng. Theo đó, một số cơn đau bụng khi mang thai là điều hoàn toàn bình thường trong thai kỳ, thường liên quan đến các nguyên nhân như: tăng lưu lượng máu đến tử cung trong 3 tháng đầu, đau dây chằng tròn, đầy hơi, khó tiêu, táo bón... Tuy nhiên, với những cơn đau bụng dữ dội kèm theo nôn nao khó chịu trong người, đau đầu như của em thì sẽ cần phải hết sức lưu ý. Bởi khi này nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng của em có thể xuất phát từ các vấn đề bất thường như: Chửa ngoài tử cung, dọa sẩy và sẩy,... Hoặc cũng có thể đến từ các vấn đề đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm dạ dày - đại tràng, trào ngược dạ dày - thực quản,... Ở những trường hợp này việc thăm khám và điều trị là lựa chọn hàng đầu.
Như vậy, với các dấu hiệu đang gặp phải hiện giờ, em nên đi đến các bệnh viện Phụ sản càng sớm càng tốt để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác vấn đề của mình, từ đó có hướng xử trí phù hợp. Mang thai ở độ tuổi 40 thường có thể xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro hơn so với độ tuổi từ 20-30, nên việc thăm khám thai theo lịch định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường là vô cùng cần thiết đối với em, nếu như muốn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Nếu có thể, ngoài việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thăm khám thai và làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh, em nên tham khảo và đăng ký quản lý thai nghén (chăm sóc trước sinh) tại bệnh viện Phụ sản để bác sĩ có thể nắm chắc tình trạng sức khỏe mẹ và bé, từ đó tiên lượng và chuẩn bị tốt cho cuộc đẻ, đề phòng các nguy cơ khi chuyển dạ.
Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh!