Nên làm gì khi trẻ có dấu hiệu chậm tăng cân
Xin chào bác sĩ ạ,
Em sinh mổ bé được 4,1kg. Lúc 28 ngày tuổi em cân bé được 4,6 kg và hôm nay 1 tháng 24 ngày bé được 4,8kg. Như vậy sắp được hai tháng mà tăng chưa được 1 kg thì bé nhà em có bị chậm phát triển không ạ? Bé bú mẹ hoàn toàn và bú theo nhu cầu ạ. Mỗi lần ti xong bé đầu nhả ra, em đưa vào thì bé quay đầu đi hoặc sẽ ọe ra kiểu không muốn bú nữa. Bé ngủ ngày nhiều hơn, đêm ngủ đến 2h là dậy bú. Có hôm bú xong chơi đến sáng mới ti rồi ngủ lại, có ngày ị 1 lần còn xì hơi cái són 1 ít, có ngày thì 2-3 lần, bé đi tè thì nhiều ạ. Bé ít quấy khóc, bé biết cười, trườn đi quanh giường rồi ạ, cứ cong lưng duỗi chân 1 cái là trượt lênh trên 1 đoạn. Khi nằm nôi mỗi lần bé hay dập chân gọi mình, bé hay gãi gãi đầu và bồng bé thích bế lên vai, hay cạp cái vai, nằm hay lôi khăn đưa vào miệng cạp và hay mút tay, ngủ dậy hay phì nước bọt ạ.
Em xin cảm ơn bác sĩ.

Chào em,
Đọc thư, chúng tôi có thể cảm nhận thấy sự lo lắng của em về tình trạng lên cân của con mình khi gần 2 tháng mà bé chỉ tăng lên chưa được 1 kg. Vậy đây có là dấu hiệu cho thấy con nhà em bị chậm phát triển hay không? thì để biết được câu trả lời của thắc mắc này em cần biết về các dấu hiệu của một trẻ sơ sinh bị chậm phát triển.
Trẻ sơ sinh chậm phát triển là tình trạng cân nặng của trẻ sơ sinh tăng chậm hơn so với dự kiến về độ tuổi và giới tính của trẻ. Hiện tại bé nhà đang được 1 tháng 24 ngày tuổi và nặng 4.8kg, thì theo Tổ chức Y tế Thế giới, cân nặng của trẻ 1 tháng tuổi đạt chuẩn sẽ giữ ở mức 4-4.2kg, ở trẻ 2 tháng tuổi thì mức chuẩn này sẽ rơi vào khoảng 4.9-5.6kg (bé trai) và 4.5-5.1kg (bé gái). Theo dữ kiện này có thể thấy bé nhà em nhiều khả năng không có bị chậm phát triển. Các hoạt động như đại tiện, tiểu tiện, duỗi chân, gãi đầu,... là hoàn toàn phù hợp với tháng tuổi của bé hiện giờ. Cho nên em không nên quá lo lắng về vấn đề cân nặng hiện giờ của bé.
Thường thường, trong vòng 3 tháng đầu tiên, trẻ có thể tăng từ 1-1.2kg/tháng. Càng về sau, cân nặng của trẻ sẽ càng tằng chậm, khoảng 600gr mỗi tháng trong giai đoạn trẻ từ 4-6 tháng tuổi. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thể trạng và cơ địa mỗi bé mà tốc độ phát triển về cân nặng và chiều cao sẽ khác nhau, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh. Nếu con em tăng cân ít nhưng lại hoàn toàn khỏe mạnh, thì bé đơn giản chỉ là tăng cân chậm vì đó là tốc độ phát triển riêng theo cơ địa của bé. Tình trạng này sẽ không ảnh hưởng đến qua trình phát triển thể chất và trí não của trẻ. Nên em có thể yên tâm phần nàovề sức khỏe của bé.
Hiện tại bé nhà em vẫn đang bú mẹ hoàn toàn nên việc bú mẹ sẽ ảnh hưởng lớn đến cân nặng của bé. Vì vậy, muốn cải thiện tốc độ tăng cân của bé em cần cho bé bú đều đặn trong ngày, không nên để cữ bú cách quá xa, tốt nhất là khoảng 2-3 giờ cho bé bú một lần. Cố gắng duy trì thời gian bú để bé bú càng lâu càng tốt vì hàm lượng chất béo của sữa mẹ sẽ tăng dần và nhiều nhất ở sữa cuối. Nếu bé lười bú hoặc bú ít em có thể tập các bài tập vận động nhẹ cho con như vắt chéo tay, chân,... vừa khiến bé tăng cường sức khỏe, trao đổi chất giúp hỗ trợ tiêu hóa, hấp thu chất tốt hơn. Việc vận động sẽ kích thích sự thèm ăn của bé. Bên cạnh đó, em hãy luôn duy trì tâm lý vui vẻ cho mẹ và bé trong suốt quá trình bú, không nên ép và căng thẳng với bé. Tâm trạng vui vẻ sẽ giúp bé muốn được bú mẹ lâu hơn.
Chúc em và gia đình nhiều sức khỏe!