Phát hiện có thai sau khi tiêm Covid19 và chụp X-quang
Chuyên gia cho em hỏi ngày 30/5 em tiêm phòng covit 19 còn chồng em tiêm ngày 23/7. Ngày 14/8 em có cho bé 4 tuổi đi viện khám và có cùng bé vào phòng chụp X-Quang, em có ôm bé vào lòng để bác sỹ chụp từ sau lưng. Đến ngày 16/8 em thử thì biết mình có thai. Chu kỳ kinh nguyệt của em đều, chu kỳ cuối là ngày 11/7. Vậy cho em hỏi là em tiêm phòng và vào phòng chụp X-quang như vậy có ảnh hưởng tới thai nhi không ạ?

Chào em!
Mang thai thường được coi là việc đại hỉ, tin mừng, bởi vì gia đình sắp có thêm thành viên mới, tuy nhiên trong trường hợp của em thì phát hiện ra mình có thai lại làm cho em lo lắng, bất an.Nguyên nhân bởi vì trong thời gian qua em và chồng có tiêm vắc xin covid 19 và em có vào phòng chụp Xquang và bế con cho bác sỹ chụp, vì thế em lo lắng những việc làm này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Về việc tiêm phòng thì hiện nay em có thể yên tâm, bởi theo các chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng và vắc xin cho biết rằng các vắc xin covid 19 hiện nay đều không sử dụng virus sống, nên rất an toàn cho sức khỏe của phụ nữ mang thai. Cân nhắc giữa nguy cơ xảy ra các biến chứng xấu khi mang thai mà chẳng may bị nhiễm covid 19, có thể dẫn đến tử vong mẹ và thai nhi, sinh non, thai chết lưu,... và những tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm phòng vắc xin thì chúng tôi nhận thấy rằng rủi ro khi phụ nữ mang thai mà nhiễm covid là cao hơn gấp nhiều lần. Vì thế phụ nữ mang thai được khuyến khích tiêm phòng covid 19 càng sớm càng tốt và nên tiêm đủ 2 mũi để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ. Do đó, việc em và chồng em tiêm phòng trước khi phát hiện mang thai thường sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai cả.
Còn về việc chụp Xquang thì đây là việc làm được coi là một trong các chống chỉ định của thai kỳ. Nguyên nhân là do tia X có khả năng gây ảnh hưởng đén sự phát triển của tế bào, gây rối loạn quá trình phân bào, nên có thể gây ra dị tật thai nhi. Tuy thế không phải bất cứ trường hợp nào có tiếp xúc với chụp Xquang thai nhi cũng bị ảnh hưởng. Và hơn nữa, tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ dị tật cảng cao. Ở đây em chỉ tiếp xúc một lần trong thời gian ngắn nên khả năng ảnh hưởng thường rất thấp. Do đó, kết hợp những điều trên lại chúng tôi nhận thấy rằng khả năng thai của em có thể phát triển bình thường là ở mức cao, em không có chỉ định đình chỉ thai trong trường hợp này. Em nên đi khám để được siêu âm và theo dõi sự phát triển của thai bằng các xét nghiệm sàng lọc trong thời gian tiếp theo em nhé.
Chúc thai kỳ khỏe mạnh!