Thai 36 tuần nặng có hơn 2 ký có phải là chậm phát triển???
Thưa bác sĩ,
Thai em đã được 36 tuần nhưng chỉ có nặng 2 ký 1, như vậy có phải là bé bị phát triển chậm không ạ. Với bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ bảo với em là bé bị xương mũi ngắn. Hơn nữa, em bị tai nam lúc 3 tháng, không biết 2 lần chụp CT thì có ảnh hưởng đến con không ạ? Giờ em gần sanh rồi nên bác sĩ không có chỉ định em chọc nước ối, kêu em sanh rồi em mới kiểm tra em bé. Nhưng em lo ljpph biết bé có bị làm sao không nữa? Nên rất mong bác sĩ tư vấn kỹ giúp em với ạ. Và em nên ăn gì để con sanh ra được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác ạ?
Em xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ.

Chào em,
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, cân nặng của thai 36 tuần sẽ rơi vào khoảng 26622 gram ( hơn 2,6 kg). Dựa theo thông tin này, có thể thấy cân nặng của thai nhi em đang thấp hơn so với bình thường. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với thai bị chậm phát triển. Muốn biết thai có bị chậm phát triển hay không thì còn dựa vào các chỉ sổ siêu âm khác như chỉ số đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi, chỉ số Doppler động mạch, chu vi bụng,...
Còn về việc thai của em có xương mũi ngắn có phải là dấu hiệu bất thường như bệnh down hay các dị tật nhiễm sắc thể hay không thì cũng phải dựa vào các yếu tố khác nữa. Bởi chiều dài xương mũi còn tùy thuộc vào dân tộc, di truyền và tuổi thai. Ví dụ bố mẹ có mũi tẹt thì con cũng có mũi tẹt, khi này xương mũi của thai có thể ngắn hơn so với tiêu chuẩn. Như vậy quan trọng là tình trạng xương mũi ngắn của thai có kèm thêm bất thường nào khác về hình thái thai nhi và kết quả xét nghiệm sàng lọc trước sinh có bất thường hay không, từ đó mới chẩn đoán và đưa ra kết luận chính xác. Nếu thai có xương mũi ngắn nhưng các kết quả khác đều bình thường thì thường không đáng lo ngại.
Chụp CT là một phương pháp có sử dụng đến bức xạ tia X. Nhưng liều lượng bức xạ được sử dụng trong chụp CT tương đối thấp (được đánh giá là thấp hơn nhiều so với mức độ gây tổn hại đến thai nhi. Phụ nữ mang thai nếu tiếp xúc nhiều với môi trường tia X hoặc chụp CT nhiều lần ở khu vực bụng dưới mới là vấn đề cần phải lo lắng. Nếu chỉ chụp CT 1-2 lần theo chỉ định bác sĩ thì nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi gần như bằng không. Mặt khác, việc chụp CT trong số lần cho phép không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Cho nên em không cần băn khoăn nhiều quá về điều này nữa.
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi phát triển rất nhanh nên cần phải hấp thụ một lượng lớn dưỡng chất của mẹ. Ở khoảng thời gian này, em tăng cường bổ sung các thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, các loại đậu, sữa, cá hồi, quả óc chó, hạnh nhân, điều, đậu phộng, hạt dẻ,kiwi, dâu tây, chuối và dưa hấu, đu đủ chín,... Ở những tháng cuối thai kỳ em có thể chia bữa ăn thành từng bữa nhỏ và không bao giờ bỏ qua bất kì bữa ăn nào. Việc này sẽ giúp em và bé khỏe mạnh, thoải mái rất nhiều. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì tinh thần của em trong thời gian này cũng rất quan trọng. Nếu em ăn uống tốt nhưng luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng thì sức khỏe của thai cũng sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Cho nên em cần phải dành thời gian nhiều hơn cho việc nghỉ ngơi, thư gian đầu óc, giải tỏa lo lắng nhiều hơn bằng các cách như nghe nhạc, đọc sách, nấu ăn, đi dạo, suy nghĩ tích cực,...
Chúc em và gia đình nhiều sức khỏe!