Trẻ 3 tuổi biếng ăn, chỉ uống sữa có ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ?
Tôi có cháu trai nhỏ năm nay gần ba tuổi cháu lười ăn và không biết ăn vặt bất cứ một thứ gì. Hồi nhỏ cháu còn ăn cháo, gần một tháng nay cháu không ăn cháo mà cũng không ăn cơm chỉ uống sữa bột và sữa tươi thay nước điều tôi băn khoăn là cháu không ăn mà chỉ uống sữa liệu có ảnh hưởng đến trí tuệ, phát triển của cháu không. Và có ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của cháu không vì tôi sợ cháu không ăn lâu ngày thì ruột cháu bị quắn lại. Hiện giờ cháu phát triển hoàn toàn khoẻ mạnh và chiều cao cũng cao hơn các bạn sinh cùng cháu. Vậy tôi nhờ trương trình giải đáp dúp tôi với ạ. Tôi chân thành cảm ơn

Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi gắm tâm sự của mình về cho chương trình Cửa sổ tình yêu của chúng tôi để được tư vấn. Hiện nay cháu nhà bạn được 3 tuổi, gần 1 tháng nay cháu có tình trạng biếng ăn, không ăn bất cứ thứ gì chỉ uống sữa.Dù hiện nay bé vẫn đang phát triển bình thường so với các bạn cùng trang lứa, nhưng bạn lo lắng rằng biếng ăn lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể, trí tuệ cũng như gây bệnh cho hệ tiêu hóa của cháu.
Vấn đề của bạn cũng là niềm trăn trở của rất nhiều gia đình đang nuôi con nhỏ, bởi lẽ tình trạng biếng ăn hầu như trẻ nào cũng gặp phải, ở các giai đoạn khác nhau, đặc biệt với trẻ từ 1-5 tuổi. Và lý do trẻ biếng ăn ở đây thì có rất nhiều, từng trẻ khác nhau sẽ có lý do khác nhau cho sự biếng ăn của mình. Tuy nhiên, đa phần nếu biết cách tình trạng trên đều có thể khắc phục được nếu gia đình có đủ kiến thức cũng như sự "cứng rắn" với trẻ. Lý do thường gặp nhất ở những trẻ không ăn cơm, cháo mà chỉ uống sữa như cháu nhà bạn thường là do sự nuông chiều của ông bà, bố mẹ. Khi ông bà bố mẹ thường xuyên đáp ứng nhu cầu đòi uống sữa của trẻ thì trẻ sẽ hình thành thói quen nhịn ăn để được uống sữa. Thói quen xấu này sẽ được phá bỏ khi ông bà cha mẹ kiên quyết hơn trong việc ăn uống của trẻ, bởi bạn phải hiểu rằng trẻ em hoạt động nhiều, nhu cầu dinh dưỡng sẽ cao, nên trẻ rất hay bị đói, nên cho trẻ biết cảm giác đói chứ đừng sợ cháu bị đói. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, đầu tiên ông bà, cha mẹ phải thống nhất với nhau trong "chiến lược" xây dựng chế độ ăn uống khoa học cho trẻ.
Đầu tiên, nên cho trẻ ăn đúng giờ, đúng bữa kể cả uống sữa cũng nên giới hạn, ví dụ như một ngày trẻ chi được uống sữa hai lần vào một giờ nhất định, thường là sau bữa ăn chính 2 tiếng, ông bà nên nói cho trẻ biết điều đó và kiên quyết thực hiện. Thứ hai, trước khi bắt đầu bữa ăn trong khoảng 2-3h không cho trẻ uống sữa, kể cả cháu có đòi hỏi, bởi khi uống sữa hoặc ăn bất cứ thứ gì, cảm giác đầy bụng sẽ xảy ra và trẻ sẽ không hứng thú để ăn cơm nữa. Thứ ba, ông bà cha mẹ nên xem xét thực đơn, khẩu phẩn ăn của cháu trước giờ có thích hợp hay không. Nếu trẻ lên 3 tuổi, thường sẽ không còn hứng thú với món cháo. Thay vào đó nên chế biến thức ăn dạng miếng để trẻ tự cầm, tự xúc ăn, và cho trẻ ngồi vào cùng mâm cơm với gia đình. Việc này không chỉ khơi dậy hứng thú cho trẻ mà còn dậy cho trẻ tính tự lập ngay còn nhỏ, điều mà cha mẹ Việt đa phần ít chú ý tới. Thứ 4 nên tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ, để kích thích khả năng tiêu hóa và cảm giác thèm ăn.
Qua những chia sẻ ở trên hy vọng cháu nhà bạn sẽ có chuyển biến tích cực trong việc ăn uống. Còn đối với trẻ lớn từ 3 tuổi trở nên thì không nên để cháu phụ thuộc vào sữa toàn bộ như hiện tại. Việc này có thể dẫn đến việc thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu vitamin và đặc biệt là các loại chất xơ. Tình trạng nếu kéo dài từ 1 đến vài tháng thì có thể không sao, nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất cũng như tiêu hóa của trẻ. Do đó, tốt nhất gia đình nên cố gắng để xây dựng cho trẻ có một chế độ dinh dưỡng khoa học. Ở giai đoạn này sữa chỉ nên sử dụng 2 hộp hoặc 2 ly một ngày ở 2 bữa phụ sáng và chiều, còn nguồn dinh dưỡng chính vẫn nên tới từ 3 bữa chính sáng- trưa- tối bạn nhé.
Chúc gia dình sức khỏe!